Mục lục [Ẩn]
Đầu gối là một khớp lớn, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể, có tần suất hoạt động cao nên là vị trí rất dễ bị tổn thương và xuất hiện nhiều bệnh lý trong đó có thoái hóa khớp. Mỗi bệnh lý lại có những cách điều trị khác nhau. Chính vì vậy, nhận biết những triệu chứng thoái hóa khớp gối để có hướng điều trị phù hợp là điều rất quan trọng.
Điểm danh các triệu chứng thoái hóa khớp gối cần nắm rõ
Điểm danh các triệu chứng thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của sự mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn khớp với biểu hiện là sự biến đổi trên chính bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành gai xương, cuối cùng là biến dạng khớp.
Triệu chứng thoái hóa khớp gối thường gặp bao gồm:
- Đau khớp gối: đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau ở một vài điểm. Thời điểm đầu đau chỉ ở mức nhẹ, xuất hiện lúc đi lại nhiều, lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc.
- Triệu chứng thoái hóa khớp gối thứ hai đó là các cơn cứng khớp: khớp trở nên mất linh hoạt, khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu.
- Khớp gối có thể bị sưng to, nóng đỏ do viêm hoặc do tràn dịch khớp.
- Có dấu hiệu lục khục, lạo xạo khi cử động khớp.
- Nhìn thấy khớp cong hoặc không thẳng trục.
Phân biệt triệu chứng thoái hóa khớp gối và một số bệnh lý khác
Các bệnh lý có thể xuất hiện tại khớp gối thường có biểu hiện khá giống nhau, dưới đây là cách phân biệt triệu chứng thoái hóa khớp gối với một số bệnh lý thường gặp khác.
Phân biệt triệu chứng thoái hóa khớp gối và viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn với những triệu chứng khá tương đồng với triệu chứng thoái hóa khớp gối như các cơn đau nhức tại khớp gối, sưng tấy khu vực xung quanh khớp gây hạn chế về khả năng vận động của khớp.
Tuy vậy, vẫn có một số điểm khác biệt giữa hai căn bệnh này. Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, chứ không riêng gì các khớp. Những khớp đầu tiên bị ảnh hưởng là những khớp nhỏ như khớp ngón tay, sau đó bắt đầu lan dần sang khớp lớn như đầu gối, vai, mắt cá chân…
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có tính chất đối xứng, tức là bị đồng thời ở cả hai cổ tay, hai đầu gối… Giai đoạn bệnh tiến triển nặng có khả năng quan sát thấy những cục u, nốt sần cứng xung quanh khớp gọi là các nốt thấp.
Viêm khớp dạng thấp có tính chất đối xứng
Trong khi đó, triệu chứng thoái hóa khớp gối chỉ tập trung ở vùng khớp gối, không ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể và không mang tính đối xứng. Các nốt sần cũng có thể xuất hiện quanh khớp gối nhưng đặc điểm của chúng khác biệt so với các nốt thấp.
Phân biệt triệu chứng thoái hóa khớp gối và bệnh gút
Gút là bệnh lý viêm khớp xảy ra khi có sự lắng đọng của các tinh thể muối urat do nồng độ acid uric tăng cao trong một thời gian dài.
Khác với triệu chứng thoái hóa khớp gối, một cơn gút cấp có những biểu hiện sau đây:
- Sưng, nóng, đỏ, đau: đặc biệt cơn đau gút cấp dữ dội hơn rất nhiều so với cơn đau của thoái hóa khớp. Một cơn đau gút cấp có thể kéo dài tới vài ngày và đáp ứng đặc hiệu với thuốc giảm đau colchicin.
- Vị trí khớp bị ảnh hưởng đầu tiên chủ yếu là khớp bàn chân, ngón chân cái, khớp gối cũng có thể xuất hiện nhưng ít gặp hơn, hoặc gặp ở những giai đoạn nặng của bệnh.
- Khởi phát sau một bữa ăn giàu đạm hoặc sử dụng nhiều rượu bia.
Ngoài ra, triệu chứng thoái hóa khớp gối cũng có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tại khớp khác như viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp vảy nến… Chính vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Các biến chứng của thoái hóa khớp gối
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thoái hóa khớp gối chưa gây ảnh hưởng quá nhiều tới người bệnh. Nhưng tình trạng khớp bị thoái hóa sẽ nặng dần theo thời gian, dẫn đến các cơn đau mãn tính cùng một loạt biến chứng như:
- Tăng nguy cơ chấn thương đầu gối: thoái hóa khớp khiến việc đi lại trở nên khó khăn, khả năng giữ thăng bằng suy giảm làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Theo thống kê, người bị thoái hóa khớp gối có nguy cơ té ngã cao hơn 30%, khả năng bị gãy xương cũng cao hơn 20%.
- Mất xương: sụn khớp là bộ phận có vai trò bảo vệ phần xương dưới sụn. Trong trường hợp thoái hóa khớp nặng, lớp sụn bị thoái hóa dần, phần xương dưới sụn không còn lớp bảo vệ dẫn tới tổn thương và bị hủy hoại, tạo ra các gai xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động của khớp.
Tổn thương xương dưới sụn do thoái hóa khớp gối
- Gây chèn ép tới dây thần kinh xung quanh khớp gối khiến cơn đau trở nên nặng nề hơn, và gây các cảm giác bất thường như ngứa ran, tê bì quanh khớp.
- Gây đứt gân và đứt dây chằng xung quanh khớp gối.
- Kéo theo một số bệnh lý khác: thoái hóa khớp gối đẩy người bệnh đến lối sống ít vận động khiến họ tăng cân, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, ung thư, rối loạn mỡ máu…
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý thoái hóa khớp gối bằng những biện pháp đơn giản, những biện pháp này cũng có thể áp dụng với cả những người đã xuất hiện triệu chứng thoái hóa khớp gối:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý (BMI < 23 với người châu Á): trọng lượng cơ thể sẽ gây thêm nhiều áp lực lên đầu gối, làm mòn sụn.
- Tránh các hoạt động quá sức hoặc các công việc quá nặng.
- Những người làm việc văn phòng sau mỗi 1-2 giờ nên đứng dậy, đi lại một chút để tránh cơ và khớp bị mỏi, vừa giúp tránh thoái hóa khớp, vừa giúp phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch khi có tuổi.
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt của các khớp.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu canxi và khoáng chất.
- Tắm nắng mỗi ngày để bổ sung vitamin D cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress.
Trên đây là một số triệu chứng thoái hóa khớp cũng như cách phòng bệnh mà mọi người cần lưu ý. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 0243.766.2222 để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM:
- Thiếu máu cơ tim - “Hung thần” đứng sau hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới
- Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?