Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Người phụ nữ Yên Bái mắc hội chứng vùi lấp

Thứ ba, 17-09-2024 09:39 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Gần đây, mưa lũ ở miền Bắc đã gây ra nhiều vụ tai nạn sạt lở đất, núi kinh hoàng. Nhiều bệnh nhân bị đe dọa tính mạng bởi những tổn thương của “hội chứng vùi lấp”.

 

Nạn nhân bị mắc hội chứng vùi lấp đang được điều trị bở các y bác sĩ.

Nạn nhân bị mắc hội chứng vùi lấp đang được điều trị bở các y bác sĩ.

 

Người phụ nữ Yên Bái mắc hội chứng vùi lấp

   Sau tai nạn sạt lở đất, núi gần đây tại vùng núi phía Bắc, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc phải hội chứng vùi lấp.

   Như trường hợp của chị Đặng Thị Tư (31 tuổi, ở Văn Yên, Yên Bái), chị bị vùi lấp do sạt lở đất đá trong mưa lũ rạng sáng 10/9. Chị được chuyển vào Trung tâm Y tế Văn Yên trong tình trạng thương tích nặng, cơ thể nhiều vết thương nham nhở chảy máu, có cơn ngừng tim 5 phút.

   Tuy nhiên, Trung tâm Y tế Văn Yên đang bị ngập sâu nên không thể điều trị. Ê kíp bác sĩ chỉ có thể hồi sức tim phổi tại chỗ, đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân, hỗ trợ hô hấp nhân tạo và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Lúc này, bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, vùng hậu môn sinh dục có vết thương phức tạp, nghi ngờ thủng trực tràng, nhiều vết trầy xước trên cơ thể, chưa loại trừ có chấn thương sọ não và chấn thương ngực kín. Các bác sĩ cấp cứu hồi sức ban đầu, chẩn đoán người phụ nữ mắc hội chứng vùi lấp.

    Cũng mắc phải hội chứng này, Mông Hoàng Thảo Ng. (11 tuổi, dân tộc Tày) - một nạn nhân của vụ sạt lở ở làng Nủ - hiện điều trị tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), phải thở máy, tiên lượng nặng.

   Theo các bác sĩ, bé Ng. bị viêm phổi, hội chứng vùi lấp, đa chấn thương phức tạp và có cả tình trạng sặc nước. Điều dưỡng đã thực hiện bơm rửa dạ dày cho bệnh nhi, có rất nhiều bùn đất. Hiện nay, bệnh nhi vẫn rất nặng, các bác sĩ đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để chữa trị.

 

Hội chứng vùi lấp là gì?

   Hội chứng vùi lấp - tiêu cơ vân (crush syndrome) là tổn thương và các biến chứng của nạn nhân từ những vụ động đất,trong chiến tranh và sau các vụ nổ khiến các tòa nhà sụp đổ. Nó cũng được thấy sau tai nạn công nghiệp, chẳng hạn như tai nạn xảy ra trong khai thác mỏ và sau tai nạn giao thông đường bộ. Hội chứng này xảy ra khi một phần cơ thể nạn nhân bị đè ép và vùi lấp trong thời gian từ hai giờ hoặc lâu hơn.  Theo thống kê toàn cầu, tỷ lệ nạn nhân mắc phải hội chứng vùi lấp từ 2% tới 15% ở chiến tranh, chấn thương. Thậm chí, tỷ lệ này lên tới 30% ở người gặp thiên tai như động đất.

    Cơ chế của hội chứng này như sau: Khi nạn nhân gặp các tai nạn, các cơ bị tổn thương, bị thiếu oxy và máu cung cấp dẫn đến hoại tử và tổn thương tế bào cơ. Bên cạnh đó, khi các tế bào cơ chết đi, chúng sẽ giải phóng myoglobin, kali, photphat, và enzyme creatine kinase (CK) vào máu. Các chất này dẫn đến các hệ quả sau:

  • Myoglobin: Gây tắc nghẽn thận, dẫn đến suy thận cấp.
  • Kali: Gây loạn nhịp tim hoặc ngừng tim nếu nồng độ trong máu quá cao.
  • Phosphate: Có thể gây mất cân bằng điện giải và toan chuyển hóa.
  • Lactate: Tăng nồng độ axit trong máu, gây ra toan chuyển hóa.

   Về tinh thần, bệnh nhân có thể cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi, tổn thương thực thể trong y khoa biểu hiện bằng chấn thương sọ não, ảnh hưởng đến nhận thức, trí nhớ...

   Đây là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, việc sơ cứu ban đầu tại nơi xảy ra tai nạn phải thực hiện đúng quy định, nếu không có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Tăng kali máu, gây rối loạn nhịp tim hay ngừng tim.
  • Nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây tử vong nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời.
  • Suy thận cấp tính, hoại tử ống thận không hồi phục.

 

Biểu hiện của chứng vùi lấp

   Hội chứng vùi lấp có nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng, bao gồm:

  • Dập nát, chèn ép nhiều vùng cơ xương.
  • Rối loạn vận động và mất cảm giác của vùng chi bị đè ép, sau đó trở nên căng và sưng.
  • Mạch chi bắt kém hoặc thậm chí là không có mạch.
  • Nước tiểu màu nâu đỏ do tăng nồng độ myoglobin niệu và hemoglobin niệu. Bệnh nhân cũng có nguy cơ thiểu niệu do sốc giảm thể tích nặng.
  • Buồn nôn, nôn, kích động, lú lẫn, thao cuồng do hậu quả của rối loạn nước điện giải, thăng bằng toan kiềm trong cơ thể.
  • Chuột rút.
  • Sốt cao, môi nứt nẻ, lưỡi bẩn.

 

Nguyên tắc sơ cứu tại giai đoạn tại hiện trường

   Như đã nói ở trên, khi ở hiện trường, nạn nhân trong những trường hợp này cần được sơ cứu đúng cách và kịp thời nhằm tránh làm vết thương nặng hơn, giảm thiểu tử vong và thương tật về sau. Cụ thể, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nhanh chóng phán đoán, định hướng nơi nạn nhân có thể bị vùi lấp rồi khẩn trương, nhẹ nhàng đào bới, tránh gây tổn thương thêm. Nếu cảm thấy đã gần tới thì nên dùng tay moi. Khi đã thấy nạn nhân, nhanh chóng làm lộ phần đầu cổ. Nếu bới thấy chân thì phải đổi chiều để tìm phía đầu.
  • Khi bệnh nhân đã lộ phần đầu, cần moi hết đất cát trong mũi miệng, kiểm tra xem nạn nhân còn tự thở được không, nếu không thì phải thổi ngạt ngay. Trong khi đó, những người khác tiếp tục bới để giải phóng phần ngực, kịp thời bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngừng thở, tim không đập.
  • Tiếp tục bới cho tới khi cơ thể nạn nhân được giải phóng hoàn toàn. Tuyệt đối không kéo nạn nhân ra ngay lập tức nếu bị vùi lấp lâu, để tránh tăng đột ngột sự giải phóng các chất độc vào máu. Nếu bạn thấy vật nặng chẹn lên tay hay chân của nạn nhân thì phải garo phía trên chỗ đó một chút (không chặt quá) để ngăn chất độc ở phần chi bị đè ép nhiễm vào các phần khác của cơ thể.
  • Sau đó, tiêm thuốc trợ tim (nếu có) rồi từ từ nhấc bỏ vật đè và tiếp tục đào bới.
  • Sau khi đã đào bới xong, đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi đất phẳng, tiếp tục thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân tự thở lại được. Việc này có khi kéo dài đến 2-3 giờ.
  • Trường hợp bị động đất hay vùi lấp do sạt lở cần nhớ phải lắng nghe mọi tiếng động khác lạ. Gọi lớn cho người bị nạn trả lời hoặc nạn nhân tự gõ gây tiếng động.
  • Bảo vệ nạn nhân khỏi các yếu tố môi trường như lạnh, nóng hoặc tiếp xúc với nước lũ bẩn.

Trong lúc thực hiện những điều này, bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu để các bác sĩ đến kịp thời.

 

Nạn nhân bị vùi lấp cần được sơ cứu kịp thời.

Nạn nhân bị vùi lấp cần được sơ cứu kịp thời.

 

   Các nạn nhân trong trường hợp bị vùi lấp do sạt lở, tai nạn,  cần được cấp cứu khẩn cấp, kịp thời nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong và thương tật về sau. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222