Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Dễ tử vong khi mắc viêm phổi do phế cầu

Thứ ba, 27-08-2024 13:52 PM

Mục lục [Ẩn]

 

    Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Trong đó, nguy cơ tử vong ở người lớn mắc viêm phổi do phế cầu lên đến 10-20%.

 

Viêm phổi do phế cầu có nguy cơ tử vong cao.

Viêm phổi do phế cầu có nguy cơ tử vong cao.

 

Dễ tử vong khi mắc viêm phổi do phế cầu

   Theo thống kê từ Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong. Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, với khoảng 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 trường hợp tử vong. Riêng Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 18,2 trên 100.000 dân.

   Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.

   Ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỷ lệ tử vong cao - trung bình 10-20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, con số cao hơn nhiều ở người có nhiều bệnh nền.

    Theo các chuyên gia, các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn và ngược lại, viêm phổi do phế cầu khuẩn làm nặng thêm các tình trạng bệnh nền vốn có. Một số lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu sẽ làm người bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bởi chúng làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và suy giảm chức năng gan.

Bên cạnh đó, tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu, dẫn đến điều trị thất bại, tốn kém hơn. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng dao động 15-23 triệu đồng, thời gian nằm viện trung bình 6 - 13 ngày.

 

Viêm phổi do phế cầu khuẩn là gì?

   Phế cầu khuẩn (tên khoa học Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn thường cư trú ở vùng mũi họng của những người khỏe mạnh bình thường. Khi cơ thể gặp điều kiện bất lợi, chúng sẽ lập tức vào máu và tấn công các bộ phận như não, phổi, tai để gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa cấp…

    Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tật và tử vong, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ di chứng và tử vong do phế cầu khuẩn gây ra từ 10% đến 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 50% đối với những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em và người cao tuổi.

   Viêm phổi do phế cầu khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây nhiễm trùng tại phổi, làm phổi bị tổn thương và viêm. Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, như:

  • Biến chứng tại chỗ: Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim,...
  • Biến chứng toàn thân: Viêm màng não, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc,...

   Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi do phế cầu bao gồm:

  • Trẻ nhỏ.
  • Người già.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch.
  • Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh do phế cầu, như mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc nghiện bia rượu, thuốc lá, cắt lách và tình trạng hồng cầu hình liềm...

 

Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu cao.

Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu cao.

 

Phòng bệnh viêm phổi do phế cầu

Để phòng bệnh viêm phổi do phế cầu, người dân cần chú ý:

  • Tuân thủ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc đông người, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh lý do phế cầu.
  • Tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, năng tập thể dục, giữ ấm cho trẻ, người cao tuổi khi thời tiết thay đổi, mùa lạnh…
  • Các đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em từ 2 tháng tuổi; người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu; người mắc các bệnh lý nền; người hút thuốc lá, nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng…) nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng vaccine.

 

Đối tượng có nguy cơ cao nên tiêm vắc xin để phòng ngừa.

Đối tượng có nguy cơ cao nên tiêm vắc xin để phòng ngừa.

 

   Trên đây là một số điều cần biết về viêm phổi do phế cầu khuẩn. Đó là bệnh lý để lại hậu quả nguy hiểm, trẻ em, người già và những người có yếu tố nguy cơ cao nên được tiêm phòng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222