Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị

Thứ năm, 17-08-2023 17:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân gây suy giảm thị lực và mù lòa hàng đầu ở Việt Nam. Vậy đục thủy tinh thể là gì? Bệnh này thường do nguyên nhân gì gây ra? Làm sao để điều trị bệnh? Mời các bạn theo dõi bài viết sau để được giải đáp các thắc mắc đó!

 

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây suy giảm thị lực và mù lòa hàng đầu

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây suy giảm thị lực và mù lòa hàng đầu

 

Đục thủy tinh thể là gì?

   Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, có hai mặt lồi, nằm sau mống mắt. Bộ phận này có chức năng giúp hội tụ ánh sáng vào đúng võng mạc, giúp ta nhìn hình ảnh bên ngoài rõ nét hơn.

   Đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể bị đục do cấu trúc protein trong nó bị rối loạn. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.

 

Phân loại đục thể tinh thể

Phân loại theo hình thái, vị trí

   Dựa theo hình thái và vị trí bị đục, bệnh lý đục thủy tinh thể được chia thành:

  • Đục nhân: Đây là tình trạng nhân thủy tinh thể bị xơ cứng và chuyển màu vàng ở vùng trung tâm. Đục nhân thường tiến triển chậm, ảnh hưởng đến thị lực nhìn xa, từ đó gây ra tình trạng cận thị giả.
  • Đục vỏ: Đây là tình trạng đục phát triển ở vùng rìa thủy tinh thể chứ không phải vùng trung tâm. Các vùng đục có thể to ra và nhập vào nhau. Triệu chứng thường gặp là lóa mắt khi gặp ánh sáng mạnh.
  • Đục bao: Là tình trạng biểu mô và bao trước của thủy tinh thể có một vết đục nhỏ nhưng không gây ảnh hưởng đến lớp vỏ.

 

3 loại đục thủy tinh thể theo hình thái, vị trí

3 loại đục thủy tinh thể theo hình thái, vị trí

 

Phân loại theo mức độ đục

   Theo mức độ đục, đục thủy tinh thể được chia thành:

  • Đục bắt đầu.
  • Đục tiến triển.
  • Đục gần hoàn toàn.
  • Đục hoàn toàn.

 

Triệu chứng đục thủy tinh thể

   Đục thủy tinh thể trong giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng do chỉ bị đục một phần nhỏ. Theo thời gian vùng đục ngày càng nhiều thì biểu hiện bệnh cũng sẽ rõ ràng hơn. Bao gồm:

  • Giảm thị lực, mắt nhìn mờ hơn do giảm ánh sáng đến võng mạc. Bệnh nhân khó nhìn và hay mỏi mắt khi phải tập trung nhìn vào một vật gì đó. Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh.
  • Nhạy cảm hơn và chói mắt khi nhìn ánh sáng: Như khi thấy đèn hoặc ánh mặt trời mạnh, ban đêm thấy đèn pha quá sáng hoặc thấy quầng sáng quanh đèn, nhìn ngoài sáng khó hơn nhìn ở nơi có bóng râm. Nguyên nhân do khi có ánh sáng, đồng từ co lại làm hạn chế ánh sáng tới võng mạc.
  • Màu sắc nhạt hơn so với thực tế.
  • Hình ảnh mờ nhòe, cảm thấy như có màn sương che trước mắt.
  • Nhìn đôi, nhìn một hình thành nhiều hình.
  • Bị cận thị hoặc cận tiến triển khi ngoài 40 tuổi.
  • Phần lòng đen mất đi sự trong suốt mà đục màu vàng hoặc trắng.

 

Hình ảnh nhìn từ mắt bị đục thủy tinh thể

Hình ảnh nhìn từ mắt bị đục thủy tinh thể

 

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

   Có rất nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể, bao gồm nguyên nhân nguyên phát và thứ phát.

