Mục lục [Ẩn]
Nhiều người bị sốt, ho, đau họng chưa rõ nguyên nhân thường tự mua thuốc kháng sinh uống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tự uống thuốc kháng sinh không kê đơn và không có hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt ảnh hưởng đến đường ruột của người sử dụng.
Lạm dụng kháng sinh gây hại đường ruột thế nào?
Lạm dụng kháng sinh gây hại đường ruột thế nào?
Thuốc kháng sinh có tác dụng kìm hãm hoặc tiêu diệt vi khuẩn, thường được bác sĩ chỉ định để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen mua các loại kháng sinh để sử dụng, trong khi họ có thể nhiễm virus chứ không phải do vi khuẩn. Việc lạm dụng kháng sinh như vậy không chỉ gây ra tình trạng kháng kháng sinh mà còn khiến bệnh nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, gây hại hệ tiêu hóa, đặc biệt là đường ruột, như:
Rối loạn tiêu hóa
Trong ruột của chúng ta hệ vi sinh đường ruột, gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, tồn tại cân bằng với tỷ lệ duy trì là 85% : 15%. Lợi khuẩn trong ruột giúp phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng, đảm bảo quá trình tiêu hóa, vận chuyển các chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa diễn ra trơn tru, hạn chế phát triển quá mức của các loại vi khuẩn gây bệnh.
Việc sử dụng kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột. Đường ruột mất cân bằng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng sau một thời gian uống kháng sinh là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, chướng bụng...
Vi khuẩn có lợi giảm, dẫn đến cơ thể thiếu vitamin, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng để duy trì sự khỏe mạnh. Người bệnh cần vài tuần đến vài tháng để phục hồi sức khỏe đường ruột sau khi dùng kháng sinh, thường là khoảng hai tháng.
Viêm đại tràng
Khi người bệnh dùng kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ phác đồ và đặc biệt dùng nhiều loại khác nhau sẽ là điều kiện thúc đẩy cho các vi khuẩn có hại gây tổn thương đại tràng, gây viêm và loét đại tràng.
Vi khuẩn Clostridium difficile thường gây bệnh ở những bệnh nhân dùng kháng sinh không tuân thủ phác đồ của thầy thuốc. Đây là vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, "sức đề kháng" rất cao khi ra bên ngoài cũng như trong đường tiêu hóa.
Vi khuẩn Clostridium difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc. Tình trạng này còn gọi là viêm đại tràng giả mạc.
Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới viêm đại tràng.
Hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách, giảm tác hại đến đường ruột
Kháng sinh gây hại rất lớn đến đường ruột, tuy vậy trong một số bệnh lý bệnh nhân không thể không sử dụng kháng sinh. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bệnh sử dụng kháng sinh đúng cách:
- Không tự ý sử dụng kháng sinh: Kháng sinh là thuốc để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý mua kháng sinh để điều trị những bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp trên do virus gây ra,…Những bệnh này sử dụng kháng sinh không mang lại nhiều tác dụng trong điều trị lại dẫn đến các nguy cơ viêm ruột, tổn thương gan,… Bệnh nhân chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của các chuyên gia y tế.
- Không tự ý dừng liệu trình kháng sinh: Khi đã sử dụng kháng sinh, bệnh nhân nên sử dụng đủ liều, đủ ngày, không tự ý dừng liệu trình khi bệnh đã thuyên giảm để tránh trường hợp nhiễm trùng trở lại, bệnh nhân phải dùng lại kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh mạnh hơn. Việc sử dụng kháng sinh nhiều lần hoặc sử dụng nhiều loại kháng sinh sẽ càng làm tăng tác hại của thuốc.
- Không dùng lại đơn thuốc cũ: Bệnh nhân không nên mua thuốc theo đơn thuốc cũ mà chưa có chỉ định của các bác sĩ.
- Không dùng kháng sinh đã hết hạn sử dụng: Rất nhiều loại kháng sinh có độc tính rất cao khi quá hạn dùng (ví dụ Tetracyclin gây độc cho thận).
- Thông thường thuốc kháng sinh uống sau bữa ăn, nhưng trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định uống trước hoặc trong bữa ăn. Nên tránh các loại thực phẩm cay và rượu khi đang sử dụng kháng sinh.
- Kết hợp sử dụng kháng sinh và men vi sinh: Sử dụng kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Để làm giảm tác dụng không mong muốn này, bệnh nhân nên sử dụng các loại men vi sinh để bổ sung các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột, hạn chế nguy cơ viêm ruột.
- Người mắc sẵn các bệnh lý gan, thận, uống nhiều rượu bia, người cao tuổi... dễ tổn thương gan hơn khi dùng kháng sinh, những đối tượng này nên trao đổi thêm với bác sĩ về tình trạng này trước khi được kê đơn.
- Người bệnh nên ăn uống lành mạnh như tăng cường thực phẩm giàu lợi khuẩn, trái cây và rau quả, tránh thực phẩm chế biến sẵn... để sớm phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa sau khi dùng thuốc kháng sinh. Nghỉ ngơi khoa học, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ giúp cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ lợi khuẩn.
Trên đây là một số tác hại của kháng sinh với đường ruột và một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh. Người dân cần cẩn trọng về mối nguy hiểm đối với việc sử dụng kháng sinh điều trị dài ngày, không tự ý sử dụng kháng sinh, duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ phải sử dụng kháng sinh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!