Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Vẹo cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa vẹo cột sống

Thứ ba, 29-08-2023 17:00 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Cong vẹo cột sống đang ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng này gây  ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình thể và sức khỏe, đặc biệt có thể gây tổn thương đến phổi và tim nếu không được khắc phục kịp thời. Vậy vẹo cột sống là bệnh gì? Nguyên nhân, phương pháp điều trị ra sao? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

Những nguyên nhân nào gây nên tình trạng vẹo cột sống?

Những nguyên nhân nào gây nên tình trạng vẹo cột sống?

 

Vẹo cột sống là gì?

   Cột sống hay xương sống là cột trụ chính của thân người đi từ mặt dưới xương chẩm đến đỉnh xương cụt, tham gia kết nối các phần khác nhau trong hệ thống xương. Đây là một trong những bộ phận quan trọng nhất, có nhiều chức năng như:

  • Giúp ổn định mọi tư thế: đứng thẳng, đi, vặn mình, uốn cong… đảm bảo vận động một cách tự do và linh hoạt. 
  • Bảo vệ tủy sống – một cột dây thần kinh kết nối não với các phần còn lại trong cơ thể, cho phép kiểm soát mọi chuyển động.

   Bình thường, cột sống có đường cong giống chữ “S” khi nhìn từ hướng bên. Theo đó, cột sống cổ và thắt lưng hơi ưỡn ra trước, ngực ngược lại sẽ gù ra sau.

 

Hình ảnh cột sống bình thường ở người

Hình ảnh cột sống bình thường ở người

 

   Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có của nó.

   Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Cong vẹo cột sống là tình trạng khi đường cong cột sống từ 10 độ trở lên. Nếu nó  cong dưới 10 độ có thể chấp nhận được trong giới hạn sinh lý.

 

Các loại vẹo cột sống thường gặp

   Tùy vào đặc điểm cong vẹo của cột sống, những người bị dị tật này sẽ được phân chia thành 2 nhóm phổ biến sau:

Vẹo cột sống hình chữ C

   Đây là tình trạng cột sống bị uốn cong theo một hướng (sang trái hoặc sang phải) tạo thành hình chữ C. Vẹo cột sống chữ C có thể xảy ra ở 1 trong 3 vị trí dọc sống lưng đó là:

  • Vẹo cột sống thắt lưng.
  • Vẹo cột sống từ dưới ngực - trên thắt lưng.
  • Vẹo cột sống lồng ngực.

Vẹo cột sống hình chữ S

   Vẹo cột sống hình chữ S còn được gọi là vẹo cột sống kép vì bệnh nhân vừa bị vẹo cột sống ở ngực vừa bị vẹo cột sống thắt lưng.

   Người bệnh sẽ khó phát hiện trong thời gian đầu vì đường cong cột sống đôi khi có xu hướng cân bằng lẫn nhau nên khó phát hiện tình trạng bất thường.

 

Minh họa các loại vẹo cột sống

Minh họa các loại vẹo cột sống

 

Nguyên nhân gây vẹo cột sống

   Vẹo cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như:

Bẩm sinh

   Vẹo cột sống bẩm sinh là tình trạng cột sống phát triển bất thường từ trong thai nhi, do:

  • Người mẹ khi mang thai tiếp xúc với hóa chất độc hại, thực phẩm không an toàn.
  • Cơ thể của người mẹ không tương thích với sự phát triển quá nhanh của bào thai bên trong.
  • Trong lúc sinh nở tử cung của người mẹ hẹp có thể chèn ép cột sống của trẻ làm cong vẹo cột sống.

Hoạt động sai tư thế

   Đây là nguyên nhân gây vẹo cột sống thường gặp ở đối tượng người trẻ tuổi và trẻ em. Hoạt động sai tư thế sẽ tạo áp lực lớn lên cột sống khiến cơ quan này thực hiện chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể trong điều kiện nhiều rủi ro hơn. Những hoạt động sai tư thế thường gặp là:

  • Cúi cong lưng để nâng đồ vật.
  • Khiêng vật quá nặng.
  • Xoay lưng mạnh và đột ngột.
  • Bàn ghế không phù hợp với chiều cao.
  • Ngồi học sai tư thế (cong lưng, lệch vai, cúi sát xuống bàn… ).
  • Mang cặp sách quá nặng.

Do thoái hóa

   Đây là nguyên nhân gây vẹo cột sống phổ biến ở người già.  Vẹo cột sống do thoái hóa thường xuất phát từ các yếu tố sau:

  • Sự suy yếu của hệ thống dây chằng và các cấu trúc mô mềm khác quanh cột sống.
  • Sự tạo các gai xương bất thường.

Do loãng xương

   Ở những người bị loãng xương, mật độ xương suy giảm khiến cột sống giòn, xốp và yếu rất dễ bị cong vẹo bất thường. Ở quá trình này, người bệnh cũng có thể đồng thời gặp thêm nhiều vấn đề về xương khớp khác nữa.

Nguyên nhân khác

  Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây vẹo cột sống là:

  • Do di truyền.
  • Do phẫu thuật.
  • Do bất thường tại hệ thần kinh - cơ như: Bại não, loạn dưỡng cơ, teo cơ.
  • Chiều dài chân không đều.

 

Các dấu hiệu nhận biết cong vẹo cuộc sống

Dấu hiệu nhận biết ở trẻ sơ sinh

   Ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần cảnh giác nếu trẻ có các biểu hiện sau:

  • Trẻ bị phình một bên ngực.
  • Trẻ thường nằm trong tư thế cong sang một bên.
  • Nếu nghiêm trọng, trẻ có thể bị khó thở và đau ngực.

   Nếu không được chữa trị đúng lúc, trẻ có thể gặp các vấn đề nguy hiểm về sau như  suy giảm chức năng tim và phổi.

Dấu hiệu nhận biết ở thanh thiếu niên

   Thanh niên và thiếu niên khi bị vẹo cột sống thường có các dấu hiệu sau:

  • Đầu hơi lệch một chút..
  • Các xương sườn có chiều cao khác nhau giữa hai bên.
  • Một bên hông hoặc vai cao hơn bên còn lại.
  • Cơ thể có xu hướng nghiêng về một bên.
  • Hai chân có thể có độ dài không bằng nhau.
  • Một số trường hợp có thể cảm thấy đau lưng.

Dấu hiệu nhận biết ở người trưởng thành

  • Tê mỏi lưng, lan dần xuống chân.
  • Đau và cứng sống lưng, cử động khó khăn.
  • Đường cong tự nhiên của cơ thể dần mất đi.

 

Cơ thể bệnh nhân bị vẹo cột sống có xu hướng nghiêng về một bên

Cơ thể bệnh nhân bị vẹo cột sống có xu hướng nghiêng về một bên

 

Vẹo cột sống có ảnh hưởng như thế nào?

   Cong vẹo cột sống nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và cuộc sống của người bệnh, như:

  • Gây mất thẩm mỹ: Vẹo cột sống gây ra những thay đổi đáng kể về ngoại hình như: khiến vai và hông không đồng đều, xương sườn nổi rõ, lưng bị lệch sang một bên,... Điều này khiến người bệnh cảm thấy tự ti về ngoại hình.
  • Đánh mất cơ hội phát triển: Do sức khỏe không đảm bảo, vận động khó khăn và kèm theo cảm giác tự ti.
  • Tổn thương phổi và tim: Ở bệnh nhân bị vẹo cột sống nghiêm trọng,  khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim làm giảm không gian lồng ngực. Điều này khiến chức năng tim và phổi bị cản trở.
  • Đau lưng mạn tính: Tật cong lưng không được khắc phục lúc nhỏ sẽ khiến bạn bị đau lưng mạn tính khi trưởng thành.
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản: Cột sống cong vẹo có thể gây biến dạng xương chậu, khiến nữ giới gặp rắc rối về vấn đề sinh sản. Đối với phụ nữ, nếu chức năng sinh sản gặp rắc rối sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn.

 

Điều trị cong vẹo cột sống bằng cách nào?

   Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị vẹo cột sống là:

Đeo đai hỗ trợ

  Đai hỗ trợ giúp định hình cột sống về đúng vị trí, thường được sử dụng cho đối tượng trẻ em. Do cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng, bác sĩ sẽ thay đai hỗ trợ thường xuyên để đáp ứng sự thay đổi của cột sống.

Đeo nẹp

   Nẹp cột sống được chỉ định sau khi theo dõi độ lệch của cột sống theo thời gian (thông thường khoảng 20-40 độ). Dụng cụ là một thanh nẹp lưng, người bệnh sẽ đeo nó trong một thời gian để cột sống lưng trở lại đường cong sinh lý bình thường.

Phẫu thuật

   Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng khi tình trạng cột sống bị cong vẹo nghiêm trọng, gây trở ngại đến tim, phổi.

  Tuy nhiên phương pháp này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng và có nguy cơ làm hạn chế chuyển động ở vùng cột sống, lâu ngày dẫn đến các bệnh lý về xương khớp khác.

Vật lý trị liệu

   Vật lý trị liệu là phương pháp được nhiều bác sĩ khuyên áp dụng kết hợp để định hình lại hình dạng và chức năng cột sống. Tùy mức độ cột sống bị cong nặng hay nhẹ mà thời gian điều trị nhanh hay lâu.

 

Điều trị vẹo cột sống bằng phương pháp vật lý trị liệu

Điều trị vẹo cột sống bằng phương pháp vật lý trị liệu

 

Phòng ngừa vẹo cột sống như thế nào?

   Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Tập luyện thể thao đều đặn, vừa sức để tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối cho cơ thể.
  • Phòng ngừa suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ bằng chế độ ăn đầy đủ protein, khoáng chất và vitamin.
  • Thiết kế bàn ghế ngồi học hoặc ngồi làm phải phù hợp với chiều cao của người dùng.
  • Ngồi thì cần ngồi thẳng lưng, không nghiêng vẹo.
  • Trẻ em không nên mang cặp quá nặng, cặp phải có 2 quai, tránh đeo lệch về một phía.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng cong vẹo cột sống. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ về ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống về lâu dài. Vì thế, khi phát hiện dấu hiệu bị vẹo cột sống, bạn nên đến các cơ sở y tế khoa xương khớp để được kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222