Mục lục [Ẩn]
Ngày nay, đi cùng với sự tất bật của cuộc sống hiện đại, nhiều người thường lãng quên sức khỏe của mình dẫn đến nhiều căn bệnh được “trẻ hóa”, trong đó có bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, những người bị chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 trước 40 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với dân số chung.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu: Người bị chẩn đoán tiểu đường khi còn trẻ có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất và là một vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm. Nếu như trước đây, căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì những năm gần đây, tỷ lệ người mắc căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, những người bị chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 trước 40 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với dân số chung.
Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành trên 4550 người từ 25 - 65 tuổi, kéo dài trên 30 năm (từ năm 1977 đến 2007). Trong đó, 429 người (9,4%) người tham gia bị khởi phát tiểu đường khi còn trẻ, 2704 người (chiếm 59,4%) người tham gia là nam giới, HbA1c trung bình là 9,1%.
Kết quả cho thấy:
- Tỷ lệ tử vong của người khởi phát bệnh tiểu đường từ khi còn trẻ cao gấp 3,72 lần so với dân số chung.
- Tỷ lệ tử vong của người khởi phát bệnh tiểu đường muộn cao gấp 1,54 lần so với dân số chung.
- Những người bị tiểu đường khởi phát sớm có nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường cao hơn, đặc biệt là biến chứng mạch máu, biến chứng trên mắt và biến chứng trên thận.
- Độ tuổi chẩn đoán bệnh tiểu đường thấp hơn cũng liên quan đến khả năng kiểm soát đường huyết kém hơn.
Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân bị tiểu đường từ thời còn trẻ, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài hơn, tốc độ suy giảm chức năng tế bào ???? đảo tụy cũng được chứng minh là diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường trẻ thường có xu hướng chủ quan, không tuân thủ điều trị, từ đó dẫn đến đường huyết không được kiểm soát tốt, làm tăng nguy cơ tử vong và biến chứng.
Vì sao bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa?
Một số nguyên nhân khiến ngày nay nhiều người dễ mắc bệnh tiểu đường hơn là:
- Do chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động, hay ăn đêm… dẫn đến béo phì, gây áp lực lên tuyến tụy, từ đó dẫn đến tiểu đường.
- Ít vận động: Đặc trưng của lối sống ít vận động là nằm hoặc ngồi trong thời gian dài, ít di chuyển. Lối sống này làm giảm khả năng điều chỉnh đường huyết và insulin của cơ thể, là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
- Do căng thẳng, stress: Căng thẳng mãn tính ở bệnh nhân trầm cảm kích hoạt trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận và hệ thần kinh giao cảm, làm tăng sản xuất cortisol ở vỏ thượng thận và sản xuất adrenalin và noradrenalin ở thượng thận. Lượng cortisol dư thừa làm tăng kháng insulin dẫn đến các hội chứng chuyển hóa, làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Tình trạng căng thẳng, stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Sống khoa học để phòng ngừa bệnh tiểu đường
Về lối sống
- Thực hiện giảm cân ở người có chu vi vòng eo lớn hơn 100cm (đối với nam giới) và trên 90cm (đối với nữ giới) hoặc với những người có chỉ số khối BMI trên 30. Biện pháp tối ưu là kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tốt nhất là nên tập ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi buổi ít nhất 30 phút.
- Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng stress.
- Đi ngủ và thức dậy có giờ giấc khoa học, ngủ đủ 7 - 9 tiếng một đêm.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để nắm bắt tình hình thể trạng một cách chính xác hơn.
Về chế độ ăn uống
- Ăn uống vừa đủ dinh dưỡng và calo cần thiết cho cơ thể, cách đơn giản nhất là bạn có thể làm theo một nguyên tắc rất nổi tiếng của người Nhật đó là “ăn no 8 phần”- mỗi bữa ăn hãy ngừng lại khi cảm thấy đã no 70 đến 80%.
- Nên cắt giảm thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, đường ở trong chế độ ăn. Thay vào đó hãy tăng cường ăn nhiều chất xơ và khoáng chất như: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau củ, trái cây ít ngọt, sữa ít béo,…
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ.
- Không ăn đêm.
Làm sao để kiểm soát bệnh tiểu đường?
Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Khi sống chung với tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, đó là:
- Dùng thuốc đúng liều, đúng loại và đều đặn hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc quên uống thuốc, uống quá liều thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc tiểu đường sẽ gây tình trạng tụt đường huyết hoặc tăng đường huyết đột ngột rất nguy hiểm.
- Thăm khám định kỳ theo hướng dẫn, đặc biệt là trong giai đoạn đường huyết chưa ổn định. Bệnh nhân có thể tự kiểm tra đường huyết tại nhà, nhưng các loại máy thử tiểu đường cầm tay đôi khi có thể không chính xác. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ để kiểm tra lượng đường trong máu là rất quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng cần tái khám để kiểm tra chỉ số HbA1c và phát hiện những vấn đề khác trên sức khỏe do tiểu đường gây ra (nếu có).
Ăn kiêng đúng cách
Ăn kiêng khoa học là một trong những điều quan trọng nhất mà người bệnh cần làm khi sống chung với tiểu đường. Bạn nên:
- Hạn chế thực phẩm giàu đường và tinh bột.
- Lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, ví dụ như: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau xanh, cá, thịt nạc, trái cây tươi ít ngọt như cam, quýt, bưởi, ổi, thanh long,... Người bệnh tiểu đường nên kiêng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng, bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy, nước ngọt có ga…
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa (mỡ động vật, đồ ăn chiên rán, phủ tạng động vật, da của gia cầm…). Bởi những thực phẩm này dễ làm tăng mỡ máu, từ đó làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.
Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa.
- Hạn chế các loại thịt đỏ: Thịt bò, thịt chó, thịt dê…
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.
Như vậy, người bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý trong chế độ ăn hàng ngày để kiểm soát tốt đường huyết, phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Thứ ba: Tăng cường vận động khi sống chung với tiểu đường
Người bệnh tiểu đường cần có chế độ tập luyện khoa học, đều đặn để tăng độ nhạy của tế bào với insulin, giảm cân ở những người béo phì, giảm cholesterol xấu (LDL cholesterol), tăng cholesterol tốt (HDL cholesterol), từ đó giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị người bệnh tiểu đường type 2 nên dành ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần. Người bệnh lớn tuổi nên tập thể dục ít nhất 2-3 lần mỗi tuần.
Bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mắc, làm tăng nguy cơ tử vong và các biến chứng, đặc biệt ở những người trẻ. Vì vậy, những người chưa mắc bệnh tiểu đường cần thực hiện các biện pháp phòng tránh, với những người đã mắc bệnh tiểu đường thì cần kiểm soát tốt đường huyết. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!