Mục lục [Ẩn]
Trước đây, bệnh Alzheimer chỉ được phát hiện khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng như suy giảm trí nhớ, khó tập trung,…. Từ đầu những năm 2000, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xét nghiệm như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) não và xét nghiệm dịch não tủy (CSF) đã hỗ trợ chẩn đoán Alzheimer giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các phương pháp này khá đắt đỏ, phải xâm lấn và không phải ở đâu cũng có. Những nghiên cứu mới đây đã tạo ra một bước đột phá mới trong chẩn đoán Alzheimer – một phương pháp chẩn đoán khác an toàn hơn, ít xâm lấn hơn: khám mắt.
Trong tương lai, bệnh Alzheimer có thể được các bác sĩ phát hiện qua việc khám mắt.
Mối liên hệ giữa võng mạc và não bộ
Đôi mắt là cửa sổ của não, mối liên hệ giữa võng mạc và não bộ đã được các nhà nghiên cứu nắm rõ.
Trong quá trình phát triển của phôi thai, một phần của bộ não vẫn đang phát triển tách ra để tạo thành võng mạc - một mảnh mô ở phía sau mắt. Điều này làm cho võng mạc trở thành một phần của hệ thống thần kinh trung ương, được tạo thành từ các lớp mô thần kinh cảm nhận ánh sáng kết nối mắt và não.
Không giống như não hay tủy sống, võng mạc có thể được khám trực tiếp mà không cần xâm lấn, vì vậy võng mạc là mục tiêu nghiên cứu lý tưởng của các nhà khoa học. Theo Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ, nghiên cứu võng mạc giúp các chuyên gia tìm hiểu được phần lớn về não bộ.
Đặc biệt, Giám đốc khoa học tại Hiệp hội Alzheimer – tiến sĩ Percy Griffin cho biết, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra cách sử dụng công nghệ hình ảnh trong nhãn khoa để đo các dấu hiệu của bệnh Alzheimer trong mắt chúng ta.
Võng mạc con người tiết lộ các dấu hiệu Alzheimer.
Các nghiên cứu về dấu hiệu trên mắt ở bệnh Alzheimer
Trong một nghiên cứu sàng lọc để tìm kiếm dấu hiệu của beta – amyloid ( một loại peptide tích tụ thành các mảng gây hại trong não của những người mắc bệnh Alzheimer), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mảnh protein này tích tụ trong võng mạc, và họ đã có những bằng chứng cho thấy chúng đã xuất hiện trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng Alzheimer.
Vào năm 2014, 2 chuyên gia Robert Vince và Swati More thuộc Trung tâm Thiết kế Thuốc tại Đại học Minnesota lần đầu tiên mô tả phương pháp chụp ảnh siêu phổ (chụp ảnh ở nhiều bước sóng ánh sáng khác nhau) để xác định các cụm beta – amyloid trong võng mạc chuột. Kể từ lần đầu tiên báo cáo những phát hiện đó, hai nhà khoa học và các đồng nghiệp của họ đã phát hiện các cụm beta – amyloid cũng là những dấu hiệu phát hiện Alzheimer sớm trên mắt người.
Họ đã cấp phép sử dụng kỹ thuật này cho Công ty hình ảnh y tế Retispec của Canada, để kết hợp kỹ thuật này với một thuật toán học máy tính để có thể xác định chính xác các khối amyloid trong hình ảnh siêu phổ. Các nhà nghiên cứu trên khắp Bắc Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của kỹ thuật này.
Một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên 108 người tham gia có nguy cơ hoặc đã mắc Alzheimer. Sau khi so sánh các xét nghiệm sàng lọc võng mạc với các kết quả PET và CSF, các nhà nghiên cứu nhận thấy kỹ thuật này đã xác định chính xác những người có amyloid não chỉ trong 86% thời gian và loại trừ chính xác những người không có amyloid trong 80% thời gian. Đây là các kết quả vô cùng hứa hẹn để triển khai công nghệ này như một phương pháp chính thức trong tương lai.
Để nghiên cứu rõ ràng hơn về các dấu hiệu bệnh lý của Alzheimer trong võng mạc, các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế Cedars – Sinai ở Los Angeles đã tiến hành một cuộc nghiên cứu lớn nhất và toàn diện nhất. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Acta Neuropathologica (thuộc Viện Quốc gia về Lão hóa của NIH - Hoa Kỳ) vào đầu năm 2023. Trong nghiên cứu này, họ đã dẫn đầu thu thập các mẫu não và võng mạc từ 86 người hiến tạng trong thời gian 14 năm. Bằng cách so sánh các mô từ mẫu của các đối tượng mắc bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) với các mô từ mẫu của những người hiến tạng có nhận thức bình thường, các nhà nghiên cứu đã xác định các dấu hiệu chính có thể chỉ ra sự khởi phát của Alzheimer.
Bệnh nhân mắc Alzheimer và suy giảm nhận thức nhẹ có số lượng tế bào hình sao (có chức năng sửa chữa sau khi não bị tổn thương) và microglia (tế bào miễn dịch ở não) cao hơn, các tế bào miễn dịch này bao quanh các mảng beta amyloid. Họ cũng nhận thấy chỉ có ít hơn 80% các tế bào miễn dịch này loại bỏ beta amyloid ra khỏi võng mạc và não, là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của các bệnh nhân này không hoạt động bình thường.
Não bệnh nhân mắc Alzheimer có số lượng tế bào microglia cao hơn người bình thường.
Các nhà khoa học quan sát thấy sự tích tụ beta amyloid khác nhau trong từng phần của võng mạc. Trong đó các protein này tích tụ nhiều nhất tại các lớp bên trong và các tiểu vùng ngoại vi võng mạc, đây cũng là vùng thể hiện các dấu hiệu khác của bệnh sa sút trí tuệ rõ ràng nhất. Sự khác nhau về võng mạc tương quan chính xác với các giai đoạn bệnh lý của bệnh nhân và tình trạng nhận thức của bệnh nhân. Điều này thể hiện nó có khả năng là một yếu tố dự báo sớm nguy cơ mắc Alzheimer trong tương lai.
Theo Koronyo-Hamaoui, giáo sư về Phẫu thuật Thần kinh, Thần kinh học và Khoa học Y sinh tại Cedars-Sinai và là tác giả chính của nghiên cứu, đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích chuyên sâu về cấu hình protein và các dấu hiệu của bệnh Alzheimer ở võng mạc người và sự tương ứng của các dấu hiệu ở võng mạc với chức năng nhận thức. Từ đó, các bác sĩ có thể theo dõi nguy cơ và cả tiến triển của bệnh Alzheimer.
Mong rằng bài viết này giúp bạn biết thêm những thông tin thú vị về các dấu hiệu của bệnh Alzheimer trong mắt. Tuy rằng các phương pháp chẩn đoán Alzheimer qua võng mạc chỉ mới đang được thực hiện và hoàn chỉnh qua các nghiên cứu, nhưng ta hoàn toàn được phép tin tưởng rằng, đây sẽ là một phương pháp vô cùng hữu ích trong tương lai để chẩn đoán sớm Alzheimer, giúp người bệnh sớm phát hiện và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: