Mục lục [Ẩn]
Bệnh alzheimer là “kẻ thù” của người cao tuổi. Nó dần phá hủy trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy của người bệnh. Điều đáng ngại là căn bệnh này chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Bởi vậy, y học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cách chữa và phòng bệnh. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra tiềm năng ngăn bệnh alzheimer từ vắc xin lao BCG, rất có triển vọng.
Tiềm năng ngăn bệnh Alzheimer từ vắc xin lao BCG
Thông tin chung về bệnh alzheimer
Bệnh alzheimer là nguyên nhân gây chứng giảm trí nhớ ở người già, đặc trưng bởi sự mất dần các synap, nơron thần kinh trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ. Nó không chỉ ảnh hưởng tới trí nhớ mà còn làm giảm khả năng ngôn ngữ, tư duy của người bệnh.
Triệu chứng bệnh alzheimer được chia thành các giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn trước khi mất trí nhớ
- Thường xuyên cảm thấy khó nhớ các sự kiện vừa mới xảy ra.
- Gần như không có khả năng tiếp thu thêm thông tin, kiến thức mới.
- Giảm sự tập trung, chú ý, thờ ơ với mọi việc.
- Giảm khả năng lập kế hoạch và tư duy trừu tượng.
- Suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ.
Giai đoạn nhẹ
- Trí nhớ và khả năng học hỏi ngày càng suy giảm.
- Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng giảm khả năng ngôn ngữ với biểu hiện: Giảm vốn từ, nói ấp úng không thoát ý, gặp khó khăn khi viết.
- Quên một số việc đã xảy ra trong quá khứ, quên cách sử dụng một vật dụng nào đó.
- Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khó phối hợp vận động nhưng thường nhẹ và dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn nặng
- Mất dần khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Khó khăn về mặt ngôn ngữ rõ hơn, không nhớ được từ vựng, dùng sai từ để diễn tả, luôn phải cố tìm từ ngữ để diễn tả những điều muốn nói, khả năng đọc viết dần mất đi.
Người bệnh Alzheimer gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ
- Giảm khả năng phối hợp vận động, dễ bị ngã.
- Giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn, nguy cơ không nhận ra người thân.
- Thay đổi hành vi: Thường xuyên đi lang thang, khó chịu, tính khí trở nên hung hăng, phản kháng lại sự chăm sóc của người thân.
- Một số người xuất hiện ảo giác.
Giai đoạn rất nặng
- Mất khả năng hoạt động, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.
- Khả năng ngôn ngữ giảm chỉ còn nói được những cụm từ đơn giản, thậm chí mất hoàn toàn ngôn ngữ.
- Thờ ơ và cảm thấy kiệt sức.
- Thoái hóa các khối cơ khiến người bệnh phải nằm liệt giường.
- Mất khả năng tự ăn uống.
- Tử vong do nhiễm trùng vết loét do tì đè, viêm phổi, dinh dưỡng…
Nguyên nhân gây bệnh alzheimer hiện được các nhà khoa học nhận định như sau:
- Sự tích tụ của các amyloid beta (một loại protein bao quanh tế bào thần kinh) tại synap. Theo thời gian, chúng tạo thành các mảng amyloid, khiến synap thần kinh bị dính lại, dần gây bệnh alzheimer.
Các amyloid beta tích tụ tại synap
- Quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, gây chết các tế bào thần kinh.
- Quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể bị rối loạn.
Ngoài ra, người cao tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh alzheimer, chấn thương sọ não, ít vận động… đều có nguy cơ phải đối mặt với căn bệnh này.
Hiện nay, bệnh alzheimer chưa có thuốc hay biện pháp nào chữa dứt điểm. Mục tiêu điều trị chủ yếu là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, ngành y học vẫn luôn tìm cách chữa và phòng ngừa căn bệnh này. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã nhận thấy tiềm năng ngăn ngừa bệnh alzheimer từ vắc xin lao BCG, hiệu quả lên tới 45%.
Tiềm năng ngăn bệnh Alzheimer từ vắc xin lao BCG
Vắc xin ngừa lao BCG đã phát triển và tiêm chủng trên toàn cầu trong hơn 100 năm qua. Ngoài tác dụng phòng ngừa bệnh lao ở trẻ sơ sinh, BCG còn được ứng dụng trong điều trị một số bệnh khác như ung thư bàng quang.
Thậm chí, nó được ứng dụng để giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong 12 tháng.
Thời gian gần đây, các nhà khoa học còn mở rộng nghiên cứu tác động của vắc xin BCG với bệnh alzheimer.
Tiềm năng ngăn bệnh alzheimer từ vắc xin lao BCG
Theo một phân tích tổng hợp hôm 25/2, hiệu quả bảo vệ của vắc xin này với bệnh alzheimer trung bình khoảng 45%. Một nghiên cứu thực hiện năm 2019, thu thập dữ liệu của 1.371 người được tiêm BCG để phòng bệnh hoặc điều trị ung thư bàng quang. Kết quả cho thấy, chỉ 2,4% bệnh nhân được điều trị bằng vaccine lao phát triển bệnh alzheimer sau 8 năm.
Một cuộc khảo sát khác rộng hơn trên nhóm 6.500 bệnh nhân ung thư bàng quang ở Massachusetts (Mỹ). Những người đã được tiêm vắc xin giảm đáng kể khả năng mất trí nhớ.
Trên động vật, chuột thí nghiệm được tiêm BCG còn giảm tình trạng viêm não, khả năng nhận thức tốt hơn nhiều so với những con chuột khác cùng độ tuổi.
Từ những kết quả trên đây, các chuyên gia đánh giá BCG có tiềm năng ngăn bệnh alzheimer phát triển. Marc Weinberg, người nghiên cứu về alzheimer tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Boston, Mỹ) cho rằng, so với các lựa chọn khác, BCG có lợi thế lớn nhờ giá rẻ, an toàn, đã được triển khai toàn cầu.
Tuy rằng hiệu quả ngăn ngừa bệnh alzheimer của vắc xin BCG chưa cao nhưng đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành y. Hy vọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ phát triển thêm về tiềm năng của loại vắc xin này và ứng dụng thành công trong lâm sàng.
XEM THÊM:
- Tin vui: Vacxin sốt xuất huyết liều đơn mới hiệu quả bảo vệ đến 80%
- Tin vui: Sắp có vắc xin mRNA phòng ngừa ung thư