Mục lục [Ẩn]
Nọng cằm là tình trạng vùng cằm đầy lên, tạo thành một hay nhiều “cằm” thừa. Nguyên nhân thường gặp gây tình trạng này là do mỡ tích tụ ở cằm quá nhiều. Nhiều người tìm đến biện pháp tiêm xóa mỡ nọng cằm với hy vọng lấy lại chiếc cằm thon gọn. Thế nhưng, cằm thon chưa thấy đâu mà họ lại bị biến dạng da vùng mặt.
Tiêm xóa mỡ nọng cằm: Nhiều người bị biến dạng da vùng mặt
Tiêm xóa mỡ nọng cằm: Nhiều người bị biến dạng da vùng mặt
Bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết: Nọng cằm hay cằm đôi là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, da xuất hiện một nếp gấp giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn 120 độ. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm: Khiếm khuyết xương cằm, sự tích tụ mỡ vùng dưới da, da chùng nhão, sa xệ ở người lớn tuổi…
Nhiều người cho rằng, việc sở hữu nọng cằm sẽ kém duyên, kém hấp dẫn. Theo khảo sát gần đây cho thấy, 78% người tham gia đồng tình với quan điểm này. Nghiên cứu của Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Mỹ năm 2017 cũng chỉ ra rằng, 73% người khảo sát cảm thấy khó chịu vì cằm đôi. Do đó khi bị tình trạng này, nhiều người muốn điều trị tiêm xóa mỡ nọng cằm để làm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa, giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.
Điều đáng ngại là sau khi thực hiện thủ thuật xong, nhiều người lại gặp biến chứng sưng nề, mặt biến dạng. Chẳng hạn như trường hợp người phụ nữ 60 tuổi đến một spa tại Đà Lạt để tiêm mỡ nọng cằm. Sau 2 tuần, chỗ tiêm sưng tấy lên, đau đớn. Khi đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, bác sĩ Thảo chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mô mỡ dưới da.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 34 tuổi, quê Đồng Nai. Cô đến một cơ sở thẩm mỹ ở địa phương để tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần với mong muốn xử lý tình trạng mỡ nọng cằm. Hai ngày sau, bệnh nhân cảm thấy sưng đau, nóng rát vùng được tiêm. Kết quả siêu âm tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho thấy, người bệnh bị tụ dịch thành từng ổ ở vùng nọng cằm, chuẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ.
Tiêm xóa mỡ nọng cằm: Chuyên gia nói gì?
Tiêm xóa mỡ nọng cằm: Chuyên gia nói gì?
Bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp xử lý mỡ nọng cằm, chẳng hạn như: Tiêm tan mỡ, phẫu thuật, sử dụng các thiết bị phát năng lượng nhằm làm giảm mỡ cũng như săn chắc da. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp đều cần điều trị theo nhiều đợt, tốn thời gian và phải được chăm sóc, nghỉ ngơi phù hợp.
Trong đó, phương pháp tiêm thuốc tan mỡ được áp dụng phổ biến. Nó giúp phân hủy mỡ cục bộ thành các tế bào chết. Sau đó, cơ thể sẽ tự đào thải chúng bằng hệ bạch huyết và kích thích quá trình tạo collagen mới.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi tiêm tan mỡ nọng cằm đã xảy ra tình trạng loét hoại tử vùng tiêm, u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng.... Nguyên nhân là vì bệnh nhân lựa chọn điều trị tại các cơ sở, spa không được cấp phép. Người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tiêm không đúng, không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị…
Bác sĩ khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt, bạn cần được tư vấn trước thủ thuật, sử dụng những loại thuốc, sản phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cách ngăn ngừa mỡ nọng cằm
Để ngăn ngừa mỡ nọng cằm, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:
Thay đổi các thói quen xấu
- Ngồi gù lưng, rướn đầu, cúi mặt: Ngồi sai tư thế khi sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng tới cột sống và xương khớp mà còn khiến da mặt và lớp cơ, mỡ, mô dưới da chảy xệ. Sức kéo của trọng lực sẽ dồn lớp mỡ xuống phần cằm và cổ. Vùng da quanh hàm dần lỏng lẻo, tích tụ mỡ, tăng kích thước. Đường viền cổ chùng xuống hình thành nọng cằm và các đường nhăn ở cổ.
- Chống cằm, ôm má: Thường xuyên chống cằm hay ôm má một bên khi nói chuyện, ăn uống khiến trọng tâm của khuôn mặt lệch sang một bên. Cơ mặt và làn da mất dần tính đàn hồi do bị chèn ép, làm tăng nếp nhăn ở má, khóe mắt.
Mỡ nọng cằm ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài
- Nằm sấp quá lâu khi ngủ: Ngoài gây thêm áp lực cho tim và khó thở, tư thế nằm sấp khi ngủ còn có nguy cơ thay đổi hình dạng khuôn mặt. Việc đè ép vào gối, nệm trong nhiều giờ khiến mặt to bè sang hai bên, đường sống mũi lệch, dễ hình thành nếp nhăn khóe miệng, vùng mỡ dưới cằm lộ rõ hơn.
- Lối sống không lành mạnh: Thức khuya, ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ cũng làm tích tụ mỡ, giảm độ đàn hồi của da và cơ.
- Ăn đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đồ chế biến sẵn làm tăng nguy cơ tích mỡ; ăn ngọt nhiều làm lão hóa da, tăng cân, không tập luyện thể thao làm mỡ thừa không chuyển hóa, dần tích tụ tại các bộ phận trên cơ thể. Ngay cả những người gầy, nếu ít vận động thì kết cấu da cũng lỏng lẻo, dễ xuất hiện nọng cằm.
- Không chống nắng: Tia UV trong ánh nắng mặt trời làm tổn thương da, khiến chúng mất độ đàn hội, dễ xuất hiện nếp nhăn, tăng nguy cơ hình thành nọng cằm.
Chăm sóc da đúng cách
Mỗi ngày, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống nắng và các sản phẩm chống lão hóa đảm bảo chất lượng để tăng độ đàn hồi cho da. Khi rửa mặt hằng ngày, bạn nên massage mặt theo chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài để hạn chế da chảy xệ.
Đồng thời, bạn duy trì tập thể dục thể thao, nên lặp lại các động tác xoay trái, phải, ngửa cổ, cúi đầu để tăng sự săn chắc, đàn hồi cho da và cơ vùng cằm.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết việc tiêm xóa mỡ nọng cằm dễ phải đối mặt với biến chứng biến dạng mặt. Để tránh tình trạng đó xảy ra, bạn cần tìm hiểu, lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao.
XEM THÊM:
- Cảnh báo: Sai lầm giảm cân khiến trẻ càng béo phì
- Giảm cân, giữ dáng bằng thuốc xổ: Nhiều người tiền mất tật mang