Mục lục [Ẩn]
Cúm là bệnh đường hô hấp phổ biến ở nước ta, thường tự khỏi sau 4-7 ngày mà không cần điều trị hoặc chỉ cần sử dụng thuốc không kê đơn. Những người khỏe mạnh thường chỉ mắc cúm ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều người nguy kịch do mắc cúm B, trong đó có cả những người khỏe mạnh.
Nhiều người khỏe mạnh vẫn nguy kịch do cúm.
Người khỏe mạnh vẫn nguy kịch do cúm
Bệnh cúm là bệnh đường hô hấp phổ biến, thường tự khỏi sau 4 -7 ngày mà không cần điều trị hoặc chỉ cần sử dụng thuốc không kê đơn để điều trị triệu chứng. Ở nhóm người khỏe mạnh (không có bệnh nền, không bị suy giảm miễn dịch hoặc không có tiền sử mắc các bệnh nghiêm trọng) thì thường chỉ mắc cúm ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp cúm gây viêm phổi, suy hô hấp ở nhóm khỏe mạnh.
Ngày 15-5, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng. Đáng chú ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh, trong đó có 2 người ở lứa tuổi 30 và 40 tuổi, sức đề kháng tốt và không mắc bệnh nền. Khi mắc cúm, bệnh diễn biến nhanh chóng, gây viêm phổi, suy hô hấp. Hai bệnh nhân phải điều trị tích cực, can thiệp ECMO (phương pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể).
Trước đó, vào hồi tháng 3, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân nam 27 tuổi, sốt cao, khi nhập viện đã gặp biến chứng cúm dẫn tới suy tim, đe dọa tính mạng.
Tại sao bệnh cúm có nguy cơ trở nặng?
Theo các chuyên gia, lý do bệnh cúm trở nặng vì virus tấn công vào đường hô hấp dưới, làm tăng nguy cơ biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp.
Một số người có cơ địa mẫn cảm, khi nhiễm cúm thì gặp phản ứng viêm quá mức, gọi là "cơn bão cytokine". Tức là, hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng một lượng lớn cytokine gây viêm, tổn thương mô và dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trong trường hợp cúm nặng, tình trạng này có thể gây tổn thương phổi, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, virus cúm sử dụng một thành phần kháng nguyên gọi là hemagglutinin để liên kết và lây nhiễm vào tế bào đường hô hấp, trong đó có các thụ thể ở đường hô hấp dưới, bao gồm túi khí nhỏ (phế nang). Các phế nang khi bị nhiễm trùng làm ảnh hưởng khả năng cung cấp oxy cho phổi, cơ thể, khiến bệnh cúm dễ trở nặng.
Ngoài ra, bệnh cúm trở nặng ở người khỏe mạnh còn đến từ thói quen xấu của người mắc. Nhiều bệnh nhân chủ quan phòng bệnh, khi mắc cúm không thực hiện các biện pháp chăm sóc cơ thể như ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi. Thay vào đó, họ tiếp tục hoạt động ở nơi đông người, làm việc quá sức, tắm nước lạnh, không uống thuốc khi bị sốt. Rất nhiều người còn có thói quen tự mua thuốc kháng sinh, kháng virus về uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng, không đủ liều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bên cạnh đó, những người không có bệnh nền nhưng thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, cũng tăng nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc cúm. Riêng người sử dụng thuốc lá có khả năng mắc cúm cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Để phòng bệnh cúm và ngăn cho bệnh trở nặng, các chuyên gia khuyến cáo:
- Không tiếp xúc người có triệu chứng cúm.
- Giữ vệ sinh cá nhân đặc biệt ở bàn tay và vùng đầu, mặt, cổ.
- Đeo khẩu trang; giữ khoảng cách khi đến nơi đông người. Miễn dịch phòng bệnh sẽ tăng lên thông qua tiêm phòng, luyện tập thể thao, ăn uống đủ dưỡng chất.
- Khi có biểu hiện bệnh như sốt cao, khó thở, không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh cúm thường nhẹ và tự khỏi nên nhiều người có xu hướng chủ quan. Tuy nhiên, bệnh có thể khiến người bệnh gặp biến chứng nặng nếu cơ địa nhạy cảm, điều trị sai cách, sinh hoạt kém lành mạnh. Vì vậy, khi gặp phải các triệu chứng trong bài, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: