Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Các loại thuốc làm tăng đường huyết người bệnh tiểu đường cần lưu ý

Thứ hai, 23-12-2024 13:50 PM

Mục lục [Ẩn]

 

    Với người bệnh tiểu đường, việc lưu ý các nguyên nhân làm tăng đường huyết là vô cùng quan trọng. Bên cạnh các yếu tố thường gặp như chế độ ăn uống, tình trạng căng thẳng, stress,... thì một số loại thuốc điều trị bệnh lý khác cũng là một nguyên nhân. Vậy các loại thuốc nào có thể làm tăng đường huyết của bệnh nhân tiểu đường? Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau để tìm hiểu.

 

 Loại thuốc nào có thể làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường?

Loại thuốc nào có thể làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường?

 

Các loại thuốc nào có thể làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường?

   Bệnh nhân tiểu đường thường có các bệnh lý mắc kèm như mỡ máu, tăng huyết áp,... buộc phải dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị các bệnh lý mắc kèm này cũng góp phần làm tăng đường huyết. Dưới đây là một số thuốc người bệnh tiểu đường cần lưu ý:

Corticosteroid

   Corticosteroid hay corticoid là thuốc kháng viêm thường được sử dụng để điều trị trong các bệnh lý như gút, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, hen suyễn,... Loại thuốc này có nhiều tác dụng không mong muốn, trong đó có làm tăng đường huyết, giữ nước, làm tăng cân,...

   Vì vậy, corticoid thường được kê đơn ở liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian ngắn nhất có thể. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và cần dùng steroid, ví dụ như để điều trị bệnh gút, hen suyễn, hãy báo với bác sĩ rằng mình đang bị tiểu đường. Thông thường bác sĩ sẽ đảm bảo thời gian dùng của bạn corticoid ngắn nhất có thể.

Thuốc điều trị tim mạch

   Tăng huyết áp là bệnh lý mắc kèm thường gặp của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp làm tăng đường huyết bạn cần lưu ý:

  • Thuốc chẹn beta giao cảm

   Thuốc chẹn beta giao cảm như metoprolol, atenolol, propranolol,... thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh... Nghiên cứu cho thấy, các loại thuốc này làm tăng đường huyết, đặc biệt là metoprolol, atenolol,...

   Đặc biệt, thuốc chẹn beta giao cảm cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng hạ đường huyết của người bệnh tiểu đường và làm giảm các dấu hiệu cảnh báo điển hình của tình trạng hạ đường huyết (làm giảm run tay, giảm vã mồ hôi...). Điều này rất nguy hiểm, vì nó sẽ khiến bệnh nhân khó nhận ra mình đang bị hạ đường huyết để được xử lý kịp thời.

  • Thuốc lợi tiểu

   Thuốc lợi tiểu thường được sử dụng ở bệnh nhân bị tăng huyết áp. Một số loại thuốc lợi tiểu, trong đó có thuốc lợi tiểu thiazid đã được chứng minh là làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt khi dùng ở liều cao.

    Nguyên nhân do hầu hết các thuốc lợi tiểu này đều gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu. Vì vậy thuốc ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin ở tuỵ - vốn cần đủ kali máu mới thực hiện tốt chức năng của mình.

   Bên cạnh đó, một loại thuốc nhóm thiazid khác có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng đường huyết mạnh là diazoxide. Thuốc này gây tăng đường huyết mạnh đến mức nó còn được sử dụng để làm thuốc chống hạ đường huyết. Cơ chế gây tăng đường huyết là nó ngăn insulin tiết ra từ tuyến tụy.

Thuốc rối loạn lipid máu nhóm statin

   Rối loạn lipid máu (mỡ máu) là một bệnh đồng mắc thường gặp khác của bệnh lý tiểu đường. Trong đó, các thuốc nhóm statin như Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin… là nhóm thường được sử dụng nhất để điều trị bệnh lý này.

    Một nghiên cứu lớn cho thấy statin có khả năng làm tăng đường huyết. Bên cạnh đó, nhóm thuốc statin còn có thể gây khởi phát sớm bệnh tiểu đường ở những người đang ở giai đoạn tiền tiểu đường.

 

 Thuốc điều trị rối loạn lipid máu được chứng minh làm tăng đường huyết.

Thuốc điều trị rối loạn lipid máu được chứng minh làm tăng đường huyết.

 

Một số loại kháng sinh

   Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn. Có nhiều nhóm thuốc kháng sinh khác nhau và một số loại có khả năng làm tăng đường huyết.

   Trong đó có nhóm Fluroquinolone, bao gồm các loại kháng sinh như moxifloxacin, levofloxacin,...  Nhóm kháng sinh này gây ra biến động nghiêm trọng về lượng đường trong máu (có thể làm tăng hoặc giảm đường huyết).

Các biện pháp kiểm soát sinh sản

   Các biện pháp tránh thai nội tiết như thuốc tránh thai đường uống và đường tiêm, vòng tránh thai nội tiết (IUD) và que cấy tránh thai có thể làm tăng đường huyết.

   Một nghiên cứu theo nhóm lớn cho thấy, việc sử dụng thuốc tránh thai nội tiết kết hợp (thuốc tránh thai kết hợp của estrogen và progestin) có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường ở phụ nữ tiền mãn kinh. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone làm tăng nguy cơ rối loạn glucose, đặc biệt ở những người sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Thuốc chống loạn thần

   Thuốc chống loạn thần như quetiapine, olanzapine, aripiprazole,... thường được sử dụng cho một số bệnh lý về rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, chúng có nhiều tác dụng không mong muốn, trong đó có tăng cân, tăng đường huyết và cholesterol.

 

Làm thế nào để kiểm soát việc tăng đường huyết do thuốc?

   Như vậy, có rất nhiều loại thuốc có thể làm tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, sau khi cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ thì các bác sĩ vẫn cần phải kê đơn cho bệnh nhân.

   Người bệnh tiểu đường nên:

  • Khi mắc thêm một bệnh nào khác, người bệnh tiểu đường nên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh tiểu đường của mình. Đồng thời, bạn cũng cần báo cho bác sĩ điều trị tiểu đường về loại thuốc mình mình sắp uống để có sự điều chỉnh phù hợp.
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết và báo sớm với bác sĩ tiểu đường khi thấy đường huyết thường xuyên tăng cao khi sử dụng thuốc mới.

 

 Thường xuyên kiểm tra đường huyết.

Thường xuyên kiểm tra đường huyết.

 

  • Sử dụng thuốc điều trị tiểu đường theo đúng chỉ định của bác sĩ nội tiết, không tự ý tăng hay giảm liều.
  •  Duy trì lối sống, sinh hoạt hợp lý:
  • Chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm giàu đường và tinh bột, ăn nhiều rau, quả, thay tinh bột tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Bạn nên đặt ra tổng lượng calo được phép tiêu thụ mỗi ngày và cân đối các loại thực phẩm.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên: Bạn nên tăng cường tập luyện thể lực 30 phút/ngày, 150 phút/tuần (đi bộ, chạy, bơi…). Điều này sẽ vừa giúp kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, vừa tốt cho các bệnh lý mắc kèm khác nếu có như rối loạn mỡ máu, huyết áp.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, học cách quản lý căng thẳng...

   Trên đây là một số loại thuốc có thể làm tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường cần chú ý, thông báo với các bác sĩ về bệnh lý tiểu đường của mình khi đi khám và báo với bác sĩ tiểu đường về các thuốc điều trị bệnh lý khác mình sắp phải sử dụng, đồng thời duy trì lối sống, sinh hoạt hợp lý. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222