Mục lục [Ẩn]
Chóng mặt buồn nôn là một hiện tượng thường thấy, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Triệu chứng này gây ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy chóng mặt buồn nôn là do đâu? Làm cách nào để khắc phục hiệu quả? Mời các bạn cùng tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.
Chóng mặt buồn nôn do nguyên nhân gì?
Chóng mặt buồn nôn là gì?
Chóng mặt là cảm giác sai lệch về sự di chuyển của cơ thể so với không gian xung quanh hoặc ngược lại. Người chóng mặt thường bị mất thăng bằng, cảm thấy người lâng lâng, cảnh vật xung quanh như bị xoay tròn, tâm trí rối loạn, tầm nhìn mờ không thể nhìn rõ những thứ trước mắt.
Chóng mặt thường đi kèm với buồn nôn, là cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên và cổ họng, bệnh nhân cảm thấy nôn nao và muốn “ tống” thức ăn ra ngoài để dễ chịu hơn. Chóng mặt buồn nôn là triệu chứng gây nhiều khó chịu, làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chóng mặt buồn nôn do nguyên nhân gì?
Triệu chứng chóng mặt buồn nôn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau với các mức độ từ nhẹ đến nặng, cụ thể là:
Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh mà trong đó quá trình dẫn truyền và tiếp nhận thông tin của tiền đình (có vai trò duy trì trạng thái thăng bằng cho cơ thể) bị rối loạn hoặc tắc nghẽn. Nguyên nhân gây ra bệnh này là dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương. Ngoài ra, các khu vực tai trong và não tổn thương cũng gây ra rối loạn tiền đình.
Khi mắc bệnh này, bệnh nhân sẽ bị mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt buồn nôn, ù tai,...
Chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV)
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây chóng mặt buồn nôn. Bệnh khởi phát khi đầu của bệnh nhân di chuyển vị trí một cách đột ngột (ví dụ đứng lên, ngồi xuống bất ngờ, lăn trên giường, cúi xuống nhặt đồ,...).
Cơn chóng mặt kịch phát chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, đi kèm với triệu chứng buồn nôn và nôn. Bệnh thường xảy ra nhiều vào buổi sáng.
Thiểu năng tuần hoàn não
Đây là tình trạng lượng máu đưa lên não giảm, khiến não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não bị chóng mặt buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, thiếu tập trung và suy giảm trí nhớ.
Đau nửa đầu Migraine
Bệnh nhân đau nửa đầu theo từng cơn, đau theo nhịp mạch với cường độ cơn đau từ nhẹ, thoáng qua đến đau giữ dội. Ngoài triệu chứng chính là đau nửa đầu, bệnh nhân mắc bệnh này còn bị mờ mắt, chóng mặt buồn nôn, ù tai, tê buốt da đầu, mất ngôn ngữ, nói khó,...
Bệnh nhân đau nửa đầu thường kèm theo chóng mặt buồn nôn
Hạ đường huyết
Chóng mặt buồn nôn có thể là dấu hiệu lượng đường trong máu của bạn đang hạ xuống quá thấp. Đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, khi bị hạ đường huyết, đường trong máu không đủ đáp ứng các nhu cầu cần thiết, dẫn đến những triệu chứng như chóng mặt buồn nôn, đói cồn cào, da nhợt nhạt, đổ nhiều mồ hôi, đau đầu, chân tay bủn rủn,...
Hạ huyết áp
Chóng mặt buồn nôn, thở dốc, nói không ra hơi,... là những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân huyết áp thấp. Khi bị hạ huyết áp đột ngột, người bệnh có thể bị choáng váng, tim đập mạnh, thậm chí là ngất.
Bệnh lý dạ dày
Bệnh nhân bị các bệnh lý nhiễm trùng dạ dày như viêm dạ dày ruột sẽ có triệu chứng nôn và buồn nôn. Việc nôn quá nhiều khiến cơ thể mất nước nhanh chóng gây ra triệu chứng chóng mặt. Lúc này, bệnh nhân dễ bị lảo đảo, loạng choạng và khó đứng vững.
Lo âu hoặc các vấn đề về tinh thần khác
Bệnh nhân gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu thái quá, trầm cảm,... cũng rất dễ bị chóng mặt buồn nôn.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp,... có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt buồn nôn. Nếu gặp tình trạng này thì người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ để đổi thuốc hoặc ngừng thuốc.
Mang thai
Phụ nữ mang thai thường bị chóng mặt buồn nôn do sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Đây là hiện tượng bình thường, bạn nên bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho mẹ và bé.
Mang thai có thể khiến bạn bị chóng mặt buồn nôn
Say xe
Nhiều người bị chóng mặt buồn nôn khi ngồi trên các phương tiện giao thông như tàu, xe, máy bay… Đó là do chúng ta khó giữ được thăng bằng khi xe di chuyển.
Chóng mặt buồn nôn khắc phục như thế nào?
Khi bị chóng mặt buồn nôn, bạn cần bình tĩnh, nhắm mắt, nghỉ ngơi, hạn chế xoay đầu và kìm nén cảm giác buồn nôn bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở. Đây là phương pháp giảm chóng mặt buồn nôn trong vòng vài phút. Ngoài ra, bạn có thể cải thiện triệu chứng này bằng cách sử dụng các loại thực phẩm như gừng, bạc hà, quế,..
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu bị chóng mặt buồn nôn kèm theo các dấu hiệu như sau:
- Nói lắp.
- Nhầm lẫn.
- Cứng cổ và sốt.
- Nôn hơn 24 giờ.
- Không đi tiểu được trong 8 tiếng hoặc hơn.
- Mất ý thức.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp dựa theo nguyên nhân gây ra.
Phòng ngừa chóng mặt buồn nôn bằng cách nào?
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa chóng mặt buồn nôn:
- Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột: Những người hay bị chóng mặt buồn nôn cần tránh thay đổi tư thế quá nhanh, tốt nhất nên nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình và từ từ mở mắt ra sau khi ổn định tư thế.
- Tập luyện cho hệ tiền đình: Một số thao tác như thao tác Semont, thủ thuật Gufoni, thao tác Epley hoặc bài tập Brandt - Daroff,…sẽ giúp bạn giảm chóng mặt buồn nôn hiệu quả.
- Uống đủ nước: Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Tập luyện: Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức sẽ giúp cơ thể bạn dẻo dai, khỏe mạnh hơn.
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, suy nghĩ lạc quan.
- Ăn một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn biết các nguyên nhân gây chóng mặt buồn nôn. Triệu chứng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên bạn không được chủ quan. Nếu thường xuyên bị chóng mặt buồn nôn, bạn hãy dành thời gian để kiểm tra sức khỏe. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: