Mục lục [Ẩn]
Viêm ruột là một bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, bệnh viêm ruột ở trẻ em chiếm gần 20% tổng số ca mắc bệnh. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ bệnh này, từ đó biết cách phòng bệnh và chăm sóc cho trẻ sau mắc.
Viêm ruột ở trẻ có nhiều biến chứng nguy hiểm nên phụ huynh cần hiểu rõ về bệnh
Bệnh viêm ruột là gì?
Viêm ruột (Inflammatory bowel disease: IBD) là một bệnh viêm mãn tính ở đường tiêu hóa.
Bệnh viêm ruột gồm hai loại chính: Bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng. Trong đó, bệnh viêm loét đại tràng chỉ gây viêm ở đại tràng và trực tràng, còn bệnh Crohn có khả năng gây viêm ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn). Tuy nhiên, không phải lúc nào bác sĩ cũng chẩn đoán phân biệt được hai bệnh này do chúng có nhiều triệu chứng giống nhau, lúc đó bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh viêm ruột không xác định. Trên thực tế, cứ 10 ca viêm ruột ở trẻ em thì có 1 ca được chẩn đoán là viêm ruột không xác định.
Các triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm ruột ở trẻ em
Các triệu chứng viêm ruột ở trẻ em
Một số dấu hiệu và triệu chứng điển hình khi trẻ mắc viêm ruột bao gồm:
- Sốt, mệt mỏi, quấy khóc,...
- Đau quặn bụng.
- Tiêu chảy, phân lỏng, phân nhiều chất nhầy, thậm chí dính máu.
- Buồn nôn và nôn.
- Không ăn, ăn không ngon miệng.
- Sụt cân.
- Xanh xao, nhợt nhạt do chảy máu ở ruột.
Nếu các triệu chứng này kéo dài thì trẻ có nguy cơ bị mất nước rất nguy hiểm. Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu mất nước nhiều như: Trẻ toát nhiều mồ hôi, sốt, nôn mửa và tiêu chảy kéo dài liên tục 2 - 3 ngày.
Bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có nhiều triệu chứng giống nhau
Các biến chứng viêm ruột ở trẻ em
Viêm ruột ở trẻ em dễ dẫn tới các bệnh trên gan, mật hoặc sỏi thận nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Bệnh Crohn có thể để lại sẹo trong ruột non, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ở ruột non, từ đó làm chậm sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
Bệnh viêm loét đại tràng ở trẻ tiến triển nặng hơn có khả năng gây ra phình đại tràng nhiễm độc, khiến đại tràng của trẻ trở nên tê liệt và không thể hoạt động bình thường. Nghiêm trọng hơn, viêm loét đại tràng làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Nguyên nhân gây viêm ruột ở trẻ em
Bệnh viêm ruột ở trẻ em đang ngày càng gia tăng trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, nguyên nhân gây viêm ruột chưa được xác định rõ ràng.
Một số yếu tố nguy cơ gây viêm ruột ở trẻ em gồm:
- Yếu tố di truyền: Trẻ có nhiều nguy cơ bị viêm ruột hơn nếu người thân trong gia đình bị viêm ruột.
- Hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của trẻ còn yếu ớt, chưa được hoàn thiện.
- Trẻ bị nhiễm vi khuẩn và virus (phần lớn là virus Rota và Adenovirus), ký sinh trùng.
- Thay đổi môi trường sống, biến đổi khí hậu, khói bụi hóa chất, nguồn nước bị ô nhiễm.
- Trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thức ăn chưa được nấu chín hoặc chưa được hâm nóng, hoặc trẻ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến.
- Trẻ dùng nhiều kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột, khiến đường tiêu hóa của chúng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
- Trẻ có vấn đề ở hệ miễn dịch: Vì một nguyên nhân nào đó, hệ miễn dịch của trẻ hiểu lầm các lợi khuẩn trong đường ruột là vi khuẩn có hại và tấn công nó, gây viêm và những triệu chứng tiêu hóa không mong muốn khác.
Chẩn đoán viêm ruột ở trẻ em
Vì bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng có nhiều triệu chứng giống nhau nên để xác định được trẻ đang mắc loại viêm ruột nào, các bác sĩ cần thăm khám lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu viêm nhiễm (CRP tăng cao, tốc độ máu lắng và số lượng bạch cầu tăng), xem trẻ có bị thiếu máu không (có hemoglobin thấp)
- Nuôi cấy phân: kiểm tra dấu vi khuẩn hoặc virus trong phân hoặc dấu hiệu viêm trong ruột.
