Mục lục [Ẩn]
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong 4 bệnh không lây nhiễm chính, gây ra hơn 4 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Làm sao để phòng tránh căn bệnh này hiệu quả là chủ đề chưa bao giờ ngừng được quan tâm. Một nghiên cứu vào tháng 5/2024 được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng & Bệnh tiểu đường cho thấy, chế độ ăn giàu Flavonoid giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên đến 26%.
Chế độ ăn giàu Flavonoid giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên đến 26%
Nghiên cứu: Chế độ ăn giàu Flavonoid giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên đến 26%
Trên thế giới, 415 triệu người đang phải sống chung với bệnh tiểu đường, trong đó ước tính 90% những người này mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, suy giảm trí nhớ và ung thư cao hơn, gây gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc sức khỏe đến kinh tế toàn cầu. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường tuýp 2 là thừa cân, béo phì, do đó chế độ ăn uống phù hợp rất quan trọng để ngừa ngừa bệnh tiểu đường.
Theo một nghiên cứu gần đây, chế độ ăn giàu flavonoid (một hợp chất có nhiều trong thực phẩm như trà, quả mọng và táo) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Theo đó, nghiên cứu theo dõi 113.097 người với thời gian theo dõi trung bình 12 năm. Trong số đó, độ tuổi trung bình của người tham gia là 57, 65,5% là nữ, 7,0% là người hút thuốc và 59,0% số người tham gia có BMI trên 25kg/ m2.
Điểm FDS (Điểm Flavodiet - chỉ số tính lượng tiêu thụ phân nhóm flavonoid) được sử dụng để đánh giá lượng tiêu thụ flavonoid mà người tham gia sử dụng. Mười loại thực phẩm giàu flavonoid đã được lựa chọn dựa trên khẩu phần ăn hàng ngày. Điểm FDS được tính bằng cách tính tổng số khẩu phần ăn trên 10 loại thực phẩm đã lựa chọn. Các yếu tố gây nhiễu đã được xác định và loại bỏ.
Kết quả cho thấy:
- Sau thời gian theo dõi trung bình là 12 năm, 2.628 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã được xác định.
- Những người tiêu thụ 6 khẩu phần thực phẩm giàu flavonoid mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn 26% so với những người tiêu thụ ít (một khẩu phần).
- Cứ tăng một khẩu phần thực phẩm giàu flavonoid mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường giảm 6%.
- Tiêu thụ nhiều trà (trà đen hoặc trà xanh), quả mọng và táo có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lần lượt là 21%, 15% và 12%.
Giải thích cho điều này, các phát hiện chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu flavonoid có lợi cho việc kiểm soát cân nặng, giảm tình trạng viêm trong cơ thể, tăng cường chức năng gan, thận và quá trình chuyển hóa đường huyết.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện ra rằng, flavonoid trong chế độ ăn có lợi cho bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2, cải thiện độ nhạy insulin và tốt cho quá trình chuyển hóa lipid.
Tiêu thụ nhiều trà có thể làm giảm 21% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Flavonoid là gì? Flavonoid có trong các loại thực phẩm nào?
Flavonoid là các hợp chất polyphenol có trong hầu hết các loại thực vật, , đặc biệt là những loại trái cây có màu sắc nổi bật. Theo cấu trúc hóa học, khoảng 6000 flavonoid đã được xác định và phân loại thành flavanol, flavanon, flavon, isoflavon, catechin, anthocyanin, proanthocyanidins.
Đối với thực vật, flavonoid không chỉ cung cấp các sắc tố hấp dẫn, hương vị và mùi - chúng cũng bảo vệ thực vật khỏi các mầm bệnh như nấm, sâu bệnh và vi khuẩn. Đối với con người, thực phẩm giàu flavonoid được chứng mình mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe như tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư,... Ngoài ra, flavonoid còn được nghiên cứu với tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động chống lại nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt đối với các đối tượng bị suy giảm miễn dịch.
Flavonoid được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm, như:
- Trái cây, rau và các loại thực phẩm: Chúng được tìm thấy trong các loại quả mọng, anh đào, táo, nho, tỏi tây và các loại rau lá xanh như rau bina, xà lách và cải xoăn…
- Các loại đồ uống giàu flavonoid như: Rượu vang đỏ và trà, đặc biệt là trà đen hoặc trà xanh, là những nguồn cung cấp dồi dào chất này.
- Socola đen.
Các lưu ý để bổ sung flavonoid hiệu quả
Để bổ sung flavonoid hiệu quả, bạn nên:
- Cách tốt nhất để đảm bảo hấp thụ đủ lượng flavonoid là ăn nhiều trái cây tươi và rau quả hàng ngày. Lời khuyên nên ăn 5 phần rau và 4 phần trái cây. Về việc uống rượu vang đỏ, nam giới không nên uống >2 ly/ ngày và phụ nữ không nên uống >1 ly/ ngày.
- Ăn nhiều loại thực phẩm giàu flavonoid để có giá trị dinh dưỡng lớn nhất, ăn nhiều loại trái cây và rau quả có màu sắc khác nhau.
- Nếu bạn không quen trong thời gian đầu bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống của mình một cách từ từ: Hãy ăn thêm một miếng trái cây mỗi ngày và hãy đặt thêm một loại rau vào đĩa của bạn vào bữa tối.
- Trái cây và rau quả cũng có thể được ép thành nước trái cây. Một công thức nước ép bạn nên tham khảo là: cần tây + củ dền đỏ + táo/ ổi + dưa chuột + gừng + cà rốt.
Công thức nước ép giúp bổ sung nhiều flavonoid.
- Flavonoid cũng đã được chứng minh là tương tác với một số chất dinh dưỡng như sắt nonheme (sắt không có hemoglobin, được tìm thấy trong ngũ cốc, các loại rau màu sẫm, nho khô,...). Do đó, làm giảm sự hấp thụ của nó trong ruột.
- Ngoài ra, một số flavonoid cũng ức chế sự hấp thu vitamin C của tế bào. Vì thế, nên tránh thực phẩm hoặc đồ uống giàu flavonoid khi bổ sung vitamin C.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm khi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid rất có lợi cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!