Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Người phụ nữ tử vong do nhiễm vi khuẩn gây Whitmore - Làm sao để phòng ngừa?

Thứ năm, 26-10-2023 14:00 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Chiều ngày 23/10/2023, Sở Y tế Quảng Nam thông báo trường hợp một nữ bệnh nhân 43 tuổi tử vong, được xác định nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về bệnh này và cách phòng tránh chúng.

 

Làm sao để phòng ngừa bệnh Whitmore?

Làm sao để phòng ngừa bệnh Whitmore?

 

Bệnh Whitmore là gì?

   Bệnh Whitmore hay còn gọi là Melioidosis là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.  Đây là vi khuẩn gram âm, có khả năng sống mọi nơi ở môi trường tự nhiên, nhất là nơi ẩm ướt, đất, nước, các vùng đồng lúa nước ở Đông Nam châu Á. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore kháng lại với nhiều loại thuốc kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị, đặc biệt ở các tuyến y tế cơ sở.

Bệnh nhân có thể mắc bệnh này do 3 trường hợp sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất bị nhiễm khuẩn qua các vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn.
  • Hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.
  • Lây truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa nếu người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn Whitmore.

   Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng, có thể gây sốt, ho, đau ngực, đau đầu, chán ăn, đau khớp, suy hô hấp... Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

 

Triệu chứng bệnh Whitmore

   Bệnh Whitmore được mệnh danh là "kẻ bắt chước vĩ đại" do không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu. Các triệu chứng lâm sàng thường rất giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, bệnh cúm, sốt nên nhiều trường hợp không phát hiện bệnh này sớm mà nhầm lẫn với các bệnh khác.

   Tùy theo từng vị trí mà bệnh có những triệu chứng khác nhau:

  • Nhiễm trùng cục bộ: Trên da bệnh nhân sẽ nổi những nốt sần đỏ, mưng mủ gây loét da, đau đớn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số các triệu chứng như sốt, sụt cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau cơ, đau khớp, đau đầu, co giật,...
  • Nhiễm trùng phổi: Vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào phổi. Bệnh nhân có các triệu chứng như ho có đờm hoặc không, đau ngực khi thở, sốt cao, nhức đầu hoặc đau nhức cơ, sụt cân,... Bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi do Whitmore rất dễ bị nhầm lẫn với lao phổi. Phim chụp X - quang phổi của bệnh nhân cũng có những đốm nhỏ tương tự như bệnh lao.
  • Nhiễm trùng máu: Nếu không được điều trị kịp thời và đúng, tình trạng nhiễm trùng phổi sẽ tiến triển thành nhiễm trùng máu. Các triệu chứng gồm sốt cao rét run, đau đầu, đau họng, khó thở, đau vùng bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, vết loét có mủ trên da… Khi bệnh đã ở vào giai đoạn này, nguy cơ tử vong rất cao.
  • Nhiễm trùng toàn thân: Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối cùng, bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân với các triệu chứng đau ở nhiều bộ phận khác nhau, sốt cao, động kinh, co giật, xuất hiện các vết loét hoặc áp xe trên da và khắp các cơ quan trong cơ thể.

 

Các triệu chứng bệnh Whitmore thường gặp.

Các triệu chứng bệnh Whitmore thường gặp.

 

Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?

   Theo thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, người bị nhiễm khuẩn Whitmore nếu không được điều trị thì cứ 10 người thì 9 người tử vong. Người được điều trị đúng kháng sinh thì vẫn có khoảng 4 trong số 10 người tử vong. Nếu điều trị trong cơ sở y tế với chăm sóc tích cực có thể giảm tỷ lệ tử vong còn dưới 2 trong 10 người.

   Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong do bệnh Whitmore. Trường hợp tử vong do vi khuẩn Whitmore gần đây nhất là một nữ bệnh nhân 43 tuổi người Quảng Nam.

   Được biết, bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa Tâm Trí Quảng Nam trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi. Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

   Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm, biến chứng suy hô hấp, tăng đường máu cấp. Cùng ngày, tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

 

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm khuẩn Whitmore

   Trong quá trình điều trị, vi khuẩn Whitmore kháng rất nhiều loại kháng sinh thông thường. Thế nên, nếu không được chẩn đoán đúng bệnh hoặc dùng thuốc không phù hợp, bệnh sẽ tiến triển nhanh và gây hậu quả khó lường.

   Bệnh Whitmore được điều trị theo 2 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tấn công: Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch với mục đích ngăn tình trạng nhiễm khuẩn nặng để cứu sống bệnh nhân. Thời gian điều trị tối thiểu từ 10 – 14 ngày, có thể kéo dài đến 8 tuần.
  • Giai đoạn duy trì: Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh đường uống với mục đích tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, giảm thấp nhất nguy cơ tái phát bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 6 tháng.

   Sau khi bệnh nhân hoàn tất liệu trình kháng sinh, khả năng bệnh tái phát thấp. Tuy nhiên, cần tuân thủ tốt các biện pháp phòng tránh để vi khuẩn Whitmore không có cơ hội quay trở lại.

 

Phòng bệnh Whitmore như thế nào?

   Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động người dân phòng bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.
  • Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.
  • Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
  • Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
  • Những người có bệnh tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,… cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
  • Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

 Người dân nên đeo đồ bảo hộ lao động, không nên tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất.

Người dân nên đeo đồ bảo hộ lao động, không nên tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất.

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về  bệnh Whitmore và sự nguy hiểm của nó. Ở Việt Nam, bệnh này thường xảy ra vào mùa mưa – thời điểm vi khuẩn sinh sôi và phát triển rất nhanh. Do đó, người dân nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222