Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tìm hiểu về bệnh túi thừa đại tràng

Thứ sáu, 04-10-2019 14:07 PM

 

 

viem-tui-thua-dai-trang-nguy-hiem-nhu-the-nao

 

Túi thừa đại tràng là một cấu trúc hình túi bất thường nhô ra khỏi thành của đại tràng. Dựa vào cấu trúc, người ta chia túi thừa ra làm hai loại: túi thừa thật khi thành của túi có đầy đủ các lớp của thành ruột. Dựa vào số lượng, người ta còn chia ra túi thừa đơn độc (có 1 hoặc 2 túi thừa) và đa túi thừa (trên 3 túi). Bệnh túi thừa đại tràng là căn bệnh không phải là hiếm gặp, vậy bệnh xuất phát từ những nguyên nhân nào, có triệu chứng và cách điều trị ra sao? mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây:

 

Bệnh túi thừa đại tràng là gì?

 

Bệnh túi thừa đại tràng là tình trạng túi thừa bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa, có thể bị viêm ở trong hay quanh túi thừa.

 

Nếu bị nhiễm trùng nhiều, vách túi thừa có thể bị hủy hoại,  bị lủng và nhiễm trùng lan ra ngoài vách đại tràng, tạo thành túi mủ tại chỗ, hay làm viêm phúc mạc rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

 

Nguyên nhân của bệnh túi thừa đại tràng.

 

Bình thường vách đại tràng có bốn lớp đều đặn và không có chỗ nào bị lõm sâu vào. Nếu có một cấu tạo nào lõm sâu vào trong vách của đại tràng thì đó là hình ảnh của túi thừa. Ngược lại khi nào một cơ cấu mọc lên trên mặt của niêm mạc vào trong lòng ống thì chúng ta có bướu hay polyp. Phần lớn túi thừa của ống tiêu hóa xảy ra ở đại tràng, trong đó 95% ở đại tràng Sigma và 5% ở manh tràng, rất ít khi túi thừa ở phần còn lại của đại tràng. Khi phân nhỏ vì thiếu chất xơ chẳng hạn, phân sẽ cứng và khó bài tiết ra ngoài. Để có thể tống xuất phân ra ngoài, đại tràng phải co thắt nhiều hơn, đồng thời người ta cũng dùng nhiều sức để rặn khi đi cầu, như thế làm gia tăng áp lực trong đại tràng. Vách của đại tràng có khi không đồng đều về cấu tạo, có những chỗ vách bị yếu so với phần xung quanh, và khi áp lực ruột gia tăng, niêm mạc của những chỗ yếu đó sẽ bị đẩy ra ngoài qua vách ruột yếu và tạo thành cái túi nhỏ, thường lớn 1-2cm, đôi khi lớn 5-6cm.

 

Như trên đã trình bày, phân nhỏ có thể do phân ít chất xơ, đồ ăn Tây phương ít chất rau hơn đồ ăn của người Á đông, do đó người Tây phương dễ bị bệnh túi thừa đại tràng hơn người Á châu. Ngoài ra, đoạn đại tràng Sigma cũng là đoạn đại tràng có kích thước nhỏ hơn các đoạn đại tràng khác nên càng gia tăng áp lực trong ruột nhiều hơn, và như thế cũng phần nào giải thích tại sao túi thừa xảy ra ở đoạn ruột Sigma này nhiều hơn. Tuy nhiên, áp lực trong túi thừa đại tràng là yếu tố để đưa đến bệnh túi thừa hơn vì có nhiều trường hợp khác người ta không bị bón, không tăng áp lực đại tràng, người ta vẫn có thể bị bệnh viêm túi thừa đại tràng được. Về cấu tạo cơ thể học, túi thừa có cấu tạo giống vách đại tràng, nhưng mỏng hơn, gồm có lớp niêm mạc bao bọc ở trong, lớp dưới niêm mạc ở ngoài, rồi đến lớp cơ và ngoại mạc. Túi thừa có thể chỉ nằm trong vách của đại tràng, hay thòi ra ngoài ngọa mạc của đại tràng, lúc đó lớp cơ của túi thừa có thể rất mỏng hay không có, thành ra nếu túi thừa thòi ra ngoài thì có thể dễ bị vỡ hay thủng.

 

Khi túi thừa bị nhiễm trùng, chúng ta có bệnh viêm túi thừa, có thể bị viêm ở trong hay quanh túi thừa. Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt trong lòng túi thừa và ép vách túi thừa, làm vi trùng (thường xuyên rất nhiều trong phân ở đại tràng) phát triển mạnh trong túi thừa gây nên viêm túi thừa. Nếu nhiễm trùng nhiều, vách túi thừa có thể bị hủy hoại và bị lủng và nhiễm trùng lan ra ngoài vách đại tràng, tạo thành túi mủ tại chỗ, hay làm viêm phúc mạc rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

 

Triệu chứng và chuẩn đoán bệnh túi thừa đại tràng  

 

Triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng:

 

Phần lớn những người có túi thừa đại tràng không có triệu chứng gì đặc biệt và người ta được chẩn đoán bệnh này vì sự tình cờ khi chụp X-quang ổ bụng hay nội soi đại trực tràng vì một lý do khác nào đó. Một vài người khác thì có thể có những triệu chứng như hay đau quặn nhẹ ở bụng, nhất là ở bụng dưới bên trái, sốt, đầy hơi, hay thường xuyên bị táo bón.

 

Khi túi thừa bị viêm, tùy theo độ nặng nhẹ của bệnh mà người bệnh có những triệu chứng khác nhau, từ viêm túi thừa, đến thủng túi thừa, tạo ổ áp xe tại chỗ cho đến viêm phúc mạc. Nhưng cơn đau cấp tính có thể là đau bụng từ nhẹ đến nặng ở bụng dưới bên trái, đau thường trực hay đau từng cơn, giống như cơn đau của viêm ruột thừa cấp tính, chỉ khác một điều là cơn đau ruột thừa ở bên phải. Người ta có thể bị táo bón hoặc bị tiêu chảy, có nhiều hơi trong bụng và khi xì hơi ra được thì giảm đau phần nào. Nếu bị viêm phúc mạc thì người bệnh đau toàn bụng, bụng chứng, có phản ứng cơ thành bụng, cảm ứng phúc mạc, nôn nhiều và sốt cao. Thường phân không có máu. Ở nhiều người lớn tuổi những triệu chứng ban đầu thường rất mơ hồ không rõ ràng, cho nên nhiều bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng nặng.

 

tui-thua-dai-trang

Túi thừa đại tràng

 

Tuy nhiên, có những bệnh cảnh của đại tràng và các cơ quan khác trong ổ bụng và vùng chậu cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự, chẳng hạn như viêm ruột thừa, ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ổ áp xe hay u xơ tử cung. CT scaner hay siêu âm có thể giúp ích trong việc chẩn đoán viêm túi thừa với viêm ruột thừa hay một ổ áp xe.

 

Chẩn đoán bệnh túi thừa đại tràng:

 

Khi mà tình trạng viêm giảm hay tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị thì có thể chỉ định soi đại tràng hay chụp X-quang đại tràng có cản quang. Những xét nghiệm này được thực hiện để xác nhận sự hiện diện hay đánh giá mức độ nghiêm trọng của túi thừa và để loại trừ ung thư đại tràng. Nội soi đại tràng hay chụp X-quang có cản quang thường không được thực hiện trong vài tuần sau điều trị vì có thể phá hủy đoạn ruột bị viêm. Phẫu thuật thăm dò hiếm khi được dùng để chẩn đoán.

 

Nội soi đại tràng để phát hiện túi thừa đại tràng, polyp đại tràng, ung thư, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn’s, viêm ruột thừa…

 

Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị viêm túi thừa đại tràng cấp tính thì không được soi ruột vì nguy cơ làm thủng ruột hay cho uống chất cản quang để chụp hình bụng vì sợ thuốc chui qua chỗ thủng của túi thừa vào bụng tăng thêm bệnh viêm phúc mạc.

 

Biến chứng của bệnh túi thừa đại tràng

 

Tình trạng viêm của thành ruột có thể dẫn tới hình thành những đường rò giữa đại tràng và những cơ quan khác. Những đường rò thường hình thành khi túi thừa ở đại tràng tiếp xúc với một cơ quan khác (ví dụ như bàng quang) và túi thừa vỡ. Kết quả là có tình trạng viêm kéo dài và vi khuẩn trong lòng ruột sẽ từ từ xâm nhập vào những cơ quan kế cận. Hầu hết những đường rò này thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, mặc dù những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung thì có nguy cơ cao vì đại tràng và bàng quang không còn bị phân cách bởi tử cung. Khi mà đường rò hình ảnh giữa đại tràng và bàng quang thì vi khuẩn trong lòng ruột sẽ xâm nhập vào bàng quang và gây nhiễm trùng hệ tiết niệu. Trong một số ít trường hợp, đường rò có thể hình thành giữa đại tràng và ruột non, tử cung, buồng trứng, thành bụng hay thậm chí là đùi hoặc ngực.

 

bien-chung-benh-tui-thua-dai-trang

Biến chứng của bệnh viêm túi thừa đại tràng

 

Những biến chứng khác của viêm túi thừa bao gồm viêm những cơ quan lân cận (như tử cung, bàng quang hay những vùng khác của ống tiêu hóa), vỡ thành túi thừa, áp xe, viêm phúc mạc và xuất huyết. Viêm túi thừa tái đi tái lại có thể dẫn tới tắc ruột, vì sự dày thêm của lớp cơ và sẹo có thể làm hẹp lòng ruột và ngăn không cho thải phân ra ngoài.

 

Điều trị bệnh túi thừa đại tràng

 

Đối với bệnh túi thừa, bệnh nhân nên ăn thêm chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng túi thừa.

 

Viêm túi thừa nhẹ được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chế độ ăn lỏng và uống kháng sinh. Những triệu chứng thường biến mất nhanh chóng. Sau vài ngày, bệnh nhân có thể ăn thức ăn mềm, một ít chất xơ và dùng hàng ngày psyllium để giữ cho phân mềm. Sau một tháng, có thể bắt đầu chế độ ăn với nhiều chất xơ.

 

Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng như là đau bụng, thân nhiệt trên 38,3 độ C, đáp ứng kém với thuốc kháng sinh và những bằng chứng của tình trạng nhiễm trùng nặng hay biến chứng thì nên nhập viện. Bệnh nhân được truyền dịch và tiêm kháng sinh, nghỉ ngơi tại giường và không ăn uống gì cho đến khi triệu chứng giảm. Khoảng 20% bệnh nhân viêm túi thừa được yêu cầu phẫu thuật vì tình trạng không cải thiện.

 

Nếu nguyên nhân xuất huyết được biết rõ thì hầu hết bệnh nhân chỉ bị cắt đoạn ruột bị ảnh hưởng. Nếu không biết được nguyên nhân của tình trạng xuất huyết thì phần lớn ruột sẽ bị cắt theo phương pháp gọi là cắt ruột toàn thể.

 

Phẫu thuật cấp cứu thì cần thiết đối với những bệnh nhân bị vỡ ruột. Ruột vỡ luôn dẫn đến viêm phúc mạc. Những ca phẫu thuật thường cắt bỏ đoạn ruột bị vỡ và làm hậu môn nhân tạo. Khoảng 10-12 tuần sau đó, hậu môn nhân tạo được đóng lại.

 

Phẫu thuật có thể không bắt buộc ở một số bệnh nhân viêm túi thừa. Nếu phát hiện ổ áp xe thì có thể chọc hút mủ hướng dẫn bởi CT scan trước khi xem xét tới việc phẫu thuật.

 

Phương pháp giải quyết đường rò là cắt bỏ đoạn đại tràng có đường rò, sau đó nối đại tràng lại và tái tạo lại khu vực bị ảnh hưởng (như là bàng quang hay ruột non).

 

Mọi người nên ăn các thức ăn nhiều chất xơ giúp phòng tránh bệnh túi thừa đại tràng. Chế độ ăn nhiều chất xơ là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh túi thừa. Chất xơ có nhiều trong các loại hoa quả, rau củ và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Bên cạnh đó chế độ ăn nhiều chất xơ cũng giúp phòng tránh bệnh viêm đại tràng. Nên uống nhiều nước và tập luyện thể dục thường xuyên. Hy vọng qua bài viết vừa rồi, sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh túi thừa đại tràng, từ đó có cho mình được phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh đúng đắn nhất.

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222