Mục lục [Ẩn]
Bạn có biết, bệnh tiểu đường dễ bị mỡ máu cao. Và khi bị tăng mỡ máu, bệnh nhân sẽ dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Để có thể khỏe mạnh khi sống chung với căn bệnh này, bạn nên theo dõi bài viết sau đây để biết cách giảm mỡ máu cho người bệnh tiểu đường hiệu quả. Đừng bỏ lỡ nhé!
Cách giảm mỡ máu cho người tiểu đường hiệu quả, an toàn
Người bị tiểu đường dễ bị mỡ máu cao
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bệnh tiểu đường có thể gây ra một tình trạng được gọi là “rối loạn lipid máu do tiểu đường”. Cụ thể, nồng độ cholesterol tốt (HDL) bị giảm thấp trong khi đó mức cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính lại tăng cao.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật ở Hoa Kỳ, có khoảng 70- 90% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có rối loạn mỡ máu.
Các nghiên cứu đã tìm thấy cách mà bệnh tiểu đường tác động làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Đó là sự đề kháng insulin ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và tăng đường huyết có thể dẫn đến những thay đổi về lipoprotein huyết tương ở bệnh nhân tiểu đường, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất apoprotein (thành phần của lipoprotein) ở gan, điều hòa lipoprotein lipase (LPL), hoạt động của protein vận chuyển cholesteryl ester (CETP) và hoạt động ngoại biên của insulin đối với mỡ và cơ.
Ở người tiểu đường tuýp 2, tác dụng của insulin lên chuyển hóa mỡ tại các tế bào mỡ và tế bào cơ cũng giảm đi.
Ngoài ra, tiểu đường tuýp 2 và tăng mỡ máu cùng có chung 1 yếu tố nguy cơ đó là béo phì.
Người bệnh tiểu đường có mỡ máu cao dễ gặp biến chứng trên tim mạch
Người tiểu đường bị tăng mỡ máu nguy hiểm như thế nào?
Khi một người đồng thời bị tiểu đường và tăng mỡ máu thì nguy cơ gặp các biến cố trên tim mạch tăng lên 2-4 lần. Cụ thể đường huyết tăng cao làm thúc đẩy quá trình hình thành mảng xơ vữa do:
- Đường huyết tăng cao kèm mỡ máu cao sẽ tăng nguy cơ gây tổn thương và viêm thành mạch. Nếu mỡ máu cao thường xuyên, các chất này sẽ lắng đọng trong các thành mạch, gây tổn thương cho nội mạc mạch máu, lâu dần tiến triển gây viêm tắc động mạch và tĩnh mạch.
- Khi đường huyết tăng cao thì độ nhớt của máu cũng tăng lên. Điều này làm thúc đẩy quá trình lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ vào thành mạch diễn ra nhanh hơn.
Các mảng xơ vữa lớn dần sẽ làm hẹp hoặc tắc mạch máu. Hậu quả là, người bệnh có nguy cơ cao gặp các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân tiểu đường có kèm theo tình trạng mỡ máu cao sẽ:
- Tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ từ 2-6 lần.
- Tăng nguy cơ bị tổn thương mạch máu gấp 10 lần so với bệnh nhân đái tháo đường thông thường.
Người bệnh tiểu đường có mỡ máu cao cũng có nguy cơ gặp các biến chứng mạch máu nhỏ (suy thận, mù lòa, loét chân) cao hơn so với người có các chỉ số mỡ máu bình thường.
Bởi vậy, để có thể yên tâm sống khỏe, phòng ngừa biến chứng trên mạch máu của bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần đồng thời kiểm soát tốt cả đường huyết và mỡ máu.
Cách hạ và ổn định đường huyết
Để hạ đường huyết về mức an toàn và giữ ổn định, không để nồng độ đường trong máu lên xuống thất thường, bạn cần kết hợp đồng thời 4 biện pháp sau đây:
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
- Hạn chế ăn thực phẩm giàu đường và tinh bột. Khi lựa chọn thực phẩm, bạn nên ưu tiên ăn những loại chỉ số đường huyết (GI) thấp và trung bình.
- Kiêng rượu bia.
- Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, ăn rau xanh và trái cây ít ngọt.
- Ăn các loại thịt trắng (cá, thịt gà bỏ da), đậu phụ để bổ sung protein cho cơ thể.
- Tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
- Sử dụng thêm các sản phẩm có thảo dược giúp hạ đường huyết như dây thìa canh, mướp đắng, hạt methi và các nguyên tố vi lượng như kẽm, magie, selen, crom để hỗ trợ hạ và ổn định đường huyết. Các sản phẩm có chứa các chất chống oxy hóa mạnh, đã được chứng minh có lợi trong việc bảo vệ thành mạch và dây thần kinh ở người tiểu đường như acid alpha lipoic, acid folic cũng là lựa chọn tốt cho bạn.
Người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn khoa học
Cách hạ mỡ máu hiệu quả cho người bệnh tiểu đường
Người bệnh tiểu đường bị mỡ máu cao cần:
- Giảm cân nếu đang bị béo phì hoặc thừa cân.
- Có chế độ ăn lành mạnh:
- Tăng cường ăn rau xanh.
- Giảm chất béo bão hòa bằng cách hạn chế các thực phẩm như: Thịt đỏ, nội tạng động vật, da gà, da vịt,...
- Loại bỏ chất béo chuyển hóa: Người bệnh không nên sử dụng bơ thực vật, bánh quy… để giảm cung cấp lượng chất béo xấu này cho cơ thể.
- Bổ sung các chất béo lành mạnh, tốt cho cơ thể từ quả hạt như óc chó, hạnh nhân hay các loại cá hồi, cá thu, cá trích.
- Tăng cường tập thể dục, thư giãn tinh thần và ngủ đủ giấc.
- Bỏ thuốc lá nếu đang hút bởi thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân có mỡ máu cao.
- Kiểm tra mỡ máu định kỳ.
- Dùng thuốc theo chỉ định (nếu có). Thông thường, các loại thuốc giảm mỡ máu sẽ gây nhiều tác dụng phụ. Hơn thế nữa, bệnh nhân tiểu đường đã phải dùng nhiều thuốc tây y, khi kết hợp các thuốc giảm mỡ máu sẽ gây hại gan, suy giảm chức năng thận của người bệnh. Vì vậy, bác sĩ thường ưu tiên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như điều chỉnh ăn uống, giảm cân và dùng thảo dược. Nếu các biện pháp đó thất bại hoặc trong trường hợp nặng thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc.
Như vậy, người bệnh tiểu đường nếu có kèm theo tình trạng tăng mỡ máu sẽ rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, từ bây giờ, hãy áp dụng đồng thời các phương pháp giúp hạ và ổn định đường huyết, giảm mỡ máu như hướng dẫn ở trên nhé!
XEM THÊM:
- Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gặp
- Men gan là gì? Tìm hiểu ý nghĩa các chỉ số men gan thường gặp