Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Nước lụt dễ mang nhiều mầm bệnh và cách xử trí

Thứ tư, 18-09-2024 15:49 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Nhiều đợt mưa lớn đang đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc gây lũ lụt nghiêm trọng. Lũ lụt tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, nhất là lúc mọi người đã quá mệt mỏi về thể chất và tinh thần khắc phục hậu quả ngập nước kéo dài. Vậy lũ lụt gây ra những rủi ro sức khỏe nào, làm thế nào để xử trí nước không đạt vệ sinh, mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

Người dân chật vật với nước nhiễm bẩn sau lũ lụt.

Người dân chật vật với nước nhiễm bẩn sau lũ lụt.

 

Rủi ro sức khỏe do nước trong lũ lụt không đạt vệ sinh

   Nước lụt có thể dẫn đến các rủi ro sức khỏe sau:

Dễ lây lan bệnh lý hô hấp trong bão lũ khi trú ẩn đông người

   Ô nhiễm từ nước lũ và nấm mốc phát triển nhanh chóng trong môi trường ẩm ướt có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn hoặc gây dị ứng đường hô hấp. Mà trong lũ lụt, mọi người ở cùng nhau trong những nơi trú ẩn với các nhóm người đông, nên dễ dàng lây lan mầm bệnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý hô hấp lây lan.

Các bệnh về da do mưa lũ

   Nước ở vùng lũ lụt thường bị ô nhiễm bởi nước thải, hóa chất và có thể chứa đựng các vật sắc nhọn làm bằng kim loại hoặc thủy tinh. Nước thải có thể gây ra viêm da hoặc phát ban trên các bộ phận của cơ thể khi bị ngập trong nước lụt với thời gian dài , đặc biệt là các vùng da của chân và bàn chân.

   Bạn nên mang ủng cao su và găng tay khi dọn dẹp nhà cửa, nếu đang có vết thương sẵn ở da, bạn hãy thực hiện các bước sau để bảo vệ bản thân và gia đình của bạn:

  • Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở.
  • Giữ vết thương hở càng sạch càng tốt bằng cách rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
  • Che sạch vết thương bằng băng không thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Đi khám ngay lập tức nếu vết thương đỏ, sưng, rỉ dịch hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sốt, tăng đau, khó thở, nhịp tim nhanh.

Thương tích trong mưa lũ

 Nguy cơ thương tích trong và sau một đợt mưa lũ là rất cao. Các mối nguy hiểm do chất hóa chất và vật sắt nhọn: Sắt, thủy tinh, gỗ,… có thể gây thương tích trầm trọng. Nếu nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết gây sốt, đau, khó thở, nhịp tim nhanh.

   Nếu bị thương tích trong mưa lũ, bạn hãy làm theo các bước sau

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
  • Hãy sử dụng găng tay cao su dùng một lần, tránh chạm vào vết thương bằng ngón tay
  • Loại bỏ đồ trang sức và quần áo khỏi phần cơ thể bị thương.
  • Băng ép trực tiếp băng vô trùng cho bất kỳ vết thương chảy máu nào để làm ngừng chảy máu.
  • Rửa vết thương, loại trừ bụi bẩn và vật lạ khỏi vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối khi đã dừng chảy máu.
  • Lau khô và dán băng dính hoặc vải sạch khô.
  • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Rủi ro sức khỏe do nước đọng

   Nước đọng là môi trường thuận lợi để gia tăng nguy cơ nhiễm một số căn bệnh do muỗi đốt như sốt xuất huyết. Muỗi mang mầm bệnh phát triển mạnh trong nước đọng và sinh sản nhanh chóng.

   Vì vậy,  những người sinh sống gần nước đọng nên cẩn thận hơn trong vấn đề phòng bệnh do muỗi đốt sau lũ lụt.

 

Chuyên gia hướng dẫn xử lý nước sạch sử dụng cho sinh hoạt sau bão, lũ

   Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra có thể sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản sau đây để làm trong nước và khử trùng nước.

Làm trong nước

Các bước làm trong nước bằng phèn chua:

  • Sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước.
  • Hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết.
  • Đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều.
  • Chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
  • Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Khử trùng nước

Các hóa chất mà người dân có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng là:

  • Bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước.
  • Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước.
  • Hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.

   Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách:

  • Múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết.
  • Sau đó tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều.
  • Sau đó múc nước giếng dội lên thành giếng để khử trùng.
  • Để nước giếng trong khoảng 30 phút, sau đó có thể múc lên sử dụng được.

   Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần phải cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

   Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

   Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau:

  • Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc.
  • Khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi.
  • Đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống.

  Theo Cục Quản lý Môi trường y tế: nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

 

 

   Trên đây là một số rủi ro sức khỏe và cách người dân nên xử lý nước sinh hoạt. Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222