Mục lục [Ẩn]
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 3 tuổi bị viêm phổi do cúm A/H1 biến chứng suy hô hấp nặng.
Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1.
Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1
Được biết, bé gái (3 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) khởi bệnh với các triệu chứng sốt cao liên tục, ho, tiêu chảy nhiều lần liên tục trong 3 ngày. Tại bệnh viện địa phương, bé được chẩn đoán viêm phổi, cho điều trị bằng kháng sinh ceftriaxone, azithromycin, còn sốt, suy hô hấp diễn tiến nhanh.
Bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, làm xét nghiệm PCR, cho kết quả dương tính với cúm A/H1 (chủng pdm 2009). Thời điểm nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé trong tình trạng li bì tím tái, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) còn 80-82% với thông số máy thở cao, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng (ARDS).
Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi phải và được chẩn đoán viêm phổi nặng – ARDS nặng do cúm A/H1.
Trẻ được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, dùng kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus, thuốc an thần giãn cơ, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Trước tình trạng rất nặng của bé, ekip điều trị đã hội chẩn và quyết định sử dụng phương pháp VV ECMO (tim phổi nhân tạo) với hy vọng cứu được bệnh nhi.
Thời gian sau đó, sức khỏe bệnh nhi diễn tiến phức tạp, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, suy hô hấp tiếp tục nặng. Lúc này, bé được các bác sĩ đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.
Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai ECMO, sau đó cai được máy thở. Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Cúm A/H1N1 là gì?
Cúm A H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) là một loại virus cúm lây lan từ người sang người. Chủng virus này được kết hợp từ nhiều nguồn virus khác nhau. VD: Lợn, chim, người,... và gây ra bệnh cúm ở người.
Tương tự như cúm mùa, virus H1N1 cũng gây ra các triệu chứng như:
- Nhiễm virus cấp: Sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, uể oải, cảm giác kiệt sức, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, đau đầu, choáng váng.
- Viêm hô hấp trên: Viêm họng, đau rát họng. ngạt mũi, chảy mũi nước, hắt hơi.
- Viêm phế quản, phổi: Thường ít gặp hơn, xảy ra sau.
- Trong nhiều trường hợp thậm chí kéo theo cả tình trạng tiêu chảy và nôn mửa.
Các triệu chứng cúm A.
Sau khoảng 2 ngày bị nhiễm virus và ủ bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng ban đầu nêu trên. Trong khoảng 5 ngày tiếp theo, các triệu chứng khác sẽ biến mất, tuy nhiên, cơ thể vẫn còn mệt mỏi và cơn ho vẫn còn dai dẳng. Sau đó, tất cả những triệu chứng nêu trên sẽ tự khỏi và biến mất hoàn toàn trong 1 - 2 tuần.
Ở những bệnh nhân bị cúm nặng, hoặc các đối tượng nguy cơ như trẻ nhỏ, thai phụ, người già và bệnh nhân mãn tính, triệu chứng cúm A/H1N1 có thể tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng như:
- Phổi có dấu hiệu tổn thương với biểu hiện suy hô hấp như khó thở hoặc thở nhanh.
- Một số biến chứng thứ phát như: viêm phổi, viêm xoang do bội nhiễm, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
- Các bệnh nhân có bệnh nền mãn tính như tim mạch, máu, gan, thận, phổi thì bệnh tiến triển nặng hơn.
Phòng ngừa sốt virus cúm A như thế nào?
Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tối đa việc đưa tay trực tiếp lên mắt và mũi.
- Sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, nơi làm việc.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên.
- Chủ động theo dõi sức khỏe, thông báo ngay cho cơ sở Y tế khi có triệu chứng cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời.
- Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
Các biện pháp phòng bệnh cúm A/H1.
Cúm A/ H1 có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi xuất hiện sốt cao, khó thở, bệnh nhân cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Biến chứng thủy đậu khiến bé gái nhiễm trùng huyết
- Cảnh báo: Sai lầm giảm cân khiến trẻ càng béo phì