Mục lục [Ẩn]
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 9/3/2023, bảy triệu người có thể chết vì các bệnh liên quan đến việc ăn quá nhiều muối trước khi thập kỷ này kết thúc nếu các Chính phủ không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với muối. Cụ thể ăn quá nhiều muối gây ra các bệnh gì, làm sao để phòng tránh? Mời các bạn theo dõi bài viết sau đây.
Ăn quá nhiều muối gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tìm hiểu về muối và các tác hại của nó khi dùng quá nhiều
Muối, có thành phần chính là natri clorua (thường chứa 40% natri và 60% clorua) thường được dùng để tạo hương bị cho thực phẩm và được sử dụng làm các chất kết dính và ổn định trong thực phẩm. Ngoài ra, nó cũng là một chất bảo quản thực phẩm vì vi khuẩn không thể phát triển mạnh trong môi trường nhiều muối.
Cơ thể con người cần một lượng nhỏ natri để dẫn truyền các xung thần kinh, co bóp và thư giãn cơ bắp, đồng thời muối duy trì sự cân bằng của nước và các khoáng chất, giúp duy trì lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể.
Để duy trì được các chức năng quan trọng này của muối, người ta ước tính chúng ta cần khoảng 500mg natri mỗi ngày.
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều natri trong chế độ ăn uống dẫn đến một số nguy cơ về sức khỏe, cụ thể là:
- Bệnh tim mạch: Khi nồng độ natri tăng cao, cơ thể chúng ta sẽ giữ nước để pha loãng natri, làm tăng lượng chất lỏng xung quanh tế bào và thể tích máu. Thể tích máu tăng lên nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn và tạo nhiều áp lực hơn lên các mạch máu thời gian dài làm cứng các mạch máu, dẫn đến huyết áp cao, đau tim, suy tim và đột quỵ. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Harvard đã đánh giá dữ liệu từ 10,709 người trưởng thành. Họ phát hiện ra rằng, những người hấp thụ nhiều natri hơn có rủi ro mắc các bệnh tim mạch cao hơn, cứ 1000 mg (tức là 1g) natri niệu thừa ra mỗi ngày thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch lại tăng lên 18%. Theo WHO, ăn quá nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch - bệnh giết chết khoảng 17,9 triệu người mỗi năm. Nó cũng có thể dẫn đến đột quỵ, giết chết 5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.
- Bệnh thận mãn tính: Ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bạn phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Một đánh giá có hệ thống cho thấy việc ăn nhiều hơn 4,600 mg (4,6g) natri mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
- Loãng xương: Ăn mặn nhiều làm giảm khả năng xử lý canxi của thận, dẫn đến tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều muối làm tăng số lượng tế bào niêm mạc đường tiêu hóa bị chết, gây hiện tượng viêm và rò rỉ của lớp biểu mô đường tiêu hóa khiến đường tiêu hóa kém hấp thu các dưỡng chất, trong đó có canxi. Do giảm hấp thu canxi ở ruột và tăng thải canxi ở thận dẫn đến giảm canxi máu. Khi canxi máu bị giảm nhiều, canxi sẽ bị rút ra khỏi xương – gây ra bệnh loãng xương.
- Bệnh ung thư: Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều muối, natri hoặc các thực phẩm mặn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới đã kết luận muối – cũng như các loại thực phẩm mặn là một “nguyên nhân gây ung thư dạ dày”.
Con người bổ sung lượng muối dư thừa ở đâu?
Hầu hết mọi người trên thế giới đang bổ sung khoảng 10,8 gam muối mỗi ngày, nhiều hơn gấp đôi mức khuyến nghị của cả WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hai tổ chức này khuyến nghị người trưởng thành bổ sung không quá một thìa cà phê muối (tương đương 5 gram) mỗi ngày.
Hơn 70% lượng muối trong chế độ ăn đến từ thực phẩm chế biến sẵn.
Có phải bạn đang nghĩ lượng muối bạn bổ sung hàng ngày chủ yếu là lượng muối được nêm thêm vào mỗi bữa ăn tại nhà? Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), hơn 70% muối trong chế độ ăn uống đến của người Mỹ đến từ thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn, không phải từ lọ muối ở nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, các nguồn bổ sung natri hàng đầu trong chế độ ăn uống bao gồm bánh mì, thịt nguội, xúc xích, bánh pizza, gà tươi và gà đã qua chế biến, súp, sandwich, phô mai, món trứng và đồ ăn nhẹ mặn đóng gói. Nước sốt chế biến sẵn, nước sốt salad và nước thịt cũng có xu hướng chứa nhiều natri.
Đặc biệt, rất nhiều thực phẩm đóng gói không có vị mặn nhưng lại mang hàm lượng natri rất cao, ví dụ: nước ngọt, bánh quy, ngũ cốc ăn sáng,..
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã từng có kế hoạch thay đổi các quy tắc về dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói sẵn, các nhà sản xuất sẽ được yêu cầu phải tuân thủ chỉ được bổ sung một lượng natri trong một giới hạn cụ thể nào đó.
Nhưng đáp lại đó, Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng – đại diện cho 1.700 thương hiệu lớn không đồng ý, họ cho biết quy tắc được FDA đề xuất là quá hạn chế và yêu cầu tăng ngưỡng dinh dưỡng ở mức cao hơn với natri và đường bổ sung. Các nhãn hiệu cho rằng, việc ăn quá nhiều muối trong nhiều năm khiến vị giác con người trở nên rất nhạy cảm, nếu như giảm lượng muối trong các thực phẩm đóng gói sẵn, người tiêu dùng sẽ cảm thấy sản phẩm đó nhạt nhẽo và bớt ngon hơn. Các nhãn hiệu đều không muốn giảm lượng muối cho các sản phẩm của mình nếu đối thủ vẫn giữ nguyên lượng muối như cũ.
Làm thế nào để giảm lượng muối trong chế độ ăn của bạn
Tự nấu ăn tại nhà giúp bạn kiểm soát được lượng muối cho vào thức ăn.
Trước khi các tổ chức về sức khỏe đưa ra được những thay đổi trong thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên thực hiện các biện pháp sau đây để làm giảm lượng muối trong chế độ ăn, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân:
- Tự nấu ăn tại nhà: Thay vì ăn các thực phẩm chế biến sẵn và ăn tại các quán ăn, nhà hàng, bạn hãy tự chế biến thức ăn tại nhà với các nguyên liệu tươi. Nấu ăn với các nguyên liệu tươi chưa qua chế biến giúp bạn kiểm soát đường lượng muối thêm vào thức ăn của mình.
- Cắt giảm các thực phẩm chế biến sẵn hoặc các nguyên liệu nấu ăn đã chế biến: Bạn nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng chứa nhiều natri khiến bạn khó kiểm soát lượng muối bổ sung vào cơ thể. Khi sử dụng các loại thực phẩm này, bạn nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm và chọn sản phẩm chứa ít natri nhất có thể. Vị giác của con người không đủ nhạy cảm để nhận thấy lượng muối giảm nhẹ khoảng 30% và đối với nhiều loại thực phẩm, vì vậy giảm lượng muối tới 30% không làm mùi vị sản phẩm bị khác biệt quá nhiều.
- Ăn ít thức ăn mặn: Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn một loại thực ăn mặn nào đó nếu bạn yêu thích nó. Tuy vậy, bạn nên thưởng thức nó chỉ với một lượng nhỏ để hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể.
Mong rằng bài viết này giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác hại của việc bổ sung quá nhiều lượng muối trong chế độ ăn. Ăn quá nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh loãng xương và ung thư. Bạn nên tự nấu ăn tại nhà, hạn chế ăn những thực phẩm đóng gói sẵn để kiểm soát được lượng muối bổ sung vào cơ thể. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Cẩn trọng khi uống rượu bổ dương để tăng sinh lực chốn phòng the
- WHO cảnh báo: Nguy cơ bệnh bại liệt xâm nhập Việt Nam