Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Hút mũi cho bé - Những điều cần lưu ý

Thứ hai, 22-05-2023 16:22 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị mắc các vấn đề về đường hô hấp như ngạt mũi, sổ mũi,... khi thời tiết thay đổi. Để giúp bé hít thở thoải mái và dễ chịu hơn, nhiều bậc phụ huynh đang tìm đến biện pháp hút mũi cho bé. Nhưng bạn đã biết cách thực hiện phương pháp này cho trẻ an toàn và hiệu quả chưa? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp tất tần tật những điều cần biết về việc hút mũi cho bé, mời bạn theo dõi.

 

Hút mũi cho bé phải lưu ý những gì?

Hút mũi cho bé phải lưu ý những gì?

 

Tại sao cần hút mũi cho bé?

   Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến trẻ dễ bị các bệnh đường hô hấp gây nên những triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, nhiều đờm, ho,..

   Lúc này, trẻ cần được hút mũi do:

  • Trẻ dưới 2 tuổi chưa có khả năng tự xì mũi hay khạc đờm. Nếu không hút mũi thì đờm hoặc dịch mũi sẽ tắc ở đường thở khiến trẻ khò khè, khó thở.
  • Trong các trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy hô hấp do đờm quá nhiều làm giảm sự lưu thông không khí vào trong các phế nang, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc hút mũi cho bé sẽ giúp tạo ra sự thông thoáng đường thở, giúp trẻ có thể phục hồi lại khả năng tự hô hấp.

   Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ để có thể hút mũi cho bé đúng cách.

 

Khi nào cần hút mũi cho bé?

   Theo các chuyên gia, cha mẹ nên hút mũi cho bé trong những trường hợp sau:

  • Trẻ dưới 2 tuổi bị khò khè khó thở mà không biết cách tự xì mũi, khạc đờm.
  • Trẻ mắc các vấn đề về hô hấp khiến chúng gặp khó khăn trong việc hít thở và ăn uống như: Ho có đờm xanh, đờm đặc khó khạc ra, cúm ngạt mũi, viêm mũi dị ứng tăng tiết đờm,..
  • Trẻ sốt cao, từng có biểu hiện hôn mê, co giật hay bị khó thở.

   Như vậy, việc hút mũi có thể áp dụng cho trẻ ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ em dưới 2 tuổi. Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn có thể tự xì mũi, khạc đờm, việc hút mũi chỉ áp dụng khi trẻ có các bệnh lý nặng gây co giật, hôn mê,...

 

Hướng dẫn cách hút mũi an toàn, hiệu quả cho bé

Chuẩn bị trước khi hút mũi

   Để hút mũi cho bé, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ sau:

  • Dụng cụ hút mũi:

   Hiện nay có 2 loại là dụng cụ thủ công và dụng cụ chạy bằng điện. Để chọn dụng cụ hút mũi phù hợp, bạn cần lưu ý một số yếu tố sau:

  • Đầu hút từ chất liệu mềm như silicon.
  • Các bộ phận khác phải làm từ nhựa cao cấp, không chứa BPA.
  • Sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn, tối giản, dễ thao tác và vệ sinh.
  • Tránh mua loại sản phẩm có đầu ống hút vát nhọn để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi cho bé.
  • Nước muối sinh lý 0,9%: Nước muối sinh lý dùng để làm mềm các chất dịch, đờm nhầy đã đóng mảng trong khoang mũi của trẻ, giúp bạn có thể hút mũi thuận lợi và ít tổn thương đến niêm mạc mũi của bé. Bạn chú ý mua dạng chai nhỏ dùng để nhỏ mắt, nhỏ mũi chứ không phải nước muối sinh lý ở chai to dùng để súc miệng và sát khuẩn.
  • Khăn sữa, khăn sơ sinh: Để vệ sinh cho bé sau khi hút dịch nhầy.

Quy trình hút mũi cho bé

   Sau khi đã chuẩn bị hết các dụng cụ cần thiết, bạn tiến hành hút mũi cho bé theo quy trình sau:

  • Bước 1: Làm ẩm mũi cho bé.

   Bạn đặt bé nằm xuống, để đầu bé hơi nghiêng sang một bên và lót một tấm khăn được tiệt trùng bên dưới. Bạn nhỏ nước muối sinh lý 0,9% vào mũi trẻ. Sau khi nhỏ mũi, bạn chờ khoảng 30 - 60 giây để các chất nhầy trong mũi ẩm và loãng ra, bạn không nên chờ quá lâu vì chất nhầy sẽ khô lại khiến việc hút mũi khó khăn hơn.

  • Bước 2: Tiến hành hút mũi.

   Với dụng cụ dạng ống bầu cao su, bạn hút mũi theo quy trình sau:

  • Bạn bóp ống bầu để đẩy hết không khí ra ngoài trước khi đặt vào mũi của bé.
  • Đặt vòi hút mềm vào mũi trẻ, thả tay từ từ và nhẹ nhàng.
  • Khi sử dụng luôn giữ trẻ trong vòng tay của bạn. Khi đã đưa vào mũi trẻ tránh không được bóp vào thân ống bơm.

   Với dụng cụ hút mũi dạng chữ U, bạn tiến hành như sau:

  • Giữ đầu bé không để cử động và quấy mạnh.
  • Đưa đầu vòi lớn vào mũi bé còn đầu thon thì bố mẹ bắt đầu hút để đẩy chất nhầy ra ngoài.
  • Lực hút càng lớn thì lượng chất nhầy được đẩy ra càng nhiều và sâu.

   Trong những lần đầu tiên hút mũi cho bé, bé có thể bị nôn ói do nước muối và chất nhầy chảy xuống họng. Bạn yên tâm là phản xạ này sẽ hết dần khi trẻ quen hơn.

 

Minh họa cách hút mũi bằng dụng cụ chữ U

Minh họa cách hút mũi bằng dụng cụ chữ U

 

   Sau khoảng 5 - 10 phút nếu bé vẫn còn nghẹt mũi thì bạn có thể thực hiện thêm lần nữa. Chú ý không nên hút mũi cho trẻ quá 3 - 4 lần/ngày vì rất dễ khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, giảm khả năng cản trở bụi bẩn.

  • Bước 3: Vệ sinh mũi của bé và dụng cụ sau khi hút.

   Bạn dùng khăn mềm đã tiệt trùng để nhẹ nhàng lau mũi cho bé.

   Để vệ sinh dụng cụ sau khi hút, bạn rửa dụng cụ bằng xà phòng, rửa kỹ nhiều lần. Sau đó, bạn hãy tiệt trùng phần vòi hút và ống đựng dịch nhầy qua nước sôi để diệt khuẩn. Cuối cùng bảo quản dụng cụ ở nơi thoáng mát sạch sẽ và khô ráo.

 

Những lưu ý khi hút mũi cho bé tại nhà

   Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi hút mũi cho bé tại nhà:

  • Không lạm dụng việc hút mũi, vì hút mũi quá nhiều lần trong ngày rất dễ khiến cho niêm mạc mũi của bé bị mỏng đi, khiến trẻ dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến khứu giác và khả năng hô hấp của trẻ.
  • Trước khi tiến hành hút mũi cho trẻ, bạn cần tiệt trùng dụng cụ hút mũi và vệ sinh chân tay sạch sẽ.
  • Thao tác hút mũi cho bé phải nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
  • Bạn nên hút mũi cho trẻ trước bữa ăn và khi trẻ còn thức. Bạn tuyệt đối không hút mũi khi trẻ đang ngủ vì rất dễ làm trẻ bị ngưng thở, suy hô hấp.
  • Nếu trẻ bị phản ứng mạnh trong quá trình hút mũi, bạn nên dừng lại và thử lại trong vài tiếng sau.
  • Sau khi hút mũi cho bé, bạn đừng quên vệ sinh mũi họng một lần nữa cho bé bằng nước muối sinh lý.
  • Nếu bạn hút mũi cho trẻ liên tục 3 ngày mà trẻ vẫn không đỡ, bạn cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ về quy trình hút mũi cho bé và những lưu ý khi thực hiện hút mũi tại nhà. Hút mũi đúng cách, đúng tần suất sẽ giúp bé cảm thấy dễ thở hơn, giảm khò khè và chảy nước mũi. Ngược lại, hút mũi không đúng cách hoặc lạm dụng việc hút mũi có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222