Mục lục [Ẩn]
Ở nước ta, cứ đến mùa mưa, mùa xuân là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát rầm rộ. Trung bình 1 năm, có đến 100.000 người mắc với số ca tử vong rất cao. Thật may khi gần đây, các nhà khoa học Brazil đã nghiên cứu thành công vacxin sốt xuất huyết liều đơn hiệu quả bảo vệ đến 80%. Đây chính là hướng đi mới giúp con người phòng ngừa căn bệnh này.
Vacxin sốt xuất huyết liều đơn mới hiệu quả bảo vệ đến 80%
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nó có 4 loại kháng nguyên khác nhau với ký hiệu tương ứng như DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Con đường lây truyền của virus từ người này qua người khác là thông qua vết muỗi đốt.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vacxin phòng ngừa. Điều đáng ngại là bệnh lây lan nhanh qua đường muỗi đốt nên dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa mưa ở những nơi đông dân cư, vệ sinh kém, muỗi phát triển nhiều.
Đặc điểm của bệnh là xuất huyết và trụy mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Do đó, bạn nên biết triệu chứng sốt xuất huyết để đến bệnh viện thăm khám, chữa trị sớm.
Thông thường, sau khi bị muỗi mang virus đốt, chúng ta sẽ ủ bệnh khoảng 5-7 ngày rồi mới xuất hiện một số triệu chứng bao gồm:
Hội chứng nhiễm virus
- Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày.
- Rối loạn tiêu hóa: Bỏ ăn, đau bụng, táo bón, nôn…
- Đau tức vùng hạ sườn phải
- Đau đầu, nhức vùng hố mắt, đau mỏi cơ khớp.
- Sưng ở một số hạch trên cơ thể, đặc biệt là hạch cổ và hạch khủy tay.
- Da và niêm mạc mắt bị xung huyết hoặc có phát ban trên da.
Tình trạng phát ban trên da
Hội chứng xuất huyết
Tình trạng xuất huyết sẽ hiện ra từ ngày thứ 2-3. Người bệnh có nốt, chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da. Một số trường hợp còn bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng; xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen).
Hội chứng suy tuần hoàn
Giai đoạn này thường xảy ra từ ngày từ 3 đến thứ 6. Người bệnh thân nhiệt hạ, dễ xảy ra sốc với các triệu chứng như:
- Nhẹ: Huyết áp giảm nhẹ hoặc dao động, mạch nhanh.
- Nặng: Có dấu hiệu của tiền sốc (hốt hoảng, li bì, thân nhiệt hạ nhanh, đau bụng tăng, nôn nhiều, tay chân lạnh, môi tím tái, tiểu ít) hoặc sốc (tụt huyết áp, mệt lả, da tím, lạnh, tinh thần lơ mơ).
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng, giảm nguy cơ xuất huyết nội tạng, suy tuần hoàn. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là áp dụng biện pháp phòng ngừa mắc bệnh. Hiện nay, các nhà khoa học Brazil đã nghiên cứu một loại vacxin ngừa xuất huyết liều đơn mới có hiệu quả bảo vệ đến 80%.
Vacxin sốt xuất huyết liều đơn mới hiệu quả bảo vệ đến 80%
Kết quả thử nghiệm vacxin được công bố ngày 1/2 trên tạp chí y khoa New England (NEJM). Đây là công trình nghiên cứu nhiều năm của Viện Butantan, trong đó bao gồm dữ liệu từ 16 trung tâm nằm tại 5 vùng khác nhau của Brazil.
Theo đó, vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, cho thấy hiệu quả bảo vệ đến khoảng 80% trên những người chưa từng mắc sốt xuất xuất huyết và khoảng 89% ở những người đã mắc bệnh.
Nhà khoa học Esper Kallas - tác giả công trình nghiên cứu chia sẻ, nhóm sẽ hoàn thành giai đoạn theo dõi 5 năm về loại vaccine này vào tháng 6 tới đây. Khi tổng hợp xong dữ liệu, cả nhóm sẽ công bố kết quả về thời gian phát huy tác dụng của thuốc. Ông dự kiến xin cấp phép vaccine trong năm 2025 nếu mọi việc thuận lợi.
Vaccin đã thử nghiệm hiệu quả
Thử nghiệm giai đoạn ba của vaccine này bắt đầu từ tháng 2/2016 trên 16.235 người Brazil. Trong đó, khoảng 10.000 người được tiêm một liều vaccine và khoảng 6.000 người được tiêm giả dược.
Kết quả sơ bộ cho thấy, hiệu quả vaccine trong hai năm là 79,6% trên người chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đó và 89,2% ở nhóm đã mắc bệnh. Mũi tiêm có hiệu quả chống lại hai tuýp huyết thanh sốt xuất huyết 1 và 2, còn tuýp số 3, 4 không lưu hành trong thời gian nghiên cứu nên chưa có đánh giá.
Tiến sĩ Mauricio Lacerda Nogueira tham gia nghiên cứu cho biết, vaccine được đánh giá rất an toàn trên nhóm người chưa từng mắc sốt xuất huyết. Đây là điểm khác biệt so với các vaccine đang lưu hành trên thị trường.
Các nhà khoa học thế giới đã theo đuổi vaccine sốt xuất huyết 75 năm này. Hiện tại, chỉ có hai loại vaccine ngừa sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng và khuyến cáo là Dengvaxia (3 liều) và TAK-003 (2 liều).
Tuy nhiên, Dengvaxia được khuyến cáo sử dụng ở trẻ em và người lớn từ 9 đến 45 tuổi từng mắc sốt xuất huyết. Người chưa mắc bệnh không nên dùng vì tác dụng phụ gây lệ thuộc kháng thể. Theo đó, loại vacxin mới của các nhà khoa học Brazil mang đến hy vọng giúp thế giới có thêm "vũ khí" chống lại sốt xuất huyết.
Một số cách phòng ngừa sốt xuất huyết khác
- Loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.
- Thả cá nhỏ, cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng; sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
Dọn vệ sinh nhà ở sạch sẽ để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi
- Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát… nên cho muối hoặc dầu ăn vào nước hạn chế muỗi đẻ trứng.
- Xông khói để xua muỗi.
- Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.
- Phát quang cây cối, phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.
- Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ để giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà.
- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
Như vậy, bước đầu nghiên cứu, loại vacxin mới đã có hiệu quả tốt giúp bảo vệ lên tới 80% những người chưa từng bị sốt xuất huyết. Hy vọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thành công và lưu hành rộng rãi vacxin này trên thị trường.
XEM THÊM:
- Tiếc cơm thừa, cỗ nguội, nhiều người ngộ độc thực phẩm
- Nhiễm toan hô hấp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị