Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Một nửa bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh

Thứ tư, 20-11-2024 16:44 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Theo thông tin được PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội công bố tại hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X mới đây, tiểu đường đang là bệnh lý có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thế kỷ XXI ở cả trong nước và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, nhưng đến một nửa số đó không biết mình mắc bệnh.

 

 Một nửa bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh.

Một nửa bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh.

 

Một nửa bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh

   Vào ngày 16/11 mới đây, hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X đã diễn ra tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2024. Với thông điệp "Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nội tiết - đái tháo đường", hội nghị này là dịp các y bác sĩ cập nhật kiến thức mới về chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa.

    Theo đó, tiểu đường là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến nhất trên thế giới với mức độ gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu gần đây nhất, số người bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, từ khoảng 7% lên 14% trong 30 năm qua (1990-2022), lên hơn 800 triệu người. Trong đó, khu vực các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có mức tăng cao nhất.

   Tại Việt Nam, theo PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội, cho biết, có khoảng 7 triệu người mắc căn bệnh này. Trong số đó, 34% bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng về tim mạch, 39% bệnh nhân gặp biến chứng trên mắt và thần kinh, 24% bệnh nhân có biến chứng về thận.

 

 PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội chia sẻ tại hội nghị.

PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội chia sẻ tại hội nghị.

 

   Điều đáng lo ngại là hơn một nửa số bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nguyên nhân do bệnh tiểu đường tuýp 2 thường âm thầm tiến triển, có các triệu chứng trong giai đoạn đầu tương đối mơ hồ, khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, người bệnh chủ quan không đi khám, chưa được chẩn đoán chính thức khiến họ không được điều trị kịp thời.

    Hệ quả là bệnh nhân gặp các biến chứng nghiêm trọng như: mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều này cũng dẫn đến chi phí điều trị bệnh tiểu đường và chi phí phúc lợi xã hội chăm sóc những bệnh nhân bị biến chứng chiếm tỷ trọng cao trong quỹ bảo hiểm y tế và an sinh xã hội.

   Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2023, Quỹ BHYT Hà Nội chi khoảng 1.000 tỷ đồng điều trị bệnh lý này cho người dân. Tuy nhiên, đây không phải tất cả, bởi trong thực tế, nhiều bệnh nhân tiểu đường phải mua thêm thuốc ở bên ngoài. Cũng theo chuyên gia này, trong 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh tiểu đường đã tăng gấp ba lần.

   Vì vậy, việc phát hiện sớm, kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt rất quan trọng trong việc điều trị và giảm biến chứng bệnh.

 

Ai nên tầm soát bệnh tiểu đường?

   Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người trưởng thành không có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao nên thực hiện xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Các đối tượng này bao gồm:

  • Người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường (cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường).
  • Người thừa cân, béo phì (BMI ≥ 23kg/m²).
  • Người có thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất.
  • Người có tiền sử rối loạn đường máu lúc đói, rối loạn dung nạp glucose.
  • Huyết áp cao (≥ 140/90 mmHg ở người lớn).
  • Mỡ máu (Lipid máu) bất thường.
  • Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4 kg.
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

   Nếu các kết quả xét nghiệm bình thường, những đối tượng này nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1-3 năm/lần. Người có nhiều yếu tố nguy cơ ở trên có thể thực hiện xét nghiệm lại sớm hơn. Người tiền tiểu đường thì nên xét nghiệm kiểm tra hàng năm.

 

Nên làm gì khi mới phát hiện mắc bệnh tiểu đường?

   Khi biết mình bị mắc bệnh tiểu đường, nhiều người thường vô cùng lo lắng, bi quan. Nhưng bạn cứ yên tâm, chỉ cần bạn kiểm soát tốt đường huyết, đường huyết ổn định ở mức an toàn thì mình không cần phải quá lo lắng. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ: Người bệnh cần tuân thủ sử dụng loại thuốc và liều lượng theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Không tự ý bỏ thuốc hoặc lạm dụng nhiều thuốc khiến đường huyết không được kiểm soát tốt hoặc gặp nhiều tác dụng phụ. Nếu có vấn đề gì trong quá trình điều trị như gặp tác dụng phụ của thuốc, đường huyết vẫn cao khi đã dùng thuốc,... người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
  • Theo dõi lượng đường trong máu: Người bệnh nên chú ý theo dõi đường huyết hàng ngày. Bạn nên có một chiếc máy đo đường huyết để ghi lại chỉ số đường huyết hàng ngày, thực phẩm tiêu thụ và chế độ sinh hoạt giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết. Từ đó, người tiểu đường có thể loại trừ các nhóm hoạt động, thức ăn làm tăng đường huyết và thay đổi kế hoạch quản lý bệnh.
  • Thay đổi lối sống: Nên tăng cường tập luyện thể lực 30 phút/ngày, 150 phút/tuần (đi bộ, chạy, bơi…). Tăng cường vận động trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì cần tuân theo hướng dẫn của bác sỹ về luyện tập thể lực. Người hút thuốc nên bỏ thuốc, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, học cách quản lý căng thẳng...

 

Tập thể dục giúp duy trì cân nặng phù hợp.

Tập thể dục giúp duy trì cân nặng phù hợp.

 

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Với người bệnh tiểu đường, một chế độ ăn uống phù hợp rất quan trọng để tránh bị tăng hoặc hạ lượng đường trong máu đột ngột. Một số điều bạn cần lưu ý là: Hạn chế thực phẩm giàu đường và tinh bột, ăn nhiều rau, quả, thay tinh bột tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Bạn nên đặt ra tổng lượng calo được phép tiêu thụ mỗi ngày và cân đối các loại thực phẩm.
  • Cần chú ý làm giảm cân nếu có béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm năng lượng (calo). Ở người không thừa cân hoặc béo phì, không nên ăn kiêng thái quá.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, lo lắng thái quá.

   Bệnh lý tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, bạn không nên chủ quan, nên tiến hành tầm soát sớm bệnh tiểu đường nếu đang có các yếu tố nguy cơ hoặc có các dấu hiệu cảnh báo. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222