Nguyên nhân nguyên phát

  • Đục thủy tinh thể ở người già do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Đây là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể thường gặp nhất.
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Là tình trạng đục thủy tinh thể ở trẻ mới sinh do rối loạn di truyền. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, rộp da và giang mai.

Nguyên nhân thứ phát

  • Do các bệnh về mắt khác như: Viêm kết mạc, bệnh giác mạc, viêm màng bồ đào... điều trị không đúng cách, tái đi tái lại nhiều lần.
  • Do biến chứng của các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, cao huyết áp,...
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Dùng một số thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, corticoid, thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn nhịp tim (amiodarone),... trong một thời gian dài.
  • Do thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại (tia UV), tia X, ánh sáng tia chớp, hàn.
  • Chấn thương mắt, tai biến, di chứng sau phẫu thuật mắt.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể

   Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp gây bệnh, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể là:

  • Chế độ ăn uống thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cho mắt, gây suy yếu cấu trúc protein của tinh thể.
  • Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm, khí thải, các chất độc hại.
  • Thường xuyên căng thẳng, stress kéo dài.

 

 Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng đục thủy tinh thể

Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng đục thủy tinh thể

 

Biến chứng đục thủy tinh thể

   Nếu để lâu ngày, không được điều trị kịp thời, đục thủy tinh thể có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như:

  • Tăng nhãn áp, gây vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào. Lúc này, mắt không thể điều tiết dịch khiến người bệnh đau đớn dữ dội.
  • Teo dây thần kinh mắt: Khi bị teo dây thần kinh mắt, bệnh nhân rất khó hồi phục dù có phẫu thuật, thậm chí có nhiều trường hợp có thể dẫn tới mù lòa.
  • Phần thủy tinh thể bị đục lâu sẽ cứng hơn và dẫn tới viêm, khiến mắt bị thoái hóa và đồng tử dính lại sẽ gây khó khăn khi phẫu thuật.

 

Điều trị đục thủy tinh thể

Sử dụng kính hỗ trợ

   Ở giai đoạn mới chớm của đục thủy tinh thể, bác sĩ thường chỉ định cho đeo kính hỗ trợ, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc.

   Đồng thời, người bệnh sẽ được kê thêm các dưỡng chất thiết yếu cho mắt như vitamin A, C, E,... để làm chậm quá trình đục thủy tinh thể.

   Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và khói bụi.

Phẫu thuật

   Đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất hiện nay.

   Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây cản trở đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân như lái xe, đọc sách,... Một số trường hợp, đục thủy tinh thể chưa gây giảm thị lực nhưng vẫn được chỉ định phẫu thuật do bệnh cản trở việc khám và điều trị các bệnh về mắt khác như thoái hóa điểm vàng hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.

   Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thay thế thủy tinh thể cũ đã bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn).

   Phương pháp này có các ưu điểm như:

  • Vết mổ nhỏ.
  • Thị lực được hồi phục nhanh chóng nên bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
  • Ít biến chứng.
  • Thời gian phẫu thuật nhanh: Tầm 5 - 10 phút.

   Nếu bạn bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt thì mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau.

 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất hiện nay

Phẫu thuật là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất hiện nay

 

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

   Để phòng ngừa đục thủy tinh thể, bạn nên:

  • Chủ động phòng bệnh bằng cách khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề có thể dẫn tới đục thủy tinh thể.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt như vitamin C, E, A, lutein, kẽm, zeaxanthin,... bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc,..., hạn chế ăn đồ ăn chiên rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ và nhiều đường.
  • Tăng cường ánh sáng trong nhà.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý tiểu đường, huyết áp,...
  • Nếu đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều với khói bụi, tia X, tia hàn,... nên trang bị các thiết bị bảo hộ chuyên dụng.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về đục thủy tinh thể. Đây là căn bệnh gây ảnh hưởng nhiều tới thị lực và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu của bệnh như giảm thị lực, nhìn mờ,... bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222