Mục lục [Ẩn]
Hơi thở có mùi là “nỗi niềm khó nói” của nhiều người, khiến họ mất tự tin trong giao tiếp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả sinh hoạt và công việc của họ. Ngoài các biện pháp như súc miệng, xịt miệng, nhai kẹo cao su,.. thì một nghiên cứu mới gần đây đã chỉ ra lợi khuẩn trong các thực phẩm lên men cũng giúp trị hôi miệng. Để tìm hiểu kỹ hơn, mời bạn đọc theo dõi bài viết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích nguyên nhân gây hôi miệng, nghiên cứu tác dụng của lợi khuẩn trong thực phẩm lên men và đưa ra một số giải pháp cho người bị hôi miệng.
Nghiên cứu chỉ ra lợi khuẩn trong các thực phẩm lên men giúp trị hôi miệng.
Cơ chế gây hôi miệng
Các chuyên gia giải thích cơ chế chính tạo thành mùi hôi trong miệng như sau:
Khoang miệng chúng ta “tràn ngập vi khuẩn”, trong đó có cả vi khuẩn có lợi và không có lợi, chúng tạo thành hệ vi sinh khoang miệng. Trong điều kiện bình thường, hệ vi sinh vật này ở một trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, một vài lối sống không lành mạnh sẽ phá vỡ sự cân bằng mong manh giữa vi sinh vật có lợi và có hại, thường tạo cơ hội phát triển cho các vi sinh vật có hại “gây mùi”. Trong đó có Fusobacterium nucleatum là một chủng vi khuẩn bài tiết một lượng lớn hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), đây được cho là hợp chất chính gây mùi cho hơi thở. Khoảng 90% VSC được tìm thấy trong hơi thở là hydro- hoặc dimethyl-sulphide, có mùi tương ứng như trứng thối và rong biển thối.
Một số nguyên nhân làm suy giảm các chủng vi sinh vật có lợi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển:
- Khoang miệng không được vệ sinh sạch sẽ: các mảng bám thức ăn cộng với môi trường nóng ẩm trong khoang miệng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Việc sử dụng thuốc kháng sinh và một số loại dược phẩm khác, chẳng hạn như thuốc steroid.
- Hút thuốc lá điện tử.
- Bệnh nhân bị tiểu đường (bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bệnh nhân bị loạn khuẩn trong miệng)
- …
Mặc dù phần lớn nguyên nhân gây hôi miệng là do hệ vi sinh vật trong khoang miệng gây ra, nhưng rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột cũng tạo thành hôi miệng. Cũng giống như cách mà vi sinh vật có hại trong khoang miệng tạo ra mùi khó chịu, các chủng vi khuẩn trong đại tràng cũng tạo ra khí có mùi hôi, khí metan hoặc lưu huỳnh. Các khí này được hấp thụ một phần vào máu và giải phóng ra ngoài qua phổi, tạo thành hơi thở có mùi.
Phần lớn nguyên nhân gây hôi miệng do hệ vi sinh vật trong khoang miệng gây ra.
Từ những cơ chế trên, ta có thể thấy một chìa khóa trị hôi miệng nằm ở việc kiểm soát các vi khuẩn có hại tạo ra VSC. Bên cạnh những phương pháp vệ sinh răng miệng sạch sẽ như chải răng, súc miệng, cạo lưỡi, vệ sinh kẽ răng thì tác dụng của các vi sinh vật có lợi được bổ sung qua thực phẩm lên men hoặc men vi sinh cũng là một phương pháp đáng quan tâm.
Các nhà khoa học đã có những nghiên cứu để tìm hiểu tác dụng của men vi sinh trong điều trị hôi miệng, mời các bạn theo dõi trong phần tiếp theo của bài viết.
Nghiên cứu về khả năng giảm hôi miệng của lợi khuẩn từ thức ăn lên men hoặc men vi sinh.
Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH) năm 2020 cho thấy men vi sinh có tác dụng ngăn ngừa chứng hôi miệng, sâu răng và bệnh nướu răng.
Một nghiên cứu khác của Đại học Salamanca (Tây Ban Nha) năm 2022 về “ Vai trò của men vi sinh đối với hôi miệng có nguồn gốc từ khoang miệng” cũng khẳng định men vi sinh rất hữu ích trong việc giảm hôi miệng.
Trong một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng Quốc gia về bệnh răng miệng tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của bảy thử nghiệm lâm sàng kiểm tra tác động của men vi sinh đối với chứng hôi miệng. Trong tất cả các nghiên cứu, tổng cộng có 278 người được chỉ định ngẫu nhiên các loại thuốc giả dược hoặc chất bổ sung men vi sinh Lactobacillus salicylic, Lactobacillus reuteri, Streptococcus drops, hoặc Weissella cibaria để xem liệu các vi sinh vật có lợi có làm giảm chứng hôi miệng hay không.
Để định lượng mùi hôi của hơi thở, các nhà khoa học đã đo nồng độ VSC trong khoang miệng. Các nhà nghiên cứu cũng đo mùi hơi thở ở các khoảng cách khác nhau tính từ miệng và tìm kiếm màng trắng phủ trên lưỡi, thứ có thể góp phần gây hôi miệng.
Kết quả cho thấy: Những đối tượng dùng men vi sinh có hàm lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC) thấp hơn và kiểm tra trên cảm quan thì hơi thở của những đối tượng này cũng ít mùi hôi hơn.
Kết quả của nghiên cứu này cũng là bằng chứng cho thấy các lợi khuẩn được bổ sung từ men vi sinh hoặc thực phẩm lên men có tác dụng trong điều trị hôi miệng.
Các nhà nghiên cứu giải thích những vi sinh vật có lợi này giúp chống hôi miệng bằng cách làm chậm quá trình phân hủy axit amin và protein trong miệng, hạn chế các sản phẩm phụ gây mùi được tạo ra từ quá trình này.
Một số giải pháp cho người bị hôi miệng
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn phát triển: súc miệng, đánh răng, chải lưỡi, chải kẽ răng.
- Bổ sung thêm men vi sinh hoặc thêm các thực phẩm lên men có mùi thơm như sữa chua, bánh mì bột chua,…
- Thay đổi chế độ ăn uống của bạn: Hạn chế các loại thực phẩm như tỏi và hành tây để lại mùi khó chịu trong miệng của bạn.
- Điều trị bệnh nướu răng: Bệnh nướu răng có thể khiến nướu tách ra khỏi răng và tạo ra các túi là nơi thuận lợi vi khuẩn gây mùi tích tụ.
- Nhai kẹo cao su hoặc sử dụng xịt thơm miệng: tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp giúp giảm hôi miệng cấp tốc và tạm thời.
Bệnh nhân hôi miệng có thể bổ sung thêm lợi khuẩn từ các thực phẩm lên men như sữa chua.
Mong rằng bài viết này giúp các bạn đọc hiểu thêm về tác dụng của men vi sinh trong giảm bớt hôi miệng và các giải pháp cho người bị hôi miệng. Tuy nhiên, hôi miệng cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý như viêm phế quản, tiểu đường,… vì vậy, bạn nên đi khám nếu tình trạng hôi miệng kéo dài dù bạn đã vệ sinh răng miệng cẩn thận và thử hết các biện pháp khác. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.
XEM THÊM: