Mục lục [Ẩn]
Phì đại tuyến tiền liệt là một căn bệnh thường gặp ở nam giới trung và cao niên. Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng phì đại tuyến tiền liệt có thể khiến cuộc sống của người bệnh bị đảo lộn hoàn toàn.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị bệnh lý này nhé!
Phì đại tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Phì đại tuyến tiền liệt (Benign Prostatic Hyperplasia - BPH) còn được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, u xơ tiền liệt tuyến,... Đây là bệnh lý chỉ xuất hiện ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác.
Đây là tình trạng các tế bào tuyến tiền liệt tăng sản lành tính, tạo thành những khối u xơ, khiến kích thước của tuyến này tăng lên bất thường. Bệnh lý này khác với ung thư tuyến tiền liệt, một bệnh lý mà các tế bào bị biến đổi thành ác tính.
Ở người bình thường, tuyến tiền liệt nặng khoảng 20 - 25gram. Nhưng với người mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, kích thước có thể lên tới 40 - 50 gam, thậm chí là 80 đến hơn 100 gram.
Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt
Nguyên nhân gây ra phì đại tuyến tiền liệt là do tình trạng rối loạn nội tiết tố. Theo đó, sự suy giảm nội tiết tố testosterone theo tuổi tác giữ vai trò then chốt trong sự phát triển bất thường của tuyến tiền liệt.
Khi có tuổi, cơ thể nam giới bắt đầu giảm sản xuất testosterone, khiến cho một số quá trình sinh lý bị ảnh hưởng. Để đối phó với điều này, cơ thể nam giới sẽ tăng tiết enzyme 5α-reductase.
Enzym này xúc tác chuyển testosterone thành dihydrotestosterone (DHT). DHT có tác dụng mạnh gấp 5 lần so với testosterone nên sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt để duy trì khả năng sinh lý. Thế nhưng, DHT lại là tác nhân kích thích tế bào tuyến tiền liệt tăng sinh lành tính.
Bên cạnh đó, một enzyme khác là aromatase cũng chuyển hóa testosterone thành estrogen. Sự gia tăng của hormone estrogen trong cơ thể cũng góp phần gây ra bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, tăng insulin máu cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh lý này.
Những người có nguy cơ cao mắc phì đại tuyến tiền liệt có thể kể đến như:
- Nam giới trung và cao niên.
- Nam giới thường xuyên bị căng thẳng, stress, mất ngủ.
- Nam giới thừa cân, béo phì làm tăng lượng estrogen trong cơ thể.
- Nam giới có lối sống không khoa học, thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo có hại, đồ ngọt, đường, tinh bột,...
- Nam giới bị tiểu đường type 2, tăng huyết áp.
DHT là nguyên nhân chính gây phì đại tuyến tiền liệt
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt nằm ở dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo. Khi kích thước tăng lên, tuyến tiền liệt sẽ chèn ép vào bàng quang quang và làm hẹp niệu đạo. Vì vậy, người bệnh sẽ gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như:
- Tiểu nhiều lần cả ban ngày lẫn ban đêm, thời gian giữa hai lần đi tiểu ngắn lại. Tiểu đêm nhiều lần còn khiến cho giấc ngủ của người bệnh bị gián đoạn, làm suy giảm sức khỏe nhanh chóng.
- Tiểu gấp: Đột ngột buồn đi tiểu và không nhịn được quá vài phút.
- Tiểu khó, phải rặn mới đi tiểu được, tiểu ngắt quãng, dòng tiểu yếu, tiểu thành 2 tia, nước tiểu rỉ ra làm ướt quần.
- Tiểu xong vẫn thấy không thoải mái do còn cảm giác nặng bụng, ậm ạch, khó chịu khi nước tiểu còn đọng lại trong bàng quang.
Biến chứng của phì đại tuyến tiền liệt
Tuy là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không kiểm soát tốt, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số biến chứng do phì đại như:
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đây là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng tiểu không hết, khiến nước tiểu bị ứ đọng lại, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây viêm nhiễm.
Nếu tình trạng nhiễm trùng lặp lại thường xuyên, người bệnh có thể gặp phải biến chứng nhiễm khuẩn ngược dòng gây viêm tại niệu quản và thận, hay viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn,...
Sỏi bàng quang
Nước tiểu tồn dư trong bàng quang cũng tạo điều kiện thuận lợi để các khoáng chất lắng cặn, tích tụ, dần hình thành sỏi bàng quang. Sỏi có thể làm tổn thương niêm mạc bàng quang, gia tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang.
Bí tiểu
Kích thước tuyến tiền liệt bị phì đại quá lớn sẽ chèn ép vào niệu đạo gây ra tình trạng bí tiểu. Bên cạnh đó, sỏi từ bàng quang có thể rơi vào niệu đạo. Nếu kích thước quá lớn, sỏi có thể gây tắc nghẽn, dẫn đến bí tiểu hoàn hoàn.
Suy thận
Nước tiểu bị ứ đọng quá nhiều sẽ có thể trào ngược lên niệu quản và làm giãn đài bể thận, gây thận ứ nước, viêm thận. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu lan đến thận cũng sẽ gây tổn thương, về lâu dài sẽ dẫn tới suy thận. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của phì đại tuyến tiền liệt.
Sỏi bàng quang là 1 biến chứng do phì đại
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Mục tiêu trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt là giảm triệu chứng, giảm kích thước tuyến tiền liệt và ngăn ngừa các biến chứng. Theo đó, các biện pháp có thể kể đến như:
Điều trị nội khoa
Người bệnh sẽ được dùng các loại thuốc giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt và điều trị biến chứng như:
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Nhóm thuốc này giúp làm giảm sản xuất DHT, từ đó giảm kích thước tuyến tiền liệt phì đại. Thuốc thường được sử dụng là: Dutasteride và Finasteride.
- Thuốc chặn alpha-1: Nhóm thuốc này giúp làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt để giúp giảm tình trạng rối loạn tiểu tiện. Một số thuốc có thể kể đến là: Doxazosin, Alfuzosin, Terazosin,...
- Thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp có tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt.
Các loại thuốc này đều có một số tác dụng phụ nhất định nên người bệnh cần sử dụng theo hướng dẫn và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải nhiều ảnh hưởng bất lợi.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được thực hiện khi việc dùng thuốc không còn hiệu quả, sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều và có nguy cơ biến chứng. Hiện nay, một số phương pháp thường được sử dụng là: Cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng nội soi qua niệu đạo (TURP), tiêu hủy u xơ bằng kim qua đường niệu đạo (TUNA), cắt u xơ tiền liệt tuyến bằng laser,...
Các phương pháp này có thể để lại một số ảnh hưởng như xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương,... Bên cạnh đó, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát trở lại sau phẫu thuật.
Cùng với thực hiện các biện pháp điều trị, người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, stress, không uống rượu bia, không hút thuốc lá và sử dụng các thảo dược như: hạt bí đỏ, quả cọ lùn, rễ cây tầm ma, nam việt quất,...
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.766.2222. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường - Cần làm gì để phòng ngừa?
- Dấu hiệu đục thủy tinh thể và cách điều trị