Mục lục [Ẩn]
Đau họng là tình trạng đau và khó chịu ở vùng họng. Đây là một triệu chứng rất thường gặp trên mọi lứa tuổi khi mắc các bệnh như cảm lạnh thông thường, cảm cúm, dị ứng, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, khói thuốc, viêm nhiễm, hoặc do lạm dụng giọng nói. Vậy uống trà gì để chữa đau họng tại nhà? Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn!
Uống trà gì để chữa đau họng?
Đau họng do nguyên nhân gì gây ra?
Đau họng là tình trạng cổ họng bị đau, rát và có thể kèm nhiều triệu chứng khác. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau họng. Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng bao gồm:
- Cảm lạnh hoặc cúm, viêm họng: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Thông thường, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng khác như chảy mũi nước, hắt xì hơi, ho, sốt nhẹ và mệt mỏi.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, họng có thể bị kích ứng và đau. Đây là một trong những nguyên nhân gây đau họng thường bị bỏ qua nhất. Nếu người bệnh chỉ có duy nhất triệu chứng đau họng thì nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản cần được nghĩ tới. Bệnh nhân mắc chứng trào ngược thường biểu hiện ho khan, gặp vấn đề khi nuốt và cảm giác nghẹn ở vùng họng.
- Không khí khô: Không khí khô làm giảm độ ẩm từ miệng đến họng, gây ra cảm giác khô và ngứa ngáy. Người bệnh dễ bị đau họng do không khí khô trong những tháng mùa đông, khi có sử dụng máy sưởi.
- Dị ứng: Đây là nguyên nhân khiến họng đau mà nhiều người ít nghĩ tới. Nếu nghi ngờ đau họng do các tác nhân dị ứng, hắt xì hơi, chảy nước mũi có thể là các triệu chứng xuất hiện kèm theo. Chất nhầy từ niêm mạc mũi có thể được dẫn xuống vùng họng sau và gây kích ứng.
- Khói thuốc và hóa chất: Nhiều loại hoá chất khác nhau và những phân tử có trong môi trường bên ngoài có thể gây kích ứng họng, bao gồm: khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, các sản phẩm làm sạch hoặc các hoá chất tẩy rửa,...
Uống trà gì chữa đau họng?
Trà gừng mật ong
Theo Đông y, gừng tươi có vị cay thơm, tính ấm quy kinh phế, vị. Loại gia vị này có tác dụng phát tán phong hàn, ôn kinh thông dương, tiêu đờm chỉ khái. Do đó, trà gừng sẽ giúp bạn giảm nhanh cơn đau họng, đặc biệt là đau do viêm họng, ho do lạnh.
Bạn có thể dùng trà gừng với mật ong và chanh tươi hoặc với quế và cam thảo để vị ngon và dễ uống hơn.
Trà gừng mật ong giúp giảm đau họng.
Trà hoa cúc
Hoa cúc vị đắng nhẹ, tính mát tác dụng khu phong thanh nhiệt, giải độc. Nó thường được sử dụng trong các bệnh lý cảm mạo phong nhiệt, tăng huyết áp, đau đầu, đau mắt đỏ… Từ lâu, trà hoa cúc đã được sử dụng nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau.
Với người bị đau họng, trà hoa cúc giúp làm trơn cổ họng, tránh khàn giọng và giảm đau. Đặc tính chống viêm, giảm đau của hoa cúc giúp giảm đau, sưng và tấy đỏ họng.
Uống trà bạc hà
Theo y học cổ truyền, bạc hà vị cay, tính mát, có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giải uất.
Theo y học hiện đại, trong bạc hà có chứa tinh dầu bạc hà, có tác dụng gây cảm giác mát và tê tại chỗ. Nhờ đó, bạc hà làm tê nhẹ cổ họng, giúp giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, bạc hà cũng giúp sát trùng cổ họng.
Trà xanh
Trà xanh có khả năng chống viêm, kháng khuẩn nhờ chứa chất chống oxy hóa mạnh. Vì vậy mà việc uống trà xanh có thể giúp loại bỏ các chất độc và các gốc tự do gây hại ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, nước trà xanh giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm đau rát, khó chịu ở cổ họng.
Trà xanh chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau họng.
Lưu ý khi trị đau họng tại nhà
Ngoài việc bổ sung các thức uống kể trên, bạn nên lưu ý một số điều sau để cơn đau họng mau thuyên giảm:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm để giúp làm loãng chất nhầy và giữ ẩm cho cổ họng.
- Súc miệng, họng bằng nước muối ấm 3 lần một ngày nhằm sát khuẩn cổ họng.
- Hạn chế tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nếu phải tiếp xúc hãy sử dụng khẩu trang, đồ dùng bảo hộ cần thiết và đúng quy chuẩn.
- Tránh uống rượu, bia, thức uống có cồn vì chúng gây cảm giác đau nhói cổ họng và mất nước, không tốt khi bị đau họng.
Nếu triệu chứng đau họng kéo dài vài ngày và có đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, ho khan, đau nhức người… bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Uống trà gì để chữa đau họng?”. Tuy nhiên, tất cả các loại nước uống không phải là thuốc và không thể thay thế cho thuốc điều trị. Nếu tình trạng nghiêm trọng và không thuyên giảm, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được tìm đúng nguyên nhân gây đau họng và điều trị phù hợp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: