Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bạo lực gia đình ở nam giới: Con số đáng ngạc nhiên và hậu quả

Thứ hai, 27-05-2024 15:26 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Nói về bạo lực gia đình, chúng ta thường nghĩ nạn nhân là chị em phụ nữ. Thực tế, nam giới gặp tình trạng này đang ngày một gia tăng. Họ bị bạo hành về thể xác, tinh thần… khiến tâm lý trở nên căng thẳng, stress, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

 

Bạo lực gia đình ở nam giới ngày càng gia tăng

Bạo lực gia đình ở nam giới ngày càng gia tăng

 

Con số đáng ngạc nhiên về bạo lực gia đình ở nam giới

   Theo định nghĩa của Bạo lực gia đình Quốc gia Mỹ, lạm dụng hoặc bạo lực là "kiểu hành vi được một người sử dụng để duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người bạn đời hoặc người yêu". Như vậy, việc lạm dụng không phân biệt giới tính. Cả nam và nữ đều có thể sử dụng nó như một thứ vũ khí đối với người khác.

   Một phân tích tổng hợp chỉ ra rằng "phụ nữ có nhiều khả năng sử dụng một hoặc nhiều hành vi xâm hại thể chất hơn nam giới. Họ cũng lặp lại hành vi này một cách thường xuyên".

   Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, đàn ông có thể bị phụ nữ lạm dụng ở mọi hình thức, kể cả thể xác. Cứ 7 nam giới thì có một người chia sẻ đã từng bị bạo lực thể xác nghiêm trọng từ bạn đời. Đường dây nóng Bạo lực gia đình Quốc gia Mỹ báo cáo rằng, 13% cuộc gọi họ nhận được là từ đàn ông.

   Đến nay, các nghiên cứu về mức độ phổ biến của bạo lực gia đình với nam giới ngày càng nhiều. Theo Khảo sát Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Mỹ, năm 2023, khoảng 8% nam giới cho biết đã bị bạn đời hiện tại hoặc trước đây tấn công tình dục hoặc thể xác. Thống kê cho thấy, cứ 4 đàn ông Mỹ thì có một người phải chịu một số hình thức bạo lực gia đình. Mỗi năm, khoảng 699.000 đàn ông bị người bạn gái hoặc vợ bạo hành.

   Điều đáng ngại là nạn nhân nam thường ít trình báo bạo lực, khiến việc xác định quy mô thực sự trở nên khó khăn. Thống kê của Impact Family Service chỉ ra rằng một nửa số nạn nhân nam không nói với ai họ từng bị bạo lực gia đình. Nghiên cứu trên Tạp chí Psychology of Men & Masculinity cho thấy, chính sự né tránh vấn đề bạo lực gia đình khiến người đàn ông càng bị tổn thương, lạm dụng nhiều hơn.

 

Nam giới bị bạo lực gia đình thường cam chịu, không nói với người khác

Nam giới bị bạo lực gia đình thường cam chịu, không nói với người khác

 

   Ở Việt Nam, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 vào ngày 22/5 cho thấy: Năm vừa qua, có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ, thấp hơn so với năm 2002 (hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

   Gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600 người, nam 565 người (chiếm 17,7%; năm 2022 là 481 người chiếm 12,27%). So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới lại tăng.

   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tâm lý của người bị bạo lực thường cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Họ nghĩ đó là "chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai". Đến khi hậu quả thật sự nghiêm trọng, nguy cơ tan vỡ hôn nhân, họ mới báo cáo và tìm hỗ trợ của nhà chức trách. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.

 

Hậu quả của bạo lực gia đình ở nam giới

   Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến đời sống của nạn nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nạn nhân bạo lực gia đình là nam giới cũng có tình trạng căng thẳng sau sang chấn (PTSD) với mức độ tương đương phụ nữ. Họ có thể bị giật mình, khó chịu, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, cáu kỉnh, trầm cảm cùng nhiều triệu chứng khác.

   Về lâu dài, mức độ trầm cảm tăng lên khiến người đàn ông tuyệt vọng, không còn hứng thú, động lực với cuộc sống, ý định tự sát dần xuất hiện.

 

Nam giới bị bạo lực gia đình có nguy cơ trầm cảm

Nam giới bị bạo lực gia đình có nguy cơ trầm cảm

 

   Một số người thì tìm đến các biện pháp cực đoan để đối phó với cảm xúc tiêu cực của bản thân, thường gặp nhất là dùng chất kích thích, chất gây nghiện… Cuối cùng, họ phải đối mặt với nguy cơ rối loạn lạm dụng chất. 

   Như vậy, dù là nam hay nữ thì hậu quả của bạo lực gia đình đều rất nghiêm trọng. Mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức để phòng chống tình trạng này.

 

Các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình

   Để phòng chống bạo lực gia đình, các biện pháp được áp dụng bao gồm:

  • Tuyên truyền, giáo dục: Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh. Các cơ quan, ban ngành, nhà trường và mỗi cá nhân cần tích cực giáo dục, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình cũng như các hành vi bạo lực khác.
  • Phát hiện và báo tin về bạo lực gia đình: Ngay khi phát hiện được hành vi bạo lực gia đình, người dân cần tiến hành báo tin kịp thời đến cơ quan công an gần nhất để tìm hiểu và giải quyết sự việc. Các cơ quan khi nhận được tin báo hoặc phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình cần phải có trách nhiệm xử lý kịp thời.
  • Biện pháp ngăn chặn và bảo vệ: Để tránh những thiệt hại đáng tiếc về thể chất, tinh thần và cả tính mạng thì mỗi chúng ta cần có ý thức hơn trong việc ngăn chặn, bảo vệ người bị bạo hành. Khi nhận thấy hành vi bạo hành gia đình, cần phải:
  1. Buộc chấm dứt ngay hành vi tiêu cực
  2. Theo dõi, cấp cứu cho nạn nhân bị bạo hành gia đình
  3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật.

 

  • Đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình nên:
  1. Chủ động chia sẻ, nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh.
  2. Lưu thông tin liên lạc của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền để liên hệ khi cần thiết.
  3. Tránh xa kẻ gây bạo lực.
  4. Chủ động kinh tế để không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai.
  5. Tìm cách lưu lại hình ảnh, đoạn hội thoại mang tính chất bạo lực làm bằng chứng trước pháp luật.
  6. Nếu tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng do bạo lực gia đình, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.

   Như vậy, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Hậu quả của tình trạng này thường rất nghiêm trọng, vừa gây suy giảm sức khỏe thể chất, vừa tổn thương tâm lý, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Do đó, chúng ta cần chung tay phòng chống tình trạng này.

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222