Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Cảnh giác những bệnh nguy hiểm ở trẻ em vào mùa đông, xuân

Thứ năm, 22-02-2024 13:53 PM

 

   Mùa Đông - Xuân với nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều bệnh ở trẻ em. Trong bài viết này, mời bạn cùng tìm hiểu các bệnh thường gặp ở trẻ mùa đông xuân và cách phòng ngừa?

 

Trẻ dễ bị mắc những bệnh nào vào mùa đông - xuân?

Trẻ dễ bị mắc những bệnh nào vào mùa đông - xuân?

 

Các loại bệnh dễ bùng phát vào mùa đông, xuân

Cúm mùa

   Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn.

   Triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ thường bị nhầm với cảm lạnh do thời tiết thông thường, tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn. Sau 1 - 2 ngày bị lây nhiễm, trẻ bị nhiễm virus cúm và mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Sốt (>38 độ C).
  • Nghẹt mũi, sổ mũi (dịch trong mũi có thể không màu, hoặc có màu vàng, màu xanh).
  • Đau họng, ho.
  • Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ.
  • Biếng ăn, nôn mửa, có thể bị tiêu chảy.

Sởi

   Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…

   Trẻ nhiễm bệnh sởi thường có thời gian ủ bệnh trong 7 – 21 ngày. Sau đó, trẻ có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:

  • Sốt cao trên 39°C.
  • Viêm long đường hô hấp trên, ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mũi, có hạt Koplik trong miệng.
  • Nổi ban sởi. Ban sởi mọc theo thứ tự: ngày thứ nhất mọc trên đầu, mặt, cổ; ngày thứ hai mọc ở lưng, ngực và cánh tay; ngày thứ ba ban mọc ở bụng, mông, đùi và chân. Khi ban mọc tới chân thì trẻ sẽ hết sốt và ban sẽ bắt đầu bay dần.

 

Cần lưu ý các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ.

Cần lưu ý các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ.

 

Thuỷ đậu

   Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại virus gây nên. Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Trẻ thường mắc thủy đậu vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 trong năm. Đây là khoảng thời gian mà độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh.

   Biểu hiện đặc trưng của bệnh thuỷ đậu là sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, biếng ăn, xuất hiện phát ban, mụn nước đầy dịch, tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Mụn nước ban đầu tập trung ở mặt, lưng và thân sau đó nhanh chóng lan rộng toàn cơ thể.

Quai bị

   Bệnh quai bị do vi rút gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh; xuất hiện ở những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể…

   Sau khi tiếp xúc với vi rút quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to, có thể sưng mộ bên hay hai bên.

 

Một số lưu ý để phòng bệnh cho trẻ

   Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình như:

  • Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
  • Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.
  • Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ.
  • Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

 

Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách.

Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách.

 

   Trên đây là một số bệnh trẻ thường mắc vào thời điểm đông - xuân và một số biện pháp phòng bệnh. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222