Mục lục [Ẩn]
Viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý khá phổ biến ở nam giới, đặc biệt là nam giới trên 50 tuổi. Đây là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được kịp thời phát hiện, nó sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vậy viêm tuyến tiền liệt là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu các thông tin cần thiết về bệnh này qua bài viết sau!
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan quan trọng của hệ sinh dục nam giới, nằm phía trước trực tràng, ngay dưới bàng quang và bao quanh ống niệu đạo, phía trước vùng xương mu. Tuyến tiền liệt có vai trò tiết ra dịch trong tinh dịch và hỗ trợ phóng tinh ở nam giới.
Vị trí tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt ở nam giới bị nhiễm trùng gây viêm. Tác nhân gây viêm có thể do vi khuẩn hoặc không phải do vi khuẩn.
Viêm tuyến tiền liệt được chia thành 4 thể bệnh là:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp.
- Viêm tuyến tiền liệt mạn do vi khuẩn.
- Viêm tuyến tiền liệt mạn không do vi khuẩn (hay còn gọi là Hội chứng đau vùng chậu mạn tính - CPPS).
- Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng (viêm tuyến tiền liệt trên giải phẫu bệnh).
Bệnh viêm tuyến tiền liệt thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi và những người đã bị phì đại tuyến tiền liệt.
Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn thường là do các bệnh lý viêm đường sinh dục - tiết niệu như:
- Viêm niệu đạo.
- Viêm mào tinh hoàn hay các vị trí lân cận.
Hiện tượng nhiễm trùng ngược dòng từ bộ phận khác và trào ngược nước tiểu bị nhiễm trùng vào tuyến tiền liệt sẽ rất dễ dẫn đến căn bệnh này.
Hầu hết các vi khuẩn gây nhiễm trùng tuyến tiền liệt đều là vi khuẩn Gram (-) như E.coli, nhóm Pseudomonas, Chlamydia, lậu, giang mai... Tuy nhiên, một số ít vi khuẩn Gram (+) cũng gây ra bệnh này.
Vi khuẩn E.Coli là một nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn
Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể bị viêm tuyến tiền liệt do các nguyên nhân sau:
- Do phản ứng của hệ miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.
- Do bị tổn thương sau thủ thuật: Người bệnh bị viêm do các thủ thuật có liên quan đến niệu đạo, sau sinh thiết tuyến tiền liệt,....
- Do chấn thương vùng chậu: Sau khi chơi thể thao, vận động mạnh, lao động,...
- Đôi khi, bệnh nhân có thể bị viêm tuyến tiền liệt không do nguyên nhân cụ thể nào.
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt khác nhau tùy thuộc vào thể bệnh như sau:
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
- Khởi phát đột ngột với các dấu hiệu nhiễm trùng nặng: Sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, ói mửa.
- Thăm khám trực tràng thấy tuyến tiền liệt to, căng đầy, thường rất đau khi khám, có thể phát hiện áp xe tuyến tiền liệt khi khám trực tràng.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn
Nhìn chung, các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính cũng giống với trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính, tái phát nhiều lần. Ngoài ra, người bệnh còn có một số biểu hiện khác như:
- Có cảm giác đau và khó chịu ở bụng dưới, lan ra vùng dưới thắt lưng, tinh hoàn, đi tiểu nhiều lần.
- Nước tiểu đục màu có thể có lẫn máu.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn/ Hội chứng đau vùng chậu mạn tính
Trong trường hợp này, bệnh nhân có những triệu chứng sau:
- Cơn đau kéo dài hơn 3 tháng ở những bộ phận: Bìu, dương vật, bụng dưới, giữa bìu và trực tràng.
- Bệnh nhân đau khi đi tiểu, xuất tinh, tiểu tiện không tự chủ, dòng nước tiểu yếu.
Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng
Với viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng, người bệnh thường không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi tình cờ phát hiện trong lúc thăm khám các bệnh khác.
Điều trị viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
- Đây là tình trạng nhiễm trùng nặng, cấp tính, có nguy cơ gây nhiễm trùng huyết. Do đó, để điều trị bệnh bắt buộc phải sử dụng kháng sinh. Kháng sinh đầu tay của các bác sĩ trong trường hợp này là nhóm Fluoroquinolon (Ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin, levofloxacin) kết hợp với Cephalosporin thế hệ 3 (Cefotaxim, ceftriaxone, cefoperazone).
- Để chuyển lưu nước tiểu, bác sĩ có thể sử dụng ống thông nhỏ hoặc mở bàng quang tạm thời.
- Dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành rạch áp xe tuyến tiền liệt.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn
Bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh kéo dài ít nhất 4 tuần.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn
Bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt thể này thường được các bác sĩ điều trị kết hợp bằng những nhóm thuốc sau:
- Nhóm thuốc chẹn alpha là những thuốc giúp thư giãn cổ bàng quang và các sợi cơ, nơi tuyến tiền liệt áp sát bàng quang. Điều này có thể làm giảm triệu chứng, chẳng hạn như đi tiểu đau. Các thuốc chẹn Alpha bao gồm alfuzosin (Uroxatral) và doxazosin (Cardura). Tác dụng phụ thường gặp của chúng bao gồm đau đầu và giảm huyết áp.
- Thuốc giảm đau.
Cách phòng bệnh viêm tuyến tiền liệt
Các biện pháp giúp phòng bệnh viêm tuyến tiền liệt mà bạn nên áp dụng là:
- Quan hệ tình dục an toàn, một vợ một chồng.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước, sau khi quan hệ tình dục và hàng ngày.
- Uống nhiều nước (từ 2-3 lít mỗi ngày)
- Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu.
- Tránh thức ăn cay nóng, rượu bia, chất kích thích…
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao phù hợp, ăn nhiều rau xanh.
- Hạn chế ngồi lâu, tránh chơi các môn thể thao gây áp lực lên tuyến tiền liệt.
Nam giới nên uống nhiều nước để phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là một trong những bệnh lý thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh thuộc về bộ phận nhạy cảm nên nhiều người thường hay e ngại không đi khám, dẫn đến biến chứng phức tạp. Vì thế, khi có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, người bệnh nên thăm khám càng sớm càng tốt.
XEM THÊM:
- Mối liên hệ giữa tăng insulin và bệnh phì đại tuyến tiền liệt
- Tìm hiểu về hội chứng ngưng thở khi ngủ