Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Ăn Tết thế nào để giảm trào ngược dạ dày, thực quản

Thứ tư, 07-02-2024 16:46 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý về đường tiêu hóa rất phổ biến tại Việt Nam, còn được biết đến với tên “trào ngược acid”. Người bị trào ngược dạ dày thực quản cần duy trì một chế độ ăn uống phù hợp, đặc biệt khi Tết sắp cận kề. Vậy bệnh nhân trào ngược dạ dày nên ăn Tết thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết sau để có câu trả lời nhé!

 

Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên ăn Tết thế nào?

Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên ăn Tết thế nào?

 

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

   Ở người bình thường, khi thức ăn được đưa vào miệng sẽ xuống thực quản, cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi đóng lại. Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease - GERD) là bệnh lý mà dịch tiêu hoá của dạ dày thường xuyên bị chảy ngược vào thực quản (là một ống dẫn đưa thức ăn từ miệng vào dạ dày). Vì dịch này có tính axit nên có thể gây kích ứng và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản thường có các triệu chứng như:

  • Ợ nóng, ợ trớ: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, có khi lan tới cả hạ họng, mang tai, thường xảy ra sau ăn hoặc cúi người ra trước.
  • Ợ hơi, ợ chua: Một dấu hiệu phổ biến khác của trào ngược dạ dày thực quản là ợ hơi, ợ chua. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau ăn, người bệnh thấy vị chua trong miệng.
  • Buồn nôn và nôn: Thường xảy ra khi bệnh nhân ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn, không kê đầu cao khi ngủ.
  • Đắng miệng và hôi miệng: Acid trào ngược lên thực quản thường có lẫn dịch mật khiến bệnh nhân thấy đắng miệng mà hôi miệng.
  • Đau tức vùng thượng vị: Acid trong quá trình trào ngược lên dạ dày sẽ gây kích thích các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây lên những cơn đau ở khu vực thượng vị. Trong một số trường hợp, cơn đau này có thể lan rộng ra cánh tay hoặc lưng.
  • Miệng tiết ra nhiều nước bọt: Đây là phản xạ của cơ thể khi acid trào ngược lên thực quản nhằm trung hòa acid dạ dày.
  • Khó nuốt: Phải tiếp xúc liên tục với acid dạ dày khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, sưng tấy thậm chí là phù nề. Điều này khiến người bệnh cảm thấy bị nghẹn, vướng ở cổ, khó nuốt hoặc nuốt nghẹn.

Nếu để bệnh tiếp diễn trong thời gian dài, người bệnh sẽ đối mặt với những bệnh tiêu hóa nguy hiểm hơn như loét thực quản, hẹp thực quản hoặc Barrett thực quản.

 

Bệnh nhân trào ngược dạ dày nên chú ý ăn Tết như thế nào?

Khi dịp Tết đến xuân về, mọi người thường có xu hướng ăn uống quá đà, mất kiểm soát khiến bệnh trào ngược dạ dày có nguy cơ tái phát. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

Hạn chế ăn đồ chua, cay nóng, khó tiêu

Dạ dày của bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản sẽ nhạy cảm hơn người bình thường. Do đó, bệnh nhân nên tránh tiêu thụ một số đồ ăn chua, cay nóng, khó tiêu như:

  • Đồ ăn cay: Như ớt, tỏi, gừng, hành tây, kim chi, rượu bia,... Những món ăn này gây kích thích dạ dày và gây ra các triệu chứng trào ngược.
  • Đồ ăn chua: hoa quả có vị chua như cam quýt, chanh, bưởi. Các loại hoa quả này thường chứa nhiều acid (vitamin C và acid citric) nên sự làm tăng sự tiết dịch vị của dạ dày. Bệnh nhân cũng chú ý không nên uống nước ép từ các loại hoa quả này.
  • Thực phẩm khó tiêu như các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Khi ăn các thực phẩm này, bệnh nhân sẽ bị chướng bụng, tăng áp lực cho dạ dày và cơ thắt thực quản dưới. Thời gian tiêu hóa thức ăn cũng lâu hơn khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị chậm lại gây khả năng trào ngược dạ dày thực quản

 

Hạn chế đồ ăn chiên rán ngày Tết.

Hạn chế đồ ăn chiên rán ngày Tết.

 

Hạn chế đồ uống có ga

   Các đồ uống có ga như bia, nước ngọt,... là những thức uống quen thuộc trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần hạn chế uống những thức uống này. Nguyên nhân do trong những đồ uống này chứa cacbon dioxit, gây ợ hơi liên tục sau khi uống. Điều này sẽ tạo cơ hội cho axit từ dạ dày trào ngược lên trên.

Không uống quá nhiều cà phê

Uống quá nhiều cà phê sẽ làm giãn cơ thắt thực quản, khiến cơ thực quản đóng mở một cách bất thường, tạo điều kiện cho acid dạ dày trào ngược gây ra các triệu chứng khó chịu. Không những vậy, caffein trong cà phê cũng kích thích lên dây thần kinh X làm tăng tiết acid dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.

Không ăn quá no mỗi bữa

   Ăn quá no mỗi bữa ăn sẽ tạo áp lực lớn với cơ thắt thực quản. Do vậy, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản chỉ nên ăn khoảng 70% nhu cầu mỗi bữa ăn và ăn thành nhiều bữa nhỏ. Cách ăn này sẽ rất hữu hiệu để tránh các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Ngồi thẳng khi ăn

   Tư thế ăn cũng rất quan trọng với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Khi ăn, người bệnh nên ngồi thẳng để đường tiêu hóa trên tạo thành một đường thẳng, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu hóa thức ăn.

Không nằm ngay sau ăn

   Nằm ngay sau ăn sẽ khiến cho acid dạ dày dễ bị trào ngược lên trên hơn, do đó bạn nên tránh hành động này. Ngoài ra, ăn tối ngay trước khi ngủ sẽ khiến người bệnh có nguy cơ bị trào ngược ngay trong đêm. Vì vậy, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên ăn bữa tối trước khi ngủ ít nhất 3 tiếng để đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, giảm nguy cơ trào ngược.

 

Nằm ngay sau ăn khiến dịch dạ dày bị trào ngược hơn.

Nằm ngay sau ăn khiến dịch dạ dày bị trào ngược hơn.

 

Tránh hoạt động nhiều sau khi ăn

   Sau khi ăn, bệnh nhân nên hạn chế hoạt động, được biệt là các công việc phải cúi gập người hoặc thay đổi tư thế liên tục. Thay vào đó, bạn nên ngồi nghỉ ngơi trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau khi ăn để thức ăn được tiêu hóa hiệu quả, tránh trào ngược.

Tránh mặc quần áo chật

   Bệnh nhân trào ngược dạ dày nên tránh mặc quần áo chật, đặc biệt là quần áo siết chặt vùng bụng hay thắt lưng  vì điều này làm tăng thêm áp lực cho dạ dày. Bệnh nhân trào ngược dạ dày nên lựa chọn quần áo thoải mái để hạn chế các triệu chứng bệnh.

   Trên đây là một số lưu ý giúp cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản ăn Tết nhẹ nhàng hơn, hạn chế tái phát các triệu chứng bệnh. Tết Nguyên đán đang cận kề, chúc bạn và gia đình năm mới vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222