Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tại sao nhiều người Việt bị sỏi tiết niệu?

Thứ tư, 20-09-2023 17:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Việt Nam là một trong các nước thuộc “vành đai sỏi” trên thế giới với tỷ lệ 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu (trong đó sỏi thận chiếm 40%). Tại sao lại nhiều người Việt bị sỏi tiết niệu như vậy? Đâu là dấu hiệu cảnh báo sỏi tiết niệu?  Làm sao để phòng ngừa? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

Tại sao nhiều người Việt Nam bị sỏi tiết niệu?

Tại sao nhiều người Việt Nam bị sỏi tiết niệu?

 

Sỏi tiết niệu là gì?

   Sỏi tiết niệu là những viên sỏi xuất hiện do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ  ở các cơ quan trong hệ tiết niệu gồm:

  • Sỏi trong thận: Sỏi có thể xuất hiện ở đài thận hoặc bể thận, gây ra các cơn đau quặn thận, nhiễm trùng và biến chứng trầm trọng.
  • Sỏi niệu quản: Thường là sỏi di chuyển từ bể thận xuống niệu quản và gây tắc đường tiết niệu.
  • Sỏi bàng quang: Xuất hiện do sỏi từ thận, niệu quản rơi xuống bàng quang hoặc do bàng quang bị ứ nước tiểu lâu ngày do bị chèn ép.
  • Sỏi niệu đạo: Sỏi từ bàng quang theo dòng nước tiểu chui xuống niệu đạo và mắc kẹt không ra được.

   Sỏi tiết niệu thường gặp ở người lớn tuổi và rất hay tái phát. Bệnh nhân có nguy cơ bị tắc nghẽn đường tiểu và từ đó dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn - đây là một biến chứng rất nghiêm trọng cho bệnh nhân.

 

Tại sao nhiều người Việt bị sỏi tiết niệu?

Do thói quen ăn uống

   Một số thói quen ăn uống sau làm tăng nguy cơ sỏi tiết niệu:

  • Thói quen ăn mặn với các món kho, xào, khô (khô gà, khô bò, cá khô,...),... khiến nước tiểu thải ra nhiều muối, dễ kết tinh thành sỏi.
  • Ăn quá nhiều rau có chứa thành phần oxalat như rau dền, rau muống, rau bạc hà… cũng là một trong các nguyên nhân. Oxalat là một hợp chất hữu cơ, khi bổ sung quá nhiều có thể liên kết với các khoáng chất để hình thành sỏi.
  • Người Việt không có thói quen uống đủ nước trong khí Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, thời tiết nắng nóng nhiều dễ gây mất nước. Cơ thể thiếu nước khiến lượng nước tiểu ít, cô đặc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tinh thể trong nước tiểu liên kết thành sỏi.
  • Thường xuyên ăn thịt, nội tạng động vật, hải sản.
  • Dùng quá nhiều chất bổ sung như canxi, vitamin C hoặc vitamin D.
  • Thói quen uống rượu bia quá nhiều.

Do thói quen nhịn tiểu

   Thói quen nhịn tiểu khi có nhu cầu cũng là một thói quen xấu làm tăng nguy cơ sỏi tiết niệu mà nhiều người Việt mắc phải. Khi nhịn tiểu, nước tiểu ở quá lâu trong hệ tiết niệu khiến các chất tạo sỏi trong đó dễ dàng lắng đọng, kết tủa lại.

Do chất lượng nước

   Việt Nam có nhiều vùng núi đá vôi, nguồn nước ở khu vực này có chứa nhiều khoáng chất, nhất là canxi (nước cứng). Chúng là các nguyên tố hình thành nên sỏi tiết niệu. Người dân vùng núi đá vôi được khuyến cáo tránh dùng nước giếng đun sôi để nguội, nên dùng nước máy, nước lọc.

Do các bệnh nhiễm trùng tiết niệu

   Tỷ lệ người Việt bị nhiễm trùng đường tiết niệu rất nhiều, đây là nguyên nhân gián tiếp tạo ra sỏi. Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần làm phân hóa ure và tạo ra tính kiềm trong nước tiểu, gián tiếp tạo ra sỏi. Ngoài ra, khi bị viêm và nhiễm trùng, niêm mạc niệu quản, niệu đạo, bàng quang dễ lắng đọng canxi, oxalate dẫn tới hình thành sỏi.

Các nguyên nhân khác

   Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu là:

  • Các bệnh bị rối loạn chuyển hóa gây dư thừa và lắng đọng các chất như canxi, axit uric, cystine...
  • Bệnh nhân bị dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, túi thừa niệu đạo,... khiến cho nước tiểu không thoát hết được ra ngoài.
  • Một số bệnh di truyền cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.

 

Triệu chứng của bệnh sỏi tiết niệu

   Khi bị sỏi tiết niệu, người bệnh có thể có những triệu chứng sau:

  • Những bất thường khi đi tiểu: Nước tiểu biến màu, đau buốt khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu ra máu, tiểu ngắt quãng,...
  • Bệnh nhân có các cơn đau, quặn thắt theo nhiều mức độ ở vùng lưng, vùng hông. Ban đầu có thể nhẹ nhàng, sau đó lan ra các bộ phận khác (bẹn) và đau âm ỷ. Triệu chứng này mang lại cảm giác khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới việc sinh hoạt.
  • Trong trường hợp có nhiễm khuẩn, cơ thể bệnh nhân sẽ phát sốt kèm cảm giác chóng mặt, buồn nôn.

 

Bệnh nhân bị đau vùng lưng, vùng hông.

Bệnh nhân bị đau vùng lưng, vùng hông.

 

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?

   Sỏi tiết niệu gây tắc đường tiết niệu có thể dẫn tới các biến chứng sau:

  • Trong quá trình di chuyển, sỏi có kích thước lớn và góc cạnh cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu gây chảy máu, phù nề, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng đường tiết niệu, thận mủ, nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
  • Suy giảm chức năng thận, tăng huyết áp, nguy hiểm nhất là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Sỏi làm tắc nghẽn nước tiểu từ thận gây giảm tốc độ lọc cầu thận. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ khiến thận bị tổn thương không phục hồi được.

 

Phòng ngừa sỏi tiết niệu

   Để phòng ngừa nguy cơ sỏi tiết niệu, bạn nên:

  • Cần rèn luyện thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Những người từng có tiền sử mắc sỏi thận nên tránh các thức ăn có quá nhiều canxi và hạn chế các thức ăn nhiều muối, ăn ít đường.
  • Rèn thói quen uống nhiều nước mỗi ngày để thải độc cơ thể. Hàng ngày, mỗi người nên uống từ 2 – 2,5 lít nước, chia ra làm nhiều lần uống trong ngày.
  • Nên tránh các chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
  • Khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng: Bạn nên khám tiết niệu thường xuyên, ít nhất 1 năm/lần. Bởi nếu khám thường xuyên có thể phát hiện sỏi thận khi sỏi còn nhỏ, chưa gây ra tai biến, điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và không tốn kém.
  • Khi có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, người bệnh cần điều trị dứt điểm vì viên sỏi gây ra nhiễm trùng nhưng nhiễm trùng cũng có thể gây ra sỏi.

 

Uống nhiều nước để tăng thải độc, phòng ngừa sỏi tiết niệu.

Uống nhiều nước để tăng thải độc, phòng ngừa sỏi tiết niệu.

 

   Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã nắm được nguyên nhân nhiều người Việt bị sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng như suy giảm chức năng hoặc nhiễm khuẩn ở thận. Bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Khi có dấu hiệu tiểu ra máu, tiểu buốt, đau lưng hông dữ dội, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222