Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

“Ăn mặn, uống ngọt” bào mòn sức khỏe người Việt

Thứ hai, 19-08-2024 16:40 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Theo thống kê, ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. Hiện có khoảng 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận, lọc máu và hàng ngàn người bệnh chờ ghép thận. Theo các chuyên gia, một trong những thủ phạm gây nên tình trạng ấy chính là lối sống, chế độ ăn uống.

 

“Ăn mặn, uống ngọt” làm tăng nguy cơ suy thận.

“Ăn mặn, uống ngọt” làm tăng nguy cơ suy thận.

 

2 căn bệnh phổ biến đang dần phá hủy thận

   Theo các chuyên gia, tiểu đường và huyết áp hiện đang trở thành 2 "thủ phạm" hàng đầu gây suy thận. Chỉ trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân suy thận do tiểu đường và cao huyết áp đã tăng gần gấp đôi.

   Theo thông tin từ  TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, cách đây khoảng một thập kỷ, tiểu đường và cao huyết áp chỉ chiếm dưới 30% nguyên nhân gây suy thận mạn. Hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 50-55%, đứng đầu trong số các nguyên nhân gây suy thận.

Tại sao tiểu đường lại có thể dẫn đến suy thận?

   Ở bệnh nhân tiểu đường, đường huyết tăng cao khiến lượng máu đến thận quá lớn nên thận phải làm việc (lọc) quá mức. Sau thời gian dài phải làm việc quá tải, hệ thống lọc của thận bắt đầu bị phá hủy, các lỗ lọc trở nên to hơn dẫn đến nhiều protein bị lọt ra ngoài.

   Thời gian đầu, protein sẽ xuất hiện trong nước tiểu một lượng rất nhỏ. Nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị trong giai đoạn này sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, ngăn ngừa tiến triển thành suy thận.

 

Tăng huyết áp làm tổn thương thận.

Tăng huyết áp làm tổn thương thận.

 

   Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì các tổn thương thận sẽ ngày càng nặng hơn, hậu quả là có nhiều protein bị lọt ra nước tiểu, chức năng thận suy giảm dần. Cuối cùng, thận mất hoàn toàn chức năng, được gọi là suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, nồng độ các chất thải độc hại trong cơ thể như ure, creatinin… tăng lên rất cao, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Lúc này, người bệnh buộc phải được điều trị bằng cách lọc máu thường xuyên để đẩy bớt chất độc ra ngoài, kéo dài sự sống.

Tại sao tăng huyết áp lại dẫn tới suy thận?

    Huyết áp cao không kiểm soát kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp cao cũng sẽ gây phá hủy bộ lọc ở cầu thận, làm suy giảm chức năng thận, thận không thể loại bỏ các chất cặn bã, độc hại dư thừa ra ngoài theo đường tiểu. Khi có quá nhiều nước ứ đọng trong hệ mạch máu sẽ khiến huyết áp càng tăng cao hơn. Người bệnh suy thận, kèm huyết áp cao sẽ thúc đẩy bệnh tiến triển nặng hơn, có khả năng biến chứng suy thận mạn.

   Có thể thấy rằng, tăng huyết áp vừa là  nguyên nhân vừa là hậu quả suy thận. Tăng huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến suy giảm chức năng của thận, gây suy thận và ngược lại khi chức năng của thận suy giảm, khả năng lọc máu kém, không thể đào thải các chất bài tiết ra ngoài sẽ gây áp lực lên thành mạch máu dẫn đến huyết áp tăng vọt.

 

Bệnh xuất phát từ thói quen ăn uống

   Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng tăng huyết áp và tiểu đường có mối quan hệ nguyên nhân - hệ quả rất chặt chẽ. Trong khi đó, tỷ lệ người Việt mắc hai bệnh này lại ngày một tăng.

    Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

    Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ người mắc tiểu đường tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, căn bệnh này tăng gần 3 lần sau hơn 20 năm. Tỷ lệ biến chứng lên đến 55%, chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận.

   Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân chính của sự gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm là do thay đổi nhanh chóng trong lối sống và thói quen ăn uống của người dân. Nhiều người đang ăn ít các thực phẩm truyền thống hơn và ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, đường, chất béo.

 

Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp.

Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp.

 

   Trong đó, chế độ ăn thừa muối và natri có mối tương quan mật thiết tới tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch. Theo Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện:

  • Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%.
  • 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao.
  • Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày. Trong khi theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000 mg natri một ngày, tức 5g muối.

  Đáng nói, dù ăn nhiều muối, nhưng người Việt không ý thức được lượng muối đang nạp vào là nhiều. Bên cạnh đó, người dân lại tiêu thụ nhiều mì ăn liền, các loại gia vị nhiều muối như: bột canh, nước mắm, nước tương, mì chính và ăn ít rau củ quả. Theo Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020 tại Việt Nam, lượng rau quả ăn vào trung bình chỉ đạt 66,4-77,4% khuyến nghị.

   Với bệnh tiểu đường, bên cạnh việc tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng thì lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng góp phần quan trọng vào sự gia tăng và trẻ hóa bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam.

   Cụ thể:

  • Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020.
  • Tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6l/người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7l/người/năm (2018).

   Để bảo vệ sức khỏe khỏi căn bệnh suy thận, chúng ta cần có một lối sống lành mạnh: Hạn chế thực phẩm nhiều muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn, giàu năng lượng, tăng cường vận động, hạn chế béo phì.

   Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là đặc biệt quan trọng. Từ đó, các bác sĩ có thể kịp thời phát hiện, điều trị để bệnh tiến triển chậm nhất có thể.

   Suy thận là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, để phòng ngừa căn bệnh này, bạn cần chú ý duy trì một lối sống lành mạnh, đặc biệt hạn chế “ăn mặn, uống ngọt”, khám sức khỏe định kỳ.

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222