Mục lục [Ẩn]
Thủy đậu là một bệnh thường gặp ở trẻ, đa số lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu bị các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng…
Thủy đậu có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Biến chứng thủy đậu khiến bé gái nhiễm trùng huyết
Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết đã tiếp nhận một trường hợp một bệnh nhi (5 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nhập viện ngày 21/5 trong tình trạng trẻ sốt cơn, ho, nổi ban, phỏng nước rải rác toàn thân, nhiều nốt loét, mụn mủ, da vùng bụng, mạn sườn trái, lưng, đùi phải viêm sưng nề lan tỏa rộng bán kính 4-5cm quanh mụn.
Theo khai thác bệnh sử, bệnh nhi này mắc thủy đậu điều trị tại nhà, đến ngày thứ 6 biến chứng sốt cao, phỏng nước toàn thân, nhiều nốt loét, mụn mủ. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết trẻ bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm tấy lan tỏa, thủy đậu bội nhiễm, giảm albumin máu nặng, hạ kali máu. Bệnh nhi này được chỉ định dùng kháng sinh liều cao, kết hợp phẫu thuật loại bỏ tổ chức hoại tử, nạo mủ, ổ áp xe, truyền albumin.
Hiện nay, sức khỏe trẻ tạm thời ổn định, tiếp tục điều trị các tổn thương trên da để hạn chế nhiễm trùng, sẹo.
Một trường hợp khác là bé trai 12 tuổi cũng bị biến chứng nhiễm khuẩn huyết do thủy đậu. Bệnh nhi này được đưa đến khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao liên tục, nổi nốt phỏng và nốt xuất huyết dưới da toàn thân do mắc bệnh thủy đậu, hồi đầu tháng 2.
Các bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc kháng virus và thuốc Gama globulin (thuốc đặc biệt chỉ sử dụng trong trường hợp hội chẩn) để điều trị cho bé. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, tổn thương não, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm thấp, phải lọc máu, thở máy và nhiều lần cận kề cửa tử. Bệnh nhi này được chỉ định sử dụng thuốc điều trị giảm tiểu cầu, truyền máu, đồng thời dùng thuốc kháng virus thế hệ mới.
Sau 3 tháng điều trị tích cực, tình trạng của trẻ dần cải thiện và hồi phục, được xuất viện.
Bệnh thủy đậu đa số lành tính, hồi phục trong khoảng hai tuần, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng... Bệnh nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền.
Để phòng bệnh thủy đậu, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ em từ một tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan.
Người bệnh cần cách ly, tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như đắp lá, tắm lá... gây nhiễm trùng.
Biến chứng thủy đậu ở trẻ em
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella Zoster Virus gây nên, rất dễ lây truyền, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng từ tháng hai đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, khoảng 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus.
Bệnh thủy đậu đa số lành tính, hồi phục trong khoảng hai tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng da tại vị trí xuất hiện mụn nước: Đây là biến chứng thường gặp nhất, diễn ra ở mức độ nhẹ, hiếm khi gây nguy hiểm nhưng nó để lại sẹo. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy thiếu tự tin khi trưởng thành.
- Nhiễm trùng huyết: Khi nốt thủy đậu bị vỡ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu qua mụn nước, từ đó gây nhiễm trùng máu.
- Một số biến chứng nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não, viêm màng não,…
- Zona thần kinh: Trên thực tế, sau khi được chữa khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn có thể tồn tại sâu trong các hạch thần kinh, ở dạng bất hoạt (ngủ đông). Những siêu vi này có thể tái hoạt động, gây bệnh zona sau 10, 20, thậm chí 30 năm, khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng suy yếu, có bệnh nền,…
Cách phòng ngừa trẻ bị thủy đậu hiệu quả
Để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ, cha mẹ nên:
- Tiêm vacxin phòng thủy đậu.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh: Bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu. Khi bệnh bùng phát thành dịch, trẻ nên hạn chế đến những nơi có dịch, nơi công cộng, đông đúc.
- Giữ vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ: Trẻ cần được hướng dẫn về cách tự tắm rửa, vệ sinh các nhân, thay quần sao và chăn gối thường xuyên, dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Hơn nữa, bố mẹ nên thường xuyên khử khuẩn định kỳ khu vực sống của gia đình.
- Tăng cường sức đề kháng một cách toàn diện: Bố mẹ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với độ tuổi của trẻ nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày và nghỉ ngơi đầy đủ cũng sẽ giúp trẻ tăng sức bền, cơ thể khỏe khoắn, dẻo dai và có thể chống lại các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Trên đây là những thông tin hữu ích về biến chứng thủy đậu ở trẻ em. Mặc dù phần lớn bệnh xảy ra lành tính nhưng bố mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ mắc bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: