Mục lục [Ẩn]
Để nhìn rõ mọi vật xung quanh, chúng ta cần một đôi mắt khỏe mạnh, nhất là thủy tinh thể. Bởi đây là thành phần quan trọng nhất giúp ánh sáng hội tụ đúng ở võng mạc, đảm bảo tầm nhìn của một người. Nếu nó có vấn đề, chẳng hạn như đục thủy tinh thể, khả năng nhìn sẽ giảm đi, thậm chí còn nguy cơ cao bị mù lòa nếu không điều trị sớm. Vậy dấu hiệu đục thủy tinh thể là gì? Cách điều trị ra sao?
Dấu hiệu đục thủy tinh thể là gì?
Như thế nào là bệnh đục thủy tinh thể?
Thủy tinh thể là một cấu trúc dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (hay còn gọi là lòng đen). Nó có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ đúng vào võng mạc, từ đó giúp chúng ta nhìn thấy mọi vật xung quanh.
Bệnh đục thủy tinh thể (hay bệnh cườm đá, cườm khô) là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại được sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài.
Cấu trúc protein bị xáo trộn làm thay đổi độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày của thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể mờ đục. Từ đó, chúng cản trở, không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
Bệnh này có thể xảy ra ở các lớp khác nhau của thủy tinh thể như:
- Nhân trung tâm hay đục nhân: Nhân thủy tinh thể bị xơ cứng, chuyển màu vàng quá mức. Chúng thường gây một số tật khúc xạ của mắt, dẫn đến các triệu chứng như nhìn tầm xa bị mờ. Đục nhân có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt.
- Đục vỏ: Một phần vỏ bị đục và dần lan ra tạo thành vùng đục lớn hơn. Khi toàn bộ vỏ từ bao tới nhân trở thành đục trắng (thủy tinh thể đục hoàn toàn) gọi là đục chín. Tình trạng này xảy ra ở hai mắt và thường không cân xứng.
- Đục dưới bao: Là vết đục nhỏ ở biểu mô và bao trước thể thủy tinh nhưng không ảnh hưởng đến lớp vỏ.
- Đục cực: Là tình trạng lớp vỏ dưới bao và lớp bao của cực trước, cực sau thể thủy tinh bị đục.
- Đục lớp hoặc đục vùng: Là loại đục thủy tinh thể bẩm sinh thường gặp nhất. Lớp đục bao bọc một trung tâm còn trong suốt, đồng thời chúng lại được bao quanh bởi một lớp vỏ trong khác.
Theo nghiên cứu, đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mù lòa nhiều nhất.
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất
Số liệu thống kê của tổ chức WHO cho thấy, mỗi năm, số lượng người bị mù do đục thủy tinh thể tăng lên đáng kể mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị bệnh.
Cụ thể, vào năm 2002, số người mù lòa do đục thủy tinh thể lên tới hơn 17 triệu, chiếm 47,8% trong tổng số 37 triệu người bị mù toàn cầu.
Dấu hiệu đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể thường phát triển theo một quá trình rất chậm và không gây đau đớn. Tùy vào tiến triển của bệnh sẽ có các dấu hiệu khác nhau, cụ thể:
- Giai đoạn sớm: Người bệnh cảm thấy mờ mắt, khó khăn khi lái xe vào buổi tối.
- Giai đoạn muộn: Những dấu hiệu đục thủy tinh thể trở nên rõ rệt hơn:
- Mắt nhìn mọi vật đều mờ, hay nhức mỏi khi tập trung nhìn một vật nào đó.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị lóa.
- Nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật, như có màn sương che trước mắt.
- Có hiện tượng ruồi bay, chấm đen, đốm đen xuất hiện trước mắt.
Mức độ tiến triển của bệnh từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn thường kéo dài khá lâu, nếu không chú ý sẽ dễ lầm tưởng với các bệnh lý khác. Bởi vậy, nhiều trường hợp khi đục thủy tinh thể trở nặng mới phát hiện, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Mắt mờ, hay nhức mỏi… là những dấu hiệu đục thủy tinh thể
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể rất đa dạng, được chia thành các nhóm cụ thể như sau:
Nguyên nhân nguyên phát
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh do: Rối loạn di truyền, người mẹ đang mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, sởi… đứa con sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Đục thủy tinh thể ở người già: Quá trình lão hóa theo tuổi tác là nguyên nhân chủ yếu.
Nguyên nhân thứ phát
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử, tia X... hơn 3 giờ mỗi ngày.
- Mắc các bệnh khác ở mắt như viêm kết mạc, bệnh giác mạc... và khắc phục không đúng cách, tái lại nhiều lần.
- Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời.
- Sử dụng thuốc gây tác dụng phụ cho mắt (như corticoid, thuốc chống trầm cảm...)
- Cận thị thoái hóa.
- Chấn thương mắt, tai biến, di chứng sau phẫu thuật mắt.
- Mắc phải các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp...
Ngoài những nguyên nhân trên, còn có một số yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể bao gồm:
- Mắt không được chăm sóc, thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho mắt: Chế độ ăn uống thiếu vitamin, khoáng chất... gây suy yếu cấu trúc protein của thủy tinh thể.
- Sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... thường xuyên.
- Thường xuyên tiếp xúc môi trường khói bụi ô nhiễm, khí thải, chất độc hại.
- Bị mất ngủ, stress.
Người cao tuổi dễ bị đục thủy tinh thể do quá trình lão hóa
Cách điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Tùy mức độ tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.
Ở những người bệnh mới có dấu hiệu đục thủy tinh thể, bác sĩ thường kê một số vitamin như C, A, E… và các hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình của bệnh.
Nếu bệnh ở giai đoạn muộn, thị lực suy giảm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, cụ thể:
- Thị lực tối đa khi có dùng kính kém hơn 20/40 (< 6/12), hoặc thị lực giảm trong điều kiện ánh sáng chói, bệnh nhân nhìn có quầng màu.
- Thị lực của bệnh nhân giảm mạnh cản trở sinh hoạt hằng ngày khi lái xe, đọc sách, đi đường…
Phương pháp này sẽ thay thế thủy tinh thể đã đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo, giúp tầm nhìn sáng rõ trở lại. Tuy nhiên, bạn không nên phẫu thuật cả 2 mắt và cần phải nuôi dưỡng mắt thật tốt sau khi phẫu thuật.
Cách phòng ngừa đục thủy tinh thể
Để tránh thị lực bị ảnh hưởng, tốt nhất bạn nên áp dụng biện pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể ngay từ bây giờ bằng cách:
- Đi thăm khám ngay khi có những dấu hiệu như mỏi mắt, nhìn mờ, nhòe, nhức mắt, khô mắt, rát mắt...
- Bổ sung dinh dưỡng thiết yếu qua chế độ ăn uống, ăn đa dạng thực phẩm. Bạn có thể bổ sung thêm các loại vitamin, các dưỡng chất chuyên biệt hỗ trợ thủy tinh thể nếu cần thiết.
- Người bệnh cao huyết áp, tiểu đường... cần chia sẻ với bác sĩ các dấu hiệu bất thường đang gặp phải, nhằm phát hiện sớm biến chứng có thể ảnh hưởng đến mắt.
- Trang bị các thiết bị bảo hộ chuyên dụng theo đặc thù công việc, đeo kính mắt khi đi ra ngoài để tránh tác hại của ánh nắng mặt trời và khói bụi.
- Tránh xa các yếu tố có nguy cơ gây hại thủy tinh thể như rượu bia, khói thuốc lá…
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn nắm rõ các dấu hiệu đục thuỷ tinh thể và cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM: