Mục lục [Ẩn]
Thời gian qua, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước do mưa lớn. Mưa lớn gây ngập lụt đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm gây các bệnh truyền nhiễm cho mắt, trong đó viêm kết mạc (đau mắt đỏ) có thể thành dịch. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Đau mắt đỏ - bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ
Mưa lớn, lũ lụt trong thời gian qua ở miền Bắc cuốn trôi rất nhiều chất bẩn của môi trường. Nước ngập làm lắng đọng và hòa tan các chất độc hại, chất gây kích ứng và dị ứng... Vì thế, các bệnh lý liên quan đến nước bẩn trong đó có bệnh mắt sẽ dễ dàng bùng phát trong lũ và sau lũ 10 ngày.
Theo các chuyên gia, môi trường vùng nước ngập hay trong bão lũ có độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30oC, đây là điều kiện thuận khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn. Trong khi đó, nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất.
Theo dự đoán của chuyên gia, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) và đau mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, mưa lụt có thể gây bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng mang tên Toxoplasma Gondii - rất dễ lây truyền qua nước bẩn. Nhóm dễ mắc các bệnh mắt là trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi. Bệnh rất dễ lây, có thể thành dịch lớn. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn cần kết hợp cả vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường.
Đau mắt đỏ là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ là tình trạng bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, có thể gặp ở cả người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian ngắn đau mắt đỏ có khả năng bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.
Đây là bệnh cấp tính, gây ra các triệu chứng rầm rộ nhưng thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ:
- Đỏ một hoặc cả hai mắt.
- Ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác cộm như có sạn ở trong mắt.
- Mắt tiết nhiều ghèn, rỉ dịch; chảy nước mắt;
- Mí mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
Bệnh đau mắt đỏ thường ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lại các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực như viêm giác mạc, loét giác mạc.
Minh họa mắt khỏe mạnh và mắt ở bệnh nhân đau mắt đỏ.
Xử trí khi bị đau mắt đỏ và các biện pháp hỗ trợ
Người bệnh đau mắt đỏ cần chú ý:
- Cần lau rửa ghèn, gỉ mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
- Khi bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, người bệnh cần chăm sóc thật cẩn thận để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Người bệnh nên nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, gỉ và nước mắt chảy ra).
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, bạn cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu… Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng hồi phục.
Người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục.
Làm sao để phòng ngừa đau mắt đỏ?
Để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả, bạn nên chú ý:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, đặc biệt khi đang ở trong môi trường công cộng, tiếp xúc với nhiều người.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang….
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Tránh để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt,.. dây vào mắt, gây tổn thương mắt khiến mắt dễ bị vi khuẩn xâm nhập hơn.
- Sử dụng kính chắn bụi và gió khi ra đường.
- Khi đi bơi, nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.
- Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.
- Hạn chế đi lại nơi đông người khi đang có dịch đau mắt đỏ, đeo khẩu trang khi khi ra ngoài.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên mở cửa thông gió.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được các thông tin về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng ngừa lây lan. Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ bùng dịch như hiện nay, mỗi người đều nên nắm được các dấu hiệu của bệnh và cách phòng ngừa để bảo vệ người thân và gia đình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn nhiều sức khỏe!