Mục lục [Ẩn]
Mưa lớn kéo dài, đi kèm với ngập lụt trong thời gian gần đây tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ. Bên cạnh các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ… thì các vấn đề về da cũng khá thường gặp… Nhiều người bị nhiễm nấm, viêm da mùa mưa.
Mưa ngập lụt dễ dẫn đến các bệnh về da.
Nhiều người nhiễm nấm, viêm da mùa mưa
Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, có khí hậu nóng ẩm. Đặc biệt thời gian từ tháng 5 - tháng 11 thường là mùa mưa, thời tiết nắng nóng rồi đổ mưa bất chợt khiến da trở nên nhạy cảm hơn. Mưa nhiều dẫn đến ngập lụt, kèm theo điều kiện vệ sinh kém, nguồn chất thải, rác, bụi bẩn,... khiến nhiều người bị nhiễm nấm, viêm da.
Các bệnh về da hay gặp nhất trong thời điểm mưa lũ này là:
- Nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân…
- Viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.
- Viêm da dị ứng: Người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Nấm da, viêm da không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng ngứa nhiều, da loang lổ, không điều trị đúng thì thương tổn sẽ lan tỏa, có thể gây chàm hóa (viêm da cơ địa mạn tính), ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc…
Viêm da, nấm da là các bệnh về da thường gặp.
Một số lưu ý để đối phó với các bệnh về da
Để điều trị và phòng chống các bệnh ngoài da, người dân nên chú ý:
- Khi có các triệu chứng bất thường trên da, người bệnh nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, không tự ý dùng thuốc hay sử dụng các biện pháp điều trị khác.
- Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, các hóa chất, giữ da và móng luôn khô thoáng.
- Người bị nhiễm nấm da, viêm da nên giặt riêng quần áo, chăn mền, thường xuyên vệ sinh khẩu trang, nón bảo hiểm... và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời để diệt nấm, bào tử nấm.
- Các dụng cụ cắt móng tay của người bệnh nấm cũng cần dùng riêng và vệ sinh bằng xà phòng.
- Với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, ngoài luôn giữ cho da trẻ khô thoáng, phụ huynh có thể dùng thêm kem, phấn rôm chứa kẽm để chống hăm, nấm.
- Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.
- Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.
Trên đây là một số lưu ý để phòng ngừa và điều trị các bệnh mùa mưa lũ. Người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!