- Xét nghiệm nhu động ruột
- Sinh thiết
- Phương pháp nội soi: Đây là xét nghiệm bắt buộc để chẩn đoán viêm ruột ở trẻ em.
- Phương pháp hình ảnh: Chụp X - quang, chụp cắt lớp vi tính ( CT), chụp cộng hưởng từ ( MRI).
Viêm ruột ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị viêm ruột ở trẻ em:
- Cải thiện các triệu chứng viêm ruột và hạn chế tái phát trong thời gian dài.
- Chữa lành niêm mạc ruột và ngăn ngừa các tổn thương hoặc biến chứng tại ruột.
- Phục hồi sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
- Phục hồi chất lượng cuộc sống.
Để đạt được những mục tiêu này, trẻ cần được điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống (chế độ ăn uống, sức khỏe tinh thần, tăng sức khỏe thể chất). Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, trẻ cần được phẫu thuật.
Một số thuốc được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ:
- Thuốc kháng viêm corticosteroid
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc ức chế miễn dịch: methotrexate, azathioprine,...
- Các thuốc điều trị triệu chứng: thuốc chống tiêu chảy, thuốc giảm đau
Ngoài ra, trẻ còn được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác: Bổ sung sắt, bổ sung canxi và vitamin D,...
Cách chăm sóc và phục hồi sau viêm ruột ở trẻ em
Phụ huynh chăm sóc cho trẻ bị viêm ruột cần chú ý những điều dưới đây để tránh cho bệnh của trẻ trở nặng hơn:
- Cung cấp đủ lượng nước cho trẻ: Trẻ bị viêm ruột rất dễ mất nước do các triệu chứng sốt, tiêu chảy, đổ mồ hôi kéo dài vì vậy việc cho trẻ uống đủ nước rất quan trọng. Cha mẹ chú ý không cho trẻ sử dụng đồ uống có ga, đồ uống nhiều đường.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đa dạng và thích hợp rất quan trọng, giúp trẻ có đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng để thúc đẩy sự phục hồi của niêm mạc ruột. Cha mẹ chú ý tránh cho trẻ ăn các thực phẩm gây tiêu chảy, buồn nôn và nôn (đồ cay, nóng, chất tạo ngọt nhân tạo, bắp cải, súp lơ,...). Ăn nhiều hoa quả tươi để cung cấp các vitamin và khoáng chất.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thay tã, bỉm thường xuyên; giữ cho vùng hậu môn của trẻ sạch sẽ và khô ráo; vệ sinh răng miệng cho trẻ tốt.
- Bổ sung các lợi khuẩn cho trẻ, ăn nhiều rau để nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Trẻ bị viêm ruột cần được uống đủ nước.
Cách phòng tránh viêm ruột ở trẻ em
Cha mẹ có thể ngăn ngừa bệnh viêm ruột cho con bằng cách:
- Bản thân cha mẹ cần rửa tay kỹ lưỡng – đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và trước khi chế biến thực phẩm. Phụ huynh cần nhắc con luôn rửa sạch và lau khô tay sau khi đi vệ sinh;
- Giữ phòng tắm và nhà vệ sinh sạch sẽ;
- Giặt riêng quần áo bẩn trong nước nóng;
- Nhắc nhở bé không ăn chung thức ăn, đồ uống đặc biệt là khi ở nhà trẻ hay ở trường;
- Giữ con cách xa bạn bè và những đứa trẻ khác cho đến khi các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy đã ngừng hẳn. Trẻ bị tiêu chảy không được đến các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường học cho đến khi đã khỏi bệnh ít nhất 48 giờ;
- Không lạm dụng kháng sinh;
- Bổ sung men vi sinh cho trẻ.
Mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm ruột ở trẻ em cũng như cách phòng tránh mắc bệnh và chăm sóc cho trẻ sau khi bị viêm ruột. Viêm ruột là bệnh để lại những di chứng và biến chứng nguy hiểm cho trẻ, vì vậy cha mẹ không nên chủ quan. Trẻ cần được đi khám và điều trị sớm nhất khi có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đã được đề cập trong bài. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: