Mục lục [Ẩn]
Hầu hết mọi người đều có những lúc khó ngủ, nhưng nếu bạn thường xuyên ngủ không ngon giấc hoặc thức dậy trong một cảm giác mệt mỏi, rất có thể bạn đã bị rối loạn giấc ngủ. Dưới đây là 7 loại rối loạn giấc ngủ thường gặp bạn nên biết.
Rối loạn giấc ngủ khiến bạn ngủ không ngon giấc, thức dậy trong trạng thái mệt mỏi.
Rối loạn giấc ngủ là gì?
Theo các chuyên gia tại Cleveland Clinic ( Hoa Kỳ), rối loạn giấc ngủ là tình trạng chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ của bạn bị suy giảm, bạn không thể ngủ ngon giấc gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
Bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ, nếu:
- Bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
- Bạn cảm thấy mệt mỏi, khó tỉnh táo vào ban ngày.
- Thời gian đi ngủ không đều.
- Bạn thường có những hành vi bất thường làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Các rối loạn giấc ngủ khác nhau có những nguyên nhân và nguy cơ sức khỏe lâu dài khác nhau. Dưới đây là danh sách 7 rối loạn giấc ngủ phổ biến và cách điều trị.
7 rối loạn giấc ngủ phổ biến
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ ( Obstructive Sleep Apnea – OSA) là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ.
Biểu hiện lâm sàng của rối loạn này là các cơn ngưng thở từng lúc khi ngủ với thời gian khoảng 5 - 10 giây.
Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngáy to;
- Thở hổn hển trong khi ngủ;
- Khó ngủ, mất ngủ;
- Khô miệng sau khi ngủ dậy;
- Đau đầu, mệt mỏi vào buổi sáng;
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày;
Mất ngủ
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều biểu hiện khác nhau như khó đi vào giấc ngủ, thời lượng giấc ngủ ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, khi ngủ dễ giật mình, thường xuyên thức giấc giữa đêm và khó quay lại giấc ngủ. Nếu bạn xuất hiện bất kỳ dù chỉ một trong số các dấu hiệu vừa kể trên thì cũng đều được coi là mất ngủ.
Mất ngủ xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể kể đến như: tuổi tác, stress, thói quen sử dụng chất kích thích, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, do bệnh tật, lối sống thiếu khoa học.
Mất ngủ là yếu tố gây ra nhiều bệnh mãn tính
Mất ngủ mãn tính gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như:
- Gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Trầm cảm.
- Tăng nguy cơ ung thư.
- Các vấn đề về nhận thức như Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác.
- Suy giảm chức năng miễn dịch.
- Gây ra các vấn đề về đường ruột.
Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ trong đó chu kỳ thức - ngủ của người bệnh bị rối loạn. Người bệnh bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày và giấc ngủ có thể đến bất cứ lúc nào. Chứng ngủ rũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Những người mắc chứng ngủ rũ thường có nồng độ hypocretin ( một chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể tỉnh táo) thấp.
Chứng ngủ rũ là một rối loạn mãn tính chưa có cách chữa, tuy nhiên bạn có thể thay đổi lối sống để giúp quản lý các triệu chứng.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là một rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi những la hét, sợ hãi tột độ ập tới khi đang ngủ.
Rối loạn giấc ngủ này thường đến ở nửa đầu buổi đêm và hiếm khi xảy ra khi ngủ trưa.
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome - RLS) gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái ở chân và bạn không thể cưỡng lại ý muốn di chuyển. Các triệu chứng thường xảy ra vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối và thường nghiêm trọng nhất vào ban đêm khi người bệnh đang nghỉ ngơi, chẳng hạn như ngồi hoặc nằm trên giường.
Hội chứng chân không yên khiến bạn cảm giác chân không thoải mái và muốn di chuyển.
Chứng tê liệt khi ngủ
Chứng tê liệt khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ trong đó một người bị đánh thức khỏi giấc ngủ nhưng không thể di chuyển, thường đi kèm với ảo giác, ác mộng hoặc thậm chí cảm giác bị đè nặng ở trên ngực. Một số người bị tê liệt khi ngủ nói rằng họ nhìn thấy một sinh vật siêu nhiên nào đó hoặc ai đó đột nhập vào phòng ngủ của họ ( dân gian thường gọi là bóng đè).
Một người mắc chứng ngủ rũ hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ rất dễ mắc thêm chứng tê liệt khi ngủ.
Mộng du
Bệnh mộng du trong khoa học được gọi là somnambulism, được xếp vào nhóm các rối loạn giấc ngủ. Người mắc bệnh có thể làm nhiều việc khi đang ngủ như: mặc quần áo, nói chuyện, lái xe, ăn uống,...
Cơn mộng du thường xuất hiện trong khoảng từ 1 - 2 giờ sau khi người bệnh ngủ, trung bình kéo dài 30 phút mỗi lần. Mặc dù làm việc, hành động giống như lúc tỉnh nhưng người mộng du có nét mặt trống rỗng, đôi mắt mở vô hồn. Người khác khi gặp người đang mộng du sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi.
Trên đây là 7 rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, để cải thiện các triệu chứng của những rối loạn này, bạn nên:
- Giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và thoải mái;
- Loại bỏ các thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ và tránh sử dụng gần giờ đi ngủ;
- Thực hành theo liệu pháp hành vi nhận thức CBT - i;
- Duy trì cân nặng hợp lý;
- Hạn chế uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về 7 rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất và một số cách để cải thiện chúng. Nếu bạn có những dấu hiệu và triệu chứng cho thấy bản thân đang mắc các rối loạn giấc ngủ, bạn nên tìm đến các chuyên gia y tế để được hỗ trợ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: