Mục lục [Ẩn]
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh trên toàn thế giới, các nước đang nỗ lực nghiên cứu phát triển những loại thuốc và vaccine để điều trị virus Corona mới.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Tại Trung Quốc, liệu pháp tế bào gốc đang được các chuyên gia kỳ vọng sẽ là biện pháp chữa trị COVID-19 hữu hiệu trong tương lai.
Một ca nhiễm COVID-19 nặng ở Trung Quốc đã hồi phục đáng kinh ngạc sau khi được điều trị bằng tế bào gốc.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng tế bào gốc này là một phụ nữ Trung Quốc 65 tuổi ở phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bảo Sơn ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bệnh nhân đã giành giật sự sống trong vòng gần 2 tuần sau khi nhiễm COVID-19.
Theo tài liệu được nhóm nghiên cứu Đại học Côn Minh do bác sĩ Hu Min dẫn đầu vừa được công bố, chỉ 4 ngày sau khi được tiêm liều tế bào gốc dây rốn đầu tiên, bệnh nhân này đã có thể đứng lên và có thể đi lại.
"Mặc dù chỉ có một ca trong nghiên cứu này nhưng nó cho thấy tầm quan trọng và truyền cảm hứng cho các thực tiễn lâm sàng tương tự trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng" - nghiên cứu được công bố hồi tuần trước trên trang Chinaxiv.org.
Phương pháp điều trị này có thể là một phương án lý tưởng trong sử dụng hoặc kết hợp với các chất điều chế tín hiệu miễn dịch khác, tài liệu của nhóm nghiên cứu cho biết.
Liệu pháp tế bào gốc có thể giúp phục hồi những tế bào trong phổi bệnh nhân bị tổn thương do virus corona.
Ca nhiễm virus được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc ở Vân Nam là một trong 14 ca được điều trị bằng phương pháp này ở Trung Quốc, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kỹ thuật này dù vẫn chưa có được lời đáp rõ ràng nhưng cũng đã mang tới hy vọng cho các cơ quan y tế và giới chuyên gia y tế rằng có thể là cứu cánh cho các bệnh nhân nguy kịch.
Bệnh nhân ở Côn Minh tới thành phố hôm 21.1 trên một chuyến bay từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm bùng phát dịch bệnh. Một tuần sau bà trở bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi và ho nên đã tới một bệnh viện công và được xác nhận dương tính với COVID-19. Từ đây, bệnh nhân này được chuyển tới bệnh viện Bảo Sơn.
Theo những chỉ dẫn nghiêm ngặt về điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của chính phủ Trung Quốc, đầu tiên sử dụng thuốc kháng virus và kháng sinh cũng như cho bệnh nhân thở oxy. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Côn Minh này vốn đã bị tiểu đường tuýp 2. Tình trạng của bà được cải thiện lúc đầu nhưng sau đó nhanh chóng xấu đi và được chuyển tới phòng điều trị đặc biệt từ ngày 1.2.
Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện và sức khỏe của bệnh nhân này xấu đi khi các cơ quan trong cơ thể bắt đầu yếu đi dẫn tới các bác sĩ phải nhanh chóng ra quyết định. Vì thế, sau khi tham khảo ý kiến của ủy ban y đức của bệnh viện và gia đình bệnh nhân, liệu pháp tế bào gốc bắt đầu được sử dụng từ ngày 9.2.
Các tế bào gốc được sử dụng trong nghiên cứu ở Côn Minh được lấy từ dây rốn của trẻ sơ sinh nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Các bác sĩ cân nhắc sử dụng liệu pháp tế bào gốc bởi các nghiên cứu khác cho thấy COVID-19 gây tổn thương nghiêm trọng tới gan, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Các thử nghiệm tiến hành ở động vật cho thấy các tế bào gốc có thể tái tạo các tổn thương đó.
Theo tài liệu được công bố, bệnh nhân Côn Minh được tiêm 3 mũi đầu tiên vào ngày 9.2. Sau khi cho thấy không có tác dụng phụ nào với liều ban đầu, bệnh nhân được tiêm liều thứ hai vào 3 ngày sau. Đến ngày 13.2, bệnh nhân đã có thể ra khỏi giường và đi bộ đoạn ngắn với một ít sự giúp đỡ.
Bệnh nhân này được tiêm liều cuối cùng vào ngày 15.2 và 2 ngày sau đã có thể rời phòng điều trị đặc biệt, trở lại phòng bệnh bình thường.
Dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trở lại bình thường và xét nghiệm dịch họng cho thấy bệnh nhân đã âm tính với COVID-19.
Theo bác sĩ Li Honghui - người tham gia vào các xét nghiệm tương tự tại bệnh viện Trung ương Loudi ở tỉnh Hồ Nam, tiêm tế bào gốc có thể mang lại kết quả đáng kể trong vòng 3 ngày.
Ông Zhang Xinmin - giám đốc công nghệ sinh học của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông tin trong cuộc họp báo ngày 15.2 rằng, các kết quả sơ bộ của thử nghiệm tế bào gốc được thực hiện ở Trung Quốc cho thấy công nghệ này "an toàn và hiệu quả".
Các bệnh viện ở Hoàng Cương - một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc đã nhận lô tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và sẽ điều trị cho 3 bệnh nhân nặng, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Một bài viết khác trên Chinaiv hồi tuần trước cũng nói rằng, các bệnh nhân ở Bắc Kinh được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc đã có kết quả tương tự như người phụ nữ ở Côn Minh.
Tế bào gốc là những tế bào giai đoạn đầu có tính thích nghi cao, phát triển thành các dạng khác nhau để tạo ra mô, cơ quan hoặc dịch cơ thể. Công nghệ tế bào gốc xuất hiện từ những năm 1980 nhưng cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Tình hình dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm mạnh, tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp
Trung Quốc
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc giảm mạnh
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong ngày 3/3, nước này ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó 115 ca ở tâm dịch Hồ Bắc. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu cập nhật về dịch Covid-19 hôm 20/1 và cũng đánh dấu ngày giảm thứ 3 liên tiếp. Tính đến hiện tại, Trung Quốc đã có 80.270 ca nhiễm Covid-19.
Cũng trong ngày 3/3, Trung Quốc có thêm 38 ca tử vong vì virus gây viêm phổi cấp này, nâng số người tử vong tại đây lên 2.981. Trong đó, tâm dịch Hồ Bắc ghi nhận 37 ca tử vong hôm qua.
Đến nay, Trung Quốc đã chữa khỏi triệu chứng cho gần 50.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trên thế giới:
Chưa có dấu hiệu dịch COVID-19 ngừng lây lan trên toàn cầu. Tính đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đã có hơn 91.000 ca nhiễm bệnh. Hơn 3.000 người tử vong do COVID-19. Saudi Arabia, Jordan, Tunisia, Senegal, Marocco là các nước mới nhất xác nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc, Italy và Iran tiếp tục tăng mạnh. Ngày 3/3, tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc đã tăng lên 5.186 trường hợp. Ngày 3/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, nước này bước vào cuộc chiến chống COVID-19, yêu cầu các cơ quan chính phủ "trực chiến" 24/24 giờ. Tổng thống Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chi 30.000 tỷ Won (khoảng 25 tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh.
Iran hiện là một trong những điểm nóng về dịch Covid-19.
Tại Iran, quốc gia có số trường hợp tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, đã có 66 người chết do dịch bệnh này. Iran đang bị xem là mối đe dọa toàn cầu khi nhiều ca nhiễm COVID-19 tại các nước láng giềng và cả Canada có liên quan đến quốc gia này. Ngày 3/3, Italy ghi nhận 2.036 người nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng thêm 335 ca so với ngày 2/3 và số ca tử vong tăng thêm 11 người, lên 52 trường hợp.
Liệu pháp sử dụng tế bào gốc tuy còn gây tranh cãi, nhưng tác dụng của tế bào gốc đang thể hiện rõ ràng qua việc cứu sống các bệnh nhân nguy kịch trong dịch COVID 19. Do đó các chuyên gia y tế và cơ quan y tế vẫn hy vọng nó sẽ trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân nguy kịch. Từ ngày 13/02, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào mới. Tuy nhiên mọi người vẫn nên nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa dịch bệnh. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM:
- Cẩn thận với nước rửa tay ‘rởm’ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19
- Năm 2021 sẽ có vắc xin chống lại HIV/AIDS