Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tìm hiểu phẫu thuật cắt amidan và những lưu ý cho người bệnh

Thứ bảy, 29-07-2023 11:34 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Khi bị viêm amidan, người bệnh thường có các triệu chứng như đau họng, ho, nuốt khó… Không may mắn là căn bệnh này rất hay tái phát, nhất là với những người có sức đề kháng yếu, gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, một số người quyết định phẫu thuật cắt amidan. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ về phương pháp phẫu thuật này.

 

Hình ảnh phẫu thuật cắt amidan

Hình ảnh phẫu thuật cắt amidan

 

Amidan là gì?

   Amidan là tổ chức bạch huyết chứa các tế bào bạch cầu. Nó nằm ở sau cổ họng, có chức năng chính là ngăn chặn sự tấn công của các loại vi sinh vật (virus, vi khuẩn, vi nấm) đối với cơ thể.

   Thông thường, tác nhân có hại xâm nhập qua đường miệng sẽ bám lại ở amidan. Lúc này, tế bào bạch cầu được hoạt hóa, tạo kháng thể tiêu diệt vi khuẩn, virus, khiến phản ứng viêm xảy ra.

   Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết tình trạng viêm amidan qua các triệu chứng như: Sưng amidan, đau rát họng, ho, giọng nói thay đổi, khàn tiếng…

   Trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp, gây viêm amidan tái phát nhiều lần. Nếu tình trạng này kéo dài, bé còn có nguy cơ cao phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng bao gồm: Viêm tai giữa, viêm phổi, ngưng thở khi ngủ, viêm cầu thận, viêm ngoài màng tim cấp, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết… 

   Để phòng ngừa những biến chứng này thì cắt amidan là giải pháp được rất nhiều các bác sĩ cân nhắc lựa chọn cho người bệnh.

 

Những ưu nhược điểm khi phẫu thuật cắt amidan

   Ưu điểm của phẫu thuật cắt amidan gồm có:

  • Phòng ngừa hiệu quả các biến chứng do tình trạng viêm amidan mạn tính gây ra.
  • Hạn chế tình trạng tắc nghẽn cổ họng, khó nuốt.
  • Làm mất mùi hôi do mủ bã đậu amidan.

   Những nhược điểm, rủi ro khi phẫu thuật cắt amidan:

  • Sốc thuốc tiền mê, thuốc gây mê.
  • Chảy máu trong mổ, sau mổ.
  • Tử vong do tổn thương các mạch máu lớn (mạch cảnh), do sốc thuốc.

   Bởi có những rủi ro nguy hiểm trên mà amidan thường được các bác sĩ cân nhắc phẫu thuật cắt trong những trường hợp nhất định.

 

Khi nào nên phẫu thuật cắt amidan?

Khi nào nên phẫu thuật cắt amidan?

 

Khi nào nên phẫu thuật cắt amidan?

   Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt amidan khi:

  • Tình trạng viêm amidan tái phát nhiều hơn 5 lần/năm và trong ít nhất 2 năm liên tiếp.
  • Viêm amidan gây ra các biến chứng nghiêm trọng
  • Amidan sưng to gây tắc nghẽn đường thở.
  • Xuất hiện khối u amidan nghi ngờ ác tính cần làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

 

Phẫu thuật cắt amidan được thực hiện như thế nào?

   Trước khi phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Tùy thiết bị y tế, các bước thực hiện phẫu thuật cũng khác nhau.

Phẫu thuật cắt amidan bằng dụng cụ Sluder-Ballanger

  • Bước 1: Gây tê tại cuống và hốc amidan.
  • Bước 2: Bộc lộ khối amidan bằng cách dùng bộ dụng cụ cố định miệng bệnh nhân.
  • Bước 3: Đưa dụng cụ Sluder ballenger vào từ cực dưới khối amidan và ép nó vào lỗ của bộ dụng cụ.
  • Bước 4: Tách amidan ra khỏi hốc và kéo ra khỏi khoang họng.
  • Bước 5: Kiểm tra và cầm máu hốc amidan.

Phẫu thuật cắt amidan bằng phương pháp bóc tách thòng lọng

  • Giai đoạn 1: Gây tê tại cuống và hốc amidan.
  • Giai đoạn 2: Tách từng phần amidan bằng dụng cụ chuyên dụng.
  • Giai đoạn 3: Cắt khối amidan và đưa ra ngoài.
  • Giai đoạn 4: Cầm máu hố mổ.

 

Bác sĩ phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh

Bác sĩ phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh

 

Người bệnh cần lưu ý gì sau phẫu thuật cắt amidan?

   Sau phẫu thuật cắt amidan, bạn sẽ gặp một số di chứng sau:

  • Đau: Sau khi cắt amidan được 2 ngày, bạn có thể đau hơn so với ngày đầu tiên. Bởi lúc này, tác dụng của thuốc giảm đau truyền tĩnh mạch đã hết. Bạn đừng lo lắng vì sẽ được bác sĩ kê thuốc giảm đau đường uống. Cơn đau sẽ dịu hơn.
  • Vướng đờm: Đờm tăng tiết và đọng ở 2 hốc amidan khiến bạn khó chịu. Thế nhưng, bạn lưu ý không được khạc nhổ, không hắng họng để tránh chảy máu.
  • Ho: Nếu bị ho, bạn cần cố gắng kìm hãm lại vì ho nhiều dễ gây chảy máu. Thông thường, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm ho cho bạn.
  • Ăn uống: Bạn cần kiêng tuyệt đối các loại thức ăn cứng, nóng, chua, cay, kiêng rượu bia và thuốc lá.
  1. Ngày đầu tiên sau mổ, bạn chỉ nên uống sữa hoặc ăn cháo loãng nguội.
  2. Ngày thứ 2, 3 bạn có thể ăn súp nguội, sữa lạnh hoặc cháo loãng.
  3. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 14, bạn có thể ăn cháo đặc, bún, phở và thức ăn mềm…
  4. Từ ngày thứ 15 trở đi, bạn có thể ăn cơm bình thường.
  • Chảy máu: Sau phẫu thuật cắt amidan, bạn có thể bị chảy máu bất cứ lúc nào trong 15 ngày đầu do bong lớp giả mạc. Trong ngày thứ 5 - 10, nếu có chảy máu với lượng ít và tự cầm sau khoảng 5-10 phút thì không đáng lo và không cần đến bệnh viện. Nhưng nếu máu chảy nhiều và không tự cầm được, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ xử trí kịp thời.
  • Khả năng nói và làm việc: Bạn lưu ý có thể nói chuyện được nhưng nói nhỏ nhẹ. Các hoạt động thường ngày cũng chỉ nên nhẹ nhàng, không lao động nặng trong ít nhất 2 tuần sau mổ.

   Ngoài ra, bạn cần tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ có thể kiểm tra, đánh giá tình trạng sau phẫu thuật cắt amidan.

   Hy vọng qua bài viết, bạn đã nắm được phương pháp phẫu thuật cắt amidan và những lưu ý sau mổ. Amidan là tuyến phòng thủ bảo vệ đường hô hấp cho cơ thể. Vì vậy, bạn chỉ nên cắt nó đi sau khi có chỉ định của bác sĩ. Chúc các bạn sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222