Mục lục [Ẩn]
Trong thời gian 1 tháng gần đây, số ca đau mắt đỏ trên cả nước đang không ngừng gia tăng. Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm do đau mắt đỏ. Vậy làm sao để phòng ngừa và điều trị bệnh này? Mời các bạn theo dõi bài viết sau!
Hiện nay số ca đau mắt đỏ trên cả nước đang tăng.
Đau mắt đỏ là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ là tình trạng bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, có thể gặp ở cả người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian ngắn đau mắt đỏ có khả năng bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.
Đây là bệnh cấp tính, gây ra các triệu chứng rầm rộ nhưng thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ:
- Đỏ một hoặc cả hai mắt.
- Ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác cộm như có sạn ở trong mắt.
- Mắt tiết nhiều ghèn, rỉ dịch; chảy nước mắt;
- Mí mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
Bệnh đau mắt đỏ thường ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lại các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực như viêm giác mạc, loét giác mạc.
Minh họa mắt khỏe mạnh và mắt ở bệnh nhân đau mắt đỏ.
Cách điều trị đau mắt đỏ
Khi thấy có dấu hiệu đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương hướng điều trị. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần chú ý:
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ: Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ thường kê các loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt,...
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách, không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
- Nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Nếu thấy có xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau hơn, sưng hơn hay chảy máu thì bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng.
- Không tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, chưa được kiểm chứng như nhỏ sữa mẹ, đắp lá trầu,,...
Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Các con đường lây lan đau mắt đỏ phổ biến là:
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…
- Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang….
- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối...
- Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi,...
- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…
- Không vệ sinh kính áp tròng đúng cách.
Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Vì tốc độ lây lan trong cộng đồng của bệnh đau mắt đỏ rất nhanh nên những nơi có mật độ người đông, thường phải tiếp xúc với nhau ở cự ly gần như bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc, bến tàu xe, trên xe bus, chợ…rất dễ trở thành nơi bùng dịch.
Thói quen dùng tay dụi mắt rất dễ dẫn đến đau mắt đỏ.
Làm sao để phòng ngừa đau mắt đỏ?
Để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả, bạn nên chú ý:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, đặc biệt khi đang ở trong môi trường công cộng, tiếp xúc với nhiều người.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang….
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Tránh để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt,.. dây vào mắt, gây tổn thương mắt khiến mắt dễ bị vi khuẩn xâm nhập hơn.
- Sử dụng kính chắn bụi và gió khi ra đường.
- Khi đi bơi, nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.
- Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.
- Hạn chế đi lại nơi đông người khi đang có dịch đau mắt đỏ, đeo khẩu trang khi khi ra ngoài.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên mở cửa thông gió.
Người bệnh đau mắt đỏ nên làm gì để không lây cho người khác?
Người bệnh nên chú ý những điều sau:
- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
- Người bệnh cần có những ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt, dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh, đeo khẩu trang, tuyệt đối không ôm hôn người khác, đặc biệt là trẻ em.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng hồi phục.
- Không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc với người khác.
- Nếu được, bệnh nhân nên nghỉ học, nghỉ làm trong vòng 1 tuần để tránh lây lan.
Người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được các thông tin về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng ngừa lây lan. Trước tình hình dịch đau mắt đỏ như hiện nay, mỗi người đều nên nắm được các dấu hiệu của bệnh và cách phòng ngừa để bảo vệ người thân và gia đình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn nhiều sức khỏe!
XEM THÊM: