Mục lục [Ẩn]
Ung thư phổi luôn là một trong những loại ung thư đáng sợ nhất mà con người được biết đến. Hiện nay, y học thế giới đã có nhiều bước tiến lớn trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu ung thư phổi, và cách điều trị nhé!
Nguyên nhân, dấu hiệu ung thư phổi và cách điều trị
Trước khi tìm hiểu về dấu hiệu ung thư phổi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thông tin chung về căn bệnh này. Ung thư phổi xảy ra do những tế bào ác tính xuất hiện và tăng sinh không kiểm soát tại phổi.
Những tế bào này có thể bắt nguồn từ bất kỳ bộ phận nào của phổi, từ phế quản, tiểu phế quản cho đến các phế nang. Ung thư phổi được chia thành 2 dạng là: ung thư phổi tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ, theo đó:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% các trường hợp mắc bệnh. Tế bào ung thư thường bắt nguồn từ các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy, tế bào vảy,...
- Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% tổng số các ca bệnh. Tình trạng này gồm 2 loại chính là ung thư biểu mô tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào hỗn hợp.
Các dấu hiệu ung thư phổi không thể bỏ qua
Nhìn chung, dấu hiệu ung thư phổi của cả 2 loại kể trên đều có những điểm tương đồng, gồm những dấu hiệu sau đây:
- Ho nhiều, không xác định được nguyên nhân, kéo dài dai dẳng, ho có thể kèm theo đờm nâu đỏ, máu tươi.
- Hít thở khó khăn hơn, tốn nhiều sức hơn khi hít thở.
- Đau tức vùng ngực, đau đầu, đau mỏi cơ.
- Sụt cân bất thường, không rõ nguyên nhân.
- Khàn giọng, giọng nói trầm hơn và kéo dài.
Ngoài ra, các triệu chứng ung thư phổi khác có thể kể đến như: ngón tay hình dùi trống, rối loạn đông máu, các rối loạn trên da, thần kinh, nội tiết,... Trong đó, ngón tay hình dùi trống là dấu hiệu xuất hiện ở khoảng 29% người bệnh ung thư phổi. Đây là tình trạng này là do móng tay trở nên lớn hơn bình thường, đầu ngón tay sưng tấy, chuyển sang màu đỏ,...
Dấu hiệu ung thư phổi này có thể được kiểm tra tại nhà bằng cách đặt 2 đầu ngón tay song song trước mặt, áp móng tay và đốt ngón tay đầu tiên vào nhau. Người bình thường sẽ nhìn thấy có khe hở giữa 2 ngón tay (được gọi là hình kim cương Schamroth). Người có ngón tay hình dùi trống sẽ không có khe hở này.
Ngón tay bình thường (trái) và ngón tay dùi trống (phải)
Tuy có dấu hiệu giống nhau, nhưng 2 loại ung thư phổi là ung thư tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ có thể khác biệt về tốc độ tiến triển và mức độ nghiêm trọng. Với khả năng phát triển nhanh và mạnh, các dấu hiệu ung thư phổi tế bào nhỏ có thể xuất hiện đồng loạt và rõ ràng. Các dấu hiệu ung thư phổi không tế bào nhỏ sẽ có tiến triển qua từng giai đoạn.
Ung thư phổi và các giai đoạn phát triển
Ung thư phổi tế bào nhỏ
Đây là dạng ung thư phổi có mức độ nguy hiểm cao vì khả năng phát triển rất nhanh và dễ dàng lan rộng đến toàn bộ phổi, cũng như các cơ quan khác. Chính vì vậy, ung thư phổi không tế bào nhỏ chỉ được chia thành 2 giai đoạn là khu trú và lan tràn.
Trong giai đoạn khu trú, khối u chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc ở các hạch bạch huyết vùng trung thất. Khi bước vào giai đoạn lan tràn, các tế bào ung thư đã ảnh hưởng đến bên phổi còn lại, cũng như di căn đến não, gan, xương,...
Ung thư phổi không tế bào nhỏ
Dạng ung thư phổi này có tốc độ phát triển chậm hơn, và được chia thành 4 giai đoạn phát triển gồm:
- Giai đoạn 1: Khối u dưới 5cm, chỉ ở 1 bên phổi, chưa lan ra ngoài hay ảnh hưởng đến hạch bạch huyết. Triệu chứng ung thư phổi ở giai đoạn đầu này thường rất nghèo nàn. Nhiều người bệnh thậm chí còn chưa có biểu hiện gì khác lạ.
- Giai đoạn 2: Khối u từ 5 - 7cm, khối u đã bắt đầu ảnh hưởng đến hạch bạch huyết cùng bên, kèm theo tổn thương thực thể. Trong giai đoạn này, các dấu hiệu ung thư phổi trên đường hô hấp sẽ trở nên rõ ràng hơn.
- Giai đoạn 3: Khối u trên 7cm, đã lan đến hạch bạch huyết ở trung thất. Ở ung thư phổi giai đoạn 3, người bệnh có thể thấy đau tức ngực do khối u ảnh hưởng đến vùng trung thất.
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư lây lan đến cả 2 lá phổi và di căn đến các cơ quan xa hơn. Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối sẽ rất rõ ràng, người bệnh sụt cân đáng kể, mệt mỏi, đau nhức và ho ra máu nhiều hơn.
4 giai đoạn của ung thư phổi không tế bào nhỏ
Bệnh nhân mắc ung thư phổi sống được bao lâu?
Như đã nhắc đến, ung thư phổi tế bào nhỏ có tốc độ phát triển và di căn nhanh. Tỷ lệ người được phát hiện sớm rất ít, chỉ rơi vào khoảng 30%, đồng thời, việc xét nghiệm bình thường đôi khi không phát hiện được bệnh ngay cả khi khối u đã lan ra ngoài vùng ngực.
Chính vì vậy, kể cả khi phát hiện sớm, người bệnh cũng chỉ có tỷ lệ sống sau 5 năm vào khoảng 23%. Nếu đã di căn lân cận, thì tỷ lệ sống là 14% và giai đoạn di căn xa là 2%.
Với người ung thư phổi không tế bào nhỏ, do tốc độ phát triển chậm hơn nên tiên lượng điều trị cũng cao hơn. Nếu ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ là khoảng 55%. Tại giai đoạn 2, 3, 4, tỷ lệ sống sau 5 năm lần lượt là: 35%, 15% và 5%. Như vậy, có thể thấy, việc đi khám sớm ngay từ khi có những dấu hiệu ung thư phổi đầu tiên là điều vô cùng cần thiết với người bệnh.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào?
Khám tầm soát sẽ giúp phát hiện sớm ung thư phổi ngay khi các triệu chứng còn rất mờ nhạt, hoặc thậm chí là chưa xuất hiện. Các phương pháp tầm soát ung thư phổi có thể kể đến như:
- Chụp X-quang phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp LDCT.
- Chụp PET/CT.
- Nội soi phế quản.
- Xét nghiệm tế bào đờm.
- Sinh thiết phổi.
Việc tầm soát ung thư phổi sớm vô cùng quan trọng. Nó giúp cho người bệnh có cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị tốt hơn, và có khả năng phục hồi, tỷ lệ sống sau 5 năm cao hơn.
Chụp PET-CT giúp tầm soát ung thư phổi
Ai nên đi khám tầm soát ung thư phổi?
- Người hút thuốc lá và người từng hút thuốc lá trên 50 tuổi là đối tượng cần được khám tầm soát ung thư phổi. Người có tiền sử hút thuốc 1 gói mỗi ngày trong 20 năm hoặc lâu hơn, hoặc 2 gói mỗi ngày trong 10 năm, hoặc nửa gói mỗi ngày trong 40 năm cũng nên khám tầm soát.
- Người có tiền sử mắc ung thư phổi hơn 5 năm trước.
- Người có các yếu tố nguy cơ như: Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, người tiếp xúc với các chất độc hại trong thời gian dài (amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín,...),...
Thuốc điều trị ung thư phổi
Đối với ung thư phổi, phương pháp phẫu thuật vẫn luôn là lựa chọn đầu tay để loại bỏ khối u. Dựa vào kích thước và vị trí khối u, người bệnh có thể được tiến hành mổ mở, nội soi hoặc phẫu thuật bằng robot. Cùng với đó, người bệnh sẽ được xạ trị, hóa trị trước và sau khi phẫu thuật nhằm tăng cường hiệu quả phẫu thuật.
Hiện nay, nhiều loại thuốc mới đang được nghiên cứu và áp dụng trong điều trị ung thư phổi có thể kế đến như:
- Thuốc nhắm trúng đích: Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Dacomitinib, Osimertinib,... có tác dụng đột biến gen EGFR. Trong đó, Osimertinib là thuốc điều trị ung thư phổi thế hệ 3 có tác dụng với ung thư phổi di căn não.
Crizotinib, Alectinib, Ceritinib, Brigatinib và Lorlatinib giúp điều trị ung thư phổi qua đột biến gen ALK. Entrectinib, Dabrafenib, Trametinib, Sotorasib giúp điều trị ung thư phổi qua đột biến gen khác.
- Liệu pháp miễn dịch: Ipilimumab, Tremerimumab, Pembrolizumab, Atezolizumab, Nivolumab,... giúp tăng cường sản sinh tế bào miễn dịch chống ung thư, đồng thời tái hoạt hóa và giúp các tế bào T để dàng tiếp cận, tiêu diệt tế bào ung thư.
- Liệu pháp CAR-T sử dụng chính những tế bào T của người bệnh đã qua xử lý trong phòng thí nghiệm, nhằm tăng khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.
Nhiều loại thuốc đang được dùng để điều trị ung thư phổi
Ung thư phổi ăn gì tốt nhất?
Chế độ dinh dưỡng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người bệnh ung thư phổi. Nó giúp cho người bệnh có thêm sức khỏe để chống chọi lại với bệnh tật, cũng như hồi phục lại sau những đợt điều trị với hóa chất hay chiếu xạ,...
Theo đó, người bệnh ung thư phổi nên lựa chọn những loại thực phẩm như:
- Những loại đồ ăn dễ tiêu hóa: cháo, súp,... và nên ăn thành nhiều bữa trong ngày.
- Bổ sung chất béo có lợi: dầu ô liu, dầu cá,... tránh mỡ động vật, dầu dừa,...
- Sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Trà xanh, nghệ, mầm bông cải xanh, lựu, việt quất,...
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần uống đủ nước, ưu tiên các loại nước khoáng thiên nhiên, nước khoáng kiềm; ngủ đủ giấc; giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, lo lắng thái quá; hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại,...
Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về nguyên nhân, dấu hiệu ung thư phổi và cách điều trị. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline 0243.766.2222 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: