Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bệnh sốt mò: Triệu chứng và cách điều trị

Thứ sáu, 17-11-2023 10:03 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Bệnh sốt mò thường có triệu chứng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh gây sốt khác như thương hàn, nhiễm arbovirus… Nếu không được chẩn đoán chính xác, việc điều trị vừa không có hiệu quả mà còn khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn. Tính mạng người bệnh bị đe dọa. Vậy triệu chứng và cách điều trị bệnh sốt mò là gì?

 

Hình ảnh con mò

Hình ảnh con mò

 

Bệnh sốt mò là gì?

   Bệnh sốt mò hay sốt bờ bụi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Orrientia (Rickettsia) tsutsugamushi gây nên. Chúng lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula).

   Mò đỏ thường sinh sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Con người bị mò đốt khi sinh hoạt hoặc lao động ở khu vực có ổ dịch, đi qua vùng ven sông, ven suối, vào các hang đá, nằm nghỉ trên bãi cỏ… Người đã nhiễm bệnh không có khả năng lây cho người khác.

   Ở Việt Nam, bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Bởi lẽ, khoảng thời gian này có độ ẩm cao, là điều kiện để ấu trùng mò phát triển.

   Các ca bệnh sốt mò có triệu chứng rất đa dạng, giống với nhiều bệnh khác nên dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm. Nếu không chữa trị kịp thời, sốt mò có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

 

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt mò

   Khi bị nhiễm vi khuẩn Orrientia tsutsugamushi, chúng sẽ ủ bệnh khoảng 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày). Đến giai đoạn toàn phát, người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.

 

Triệu chứng vết loét của bệnh sốt mò

Triệu chứng vết loét của bệnh sốt mò

 

   Đặc biệt, bệnh nhân xuất hiện vết loét ngoài da hình bầu dục, kích thước khoảng 0.5-2 cm. Vết loét có vảy đen, không tiết dịch. Một số trường hợp vảy bong ra, tạo vết loét có gờ. Chúng thường không đau, khu trú ở vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng… Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt mò.

   Một số triệu chứng khác bao gồm:

  • Các triệu chứng trên da và niêm mạc: Da, kết mạc mắt bị xung huyết, phù nhẹ ở vùng mặt, mu chân.
  • Ban ngoài da: Ban thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, dạng nổi hạt đỏ sần trên da, phân bổ chủ yếu ở thân, có thể gặp ban xuất huyết.
  • Sưng hạch lympho: Hạch sưng tại vết loét và hạch toàn thân; kích thước khoảng 1,5- 2cm, mềm, không đau, di động bình thường.
  • Gan to, lách to: Khoảng 40% số người bệnh sốt mò gặp triệu chứng này.
  • Tổn thương phổi: Với biểu hiện ho, nghe phổi có ran rít. Một số người có tràn dịch màng phổi. Sốt mò nặng còn gây khó thở, nguy cơ suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.
  • Tổn thương tim mạch: Hạ huyết áp, viêm cơ tim.
  • Viêm màng não, viêm não: Ít gặp, người bệnh xuất hiện cơn đau đầu, rối loạn ý thức.

   Các trường hợp nhẹ và vừa có thể bị sốt kéo dài 3 - 4 tuần. Sau đó người bệnh hết sốt nhưng các triệu chứng mệt mỏi vẫn còn kéo dài trong thời gian một vài tuần.

 

Người bệnh thường mệt mỏi kéo dài một vài tuần

Người bệnh thường mệt mỏi kéo dài một vài tuần

 

Các triệu chứng bệnh sốt mò trên kết quả xét nghiệm

  • Công thức máu: Tỷ lệ bạch cầu lympho và mono thường tăng; tiểu cầu có thể hạ.
  • X-quang phổi: Thấy tổn thương viêm phế quản, viêm phổi.
  • Chức năng gan: Tăng men gan, rối loạn protid máu.
  • Chức năng thận: Xét nghiệm nước tiểu có thể có protein và hồng cầu.
  • Siêu âm: Gan lách to, tràn dịch màng phổi, màng bụng, (viêm màng não nếu có).

 

Bệnh sốt mò dễ nhầm với các bệnh lý khác

   Nếu không có vết loét, bệnh sốt mò rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác bao gồm:

  • Thương hàn: Bệnh cũng gây sốt, gan lách to và tổn thương nhiều hệ cơ quan và phủ tạng. Điểm khác so với sốt mò là thương hàn khởi phát bán cấp, kèm theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh xoắn khuẩn vàng da do leptospirosis: Triệu chứng chính là sốt, đau cơ, có thể có phát ban, vàng da, tổn thương phổi, suy thận. Xét nghiệm máu cũng có thể có hạ tiểu cầu, tăng men gan.
  • Các bệnh nhiễm arbovirus: Biểu hiện thường gặp bao gồm sốt, đau đầu, mỏi người, có thể có phát ban..., tương tự như sốt mò. Các bệnh nhiễm arbovirus thường không đi kèm với gan lách to, ít khi có biểu hiện đồng thời ở nhiều cơ quan và phủ tạng.
  • Các bệnh nhiễm trùng huyết: Có sốt, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng như sốt mò. Điểm khác là nhiễm trùng huyết ít khi đi kèm với xung huyết và phát ban trên da, tràn dịch các màng.
  • Sốt rét tiên phát: Người bệnh có sốt và rét run như trong sốt mò.

   Khi có biểu hiện sốt mà không xác định được nguyên nhân, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

 

Sốt mò điều trị như thế nào?

Sốt mò điều trị như thế nào?

 

Cách điều trị bệnh sốt mò

   Khi đã xác định được sốt mò, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh cho người bệnh. Thông thường, loại kháng sinh được kê cho người bệnh là Doxycycline và Chloramphenicol. Chúng có thể dùng bằng đường tiêm hoặc đường uống trong 7-15 ngày.

   Người bệnh sốt mò được điều trị kháng sinh đặc hiệu thường hết sốt trong vòng từ 1 đến 3 ngày. Các triệu chứng phát ban, hạch to, gan lách to... cũng lui dần.

   Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý bổ sung dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung điện giải để tránh cơ thể suy nhược.

 

Cách phòng bệnh sốt mò

   Con mò thường sinh trưởng ở nơi ẩm ướt, bụi rậm. Vì vậy, để phòng tránh sốt mò, bạn cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm. Đồng thời, mỗi gia đình nên áp dụng các biện pháp diệt chuột, loài gặm nhấm.

   Nếu đi vào rừng tham quan hay làm việc, bạn lưu ý không nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn; không nằm dưới đất mà nên nằm trên võng cao. Trang phục cần mặc quần áo kín đáo, đi giày cao cổ. Bạn nên dùng thêm thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào các khoảng da trống.

   Tuy bệnh sốt mò không phổ biến nhưng nó lại dễ chẩn đoán nhầm và nguy cơ cao tiến triển nặng. Vì vậy tốt nhất ngay từ bây giờ, bạn nên trang bị tốt kiến thức và cách phòng tránh bệnh cho bản thân cũng như gia đình. Chúc các bạn khỏe mạnh!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222