Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch do siêu vi trùng đường ruột gây ra, đặc trưng bởi sang thương phát ban kiểu bóng nước ở miệng, tay, chân kèm theo sốt. Bệnh có tiềm năng gây tổn thương thần kinh biểu hiện viêm não, viêm màng não, liệt là nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng não về lâu dài làm trẻ khó thích ứng với xã hội.
Bệnh thường xảy ra vào mùa hè thu và gần như quanh năm ở các nước nhiệt đới. Bệnh có thể gặp ở mọi tuổi nhưng phổ biến ở lứa tuổi nhỏ hơn 4 tuổi.
Vấn đề bệnh tay chân miệng mới được chú ý ở Việt nam trong vài năm gần đây. Đường lây nhiễm chính của bệnh tay chân miệng qua đường tiêu hóa, trực tiếp từ phân - miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn, bị ô nhiễm phân người bệnh, một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp.
Triệu chứng lâm sàng quan trọng: bóng nước ở các vị trí tay, chân, miệng.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1 đến 2 ngày bệnh sẽ phát ban là những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước.
Sốt nhẹ là triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng
Ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4 – 8mm, thường ở phía trong miệng (61%), ở trên lưỡi (44%), tại vòm miệng (36%) hoặc ở lợi răng (15%) làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này khiến cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường.
Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay (52%), lòng bàn chân (31%), cẳng chân (13%), hoặc ở cánh tay (10%). Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sản vùng mông (31%), nơi quấn tã lót.
Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như đau họng (76.2%) hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn ói (20.7%), tiêu chảy (6.7%). Ở một số ít trường hợp trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.
Những bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng
Do bệnh thường xảy ra vào mùa hè thu, cùng thời gian với những bệnh lý khác ở da và tổn thương da là bóng nước nên cần phân biệt với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn như tụ cầu và liên cầu, bệnh do nhiễm siêu vi Herpex simplex hoặc bệnh thủy đậu. Viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn thường xuất hiện sau khi da có vết trầy xước, ghẻ, chàm… bị nhiễm trùng tạo ra bóng nước. Trẻ bị nhiễm trùng ở mặt và thường kèm theo tổn thương những cơ quan khác trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết. Bóng nước do nhiễm Herpes simplex thường nổi thành từng chùm ở quanh miệng. Bóng nước do bệnh thủy đậu nổi rải rác toàn thân, bóng nước cũ xem lẫn bóng nước mới, có bóng nước trong xen lẫn bóng nước đục và trẻ có tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu trong vòng 2 tuần trước đó. Sự hiện diện bóng nước ở cả 3 vị trí tay, chân, miệng giúp loại trừ những bệnh lý khác để nhận diện bệnh.
Chăm sóc và điều trị trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường khỏi trong vòng một tuần lễ nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Những bóng nước mới đầu sẽ có dịch trong (lúc bội nhiễm sẽ gây đục), sau đó sẽ lành không để lại sẹo. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn biến nặng sẽ gây những biến chứng rất nặng như nhiễm trùng đường huyết, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim. Biến chứng não rất dễ dẫn đến tử vong.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng vì vậy để giảm nguy cơ nhiễm trùng da niêm cần phải vệ sinh cơ thể: Cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây, nước canh, nước cháo…
Cần giữ không gian sống sạch sẽ cho trẻ
Lưu ý trẻ bị bệnh tay chân miệng không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
Theo dõi diễn biến các tổn thương da niêm và tình trạng chung của trẻ. Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, nhức đầu, nôn ói nhiều, lơ mơ, giật mình chới với, co giật, mệt nhiều, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị biến chứng nặng của bệnh.
Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Mặc dù xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa bệnh tay chân miệng nên vấn đề chủ yếu là mọi người cần làm tốt công tác phòng bệnh giúp ngăn ngừa lây lan. Đó là những vấn đề cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, kiểm soát nước thải, sát trùng nước cung cấp. Diệt trùng và xử lý phân trẻ bệnh. Chú trọng vệ sinh thực phẩm và ăn uống: ăn thức ăn nấu chín kỹ, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay sạch khi đi vệ sinh và trước khi cho trẻ ăn uống.
Với những chia sẻ từ chuyên gia tư vấn của chuyên gia sức khỏe, hy vọng sẽ giúp cho các bậc cha mẹ bảo vệ con cái mình khỏi căn bệnh này, giúp cho con trẻ có sự phát triển toàn diện nhất.