Uốn ván sơ sinh là một bệnh nặng, thường xảy ra ở thời kỳ sơ sinh do thần kinh trung ương bị nhiễm độc tố trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Nguyên nhân thường do dụng cụ cắt rốn hoặc bàn tay người đỡ đẻ chưa được vô khuẩn nên vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường rốn, gọi là uốn ván rốn.
Triệu chứng của bệnh uốn ván sơ sinh.
Thời kỳ ủ bệnh: Sau đẻ, trẻ có một thời gian hoàn bình thường, đó là thời kỳ ủ bệnh, kéo dài 3-7 ngày, thời kỳ ủ bệnh càng ngắn bệnh càng nặng.
Thời kỳ phát bệnh:
- Trẻ sốt cao 39-40 độ.
- Bỏ bú, cứng hàm.
- Co cứng toàn thân và lên cơn co giật.
- Toàn thân ưỡn cong ra sau, mặt nhăn nhúm , môi chúm lại, miệng không há to được làm trẻ khóc không thành tiếng.
- Trẻ có những cơn co giật: Nếu cơn giật xảy ra liên tục, trẻ sẽ chết vì thiếu dưỡng khí.
- Rốn thường rụng sớm vào ngày thứ ba, thứ tư. Tại rốn có thể ướt bẩn nhưng có thể đã khô.
Thời kỳ lui bệnh: Nếu được điều trị tốt hoặc ở thể nhẹ, sau 7 ngày trẻ bớt giận, hết sốt, chỉ còn co cứng cơ trong một thời gian dài (kéo dài hàng tháng), sau đó sẽ khỏi bệnh.
Điều trị: Theo chỉ định của bác sĩ.
- Huyết thanh chống uốn ván: SAT
- Kháng sinh: penicillin, khi có biến chứng viêm phổi phải dùng phối hợp kháng sinh.
- Thuốc an thần: thường dùng phenobarbitan, seduxen, aminazin, gardenan.
- Chế độ ăn:
- Sữa mẹ nhỏ giọt dạ dày khi bệnh nhân còn giật 7-8 lần/ ngày , nhỏ giọt mỗi lần trong 1 giờ, sau mỗi lần ăn phải thay chai và dây nhỏ giọt.
- Ăn bằng ống thông khi bệnh nhân còn tăng trương lực cơ.
- Đổ thìa khi trẻ đã há được miệng.
- Khi đã khóc to, há miệng to mới cho bú mẹ.
Dự phòng cho trẻ phòng tránh uốn ván sơ sinh.
- Người mẹ khi có thai phải tiêm đủ 2 mũi giảm độc tố uốn ván (vacxin phòng uốn ván). Tiêm mũi thứ nhất vào một trong những tháng thứ 3,4,5 hoặc tháng thứ 6. Mũi thứ hai vào tháng thứ 7 hoặc 8. Hai mũi cách nhau ít nhất là 1 tháng và mũi thứ hai cách ít nhất là 1 tháng và mũi thứ hai cách lúc đẻ ít nhất 1 tháng.
- Vệ sinh vô khuẩn dụng cụ và bàn tay người đỡ đẻ.
Dụng cụ cắt rốn phải được hấp sấy 120 độ trong 30 phút.