Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã liên tục ban hành các khuyến cáo về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ngoài việc đeo khẩu trang thì vấn đề giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Vì tính tiện dụng mà nhiều người đã sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn để phòng nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19, thế nhưng việc dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Ngân Thảo, bàn tay là nơi trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể và môi trường chứa mầm bệnh. Chỉ cần chạm vào một người, hoặc bề mặt một vật nào đó, tay chúng ta đã có nguy cơ tích tụ vi trùng.
Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp từ những giọt bắn lớn khi một người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp, virus có thể lan truyền khi tay một người tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm bẩn, sau đó tay tiếp xúc với miệng hoặc mũi.
Do đó, việc rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi, miệng là cực kỳ quan trọng trong việc phòng chống lây nhiễm bệnh. Hãy rửa tay, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, trước khi: tháo/lắp kính áp tròng, chăm sóc vết thương hoặc người đang bị bệnh, chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ em, chơi với chó/mèo, cho động vật ăn, hoặc xử lý rác...
Hiện nay, do nhu cầu thị trường tăng cao bất thường khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, mặt hàng dung dịch sát khuẩn không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì thế đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất đã làm giả, làm nhái các dung dịch sát khuẩn đem bán ra thị trường.
BS. Hào cảnh báo, khi người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ngoài ra, với nước sát khuẩn “rởm” dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.
Cách tốt nhất để phòng ngừa Covid - 19 là rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 30 giây. Xà phòng với nước làm giảm hầu hết các loại vi khuẩn trên tay của bạn. Rửa tay với xà phòng và nước theo quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh trên tay. Xà phòng có tính lưỡng cực, giúp tách rời các chất bẩn ra khỏi da và sau đó nhờ dòng nước rửa trôi đi. Do đó, xà phòng có tính loại khuẩn chứ không phải diệt khuẩn.
Những thời điểm nào cần rửa tay?
Không chỉ đúng cách, việc rửa tay còn phải được thực hiện đúng thời điểm. Dưới đây là một số thời điểm bạn “nhất định” phải rửa tay:
-
Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn.
-
Trước khi ăn.
-
Trước và sau khi chăm sóc người bệnh, đặc biệt là người mắc các bệnh dễ lây truyền.
-
Trước và sau khi điều trị vết cắt, vết thương.
-
Sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc rửa ráy cho trẻ đi vệ sinh.
-
Sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc, chất thải động vật.
-
Sau khi chạm vào rác.
-
Sau khi xì mũi, ho, hắt hơi…
Các bước rửa tay đúng cách với xà phòng, nước rửa tay
6 bước rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Nhằm giúp người dân nâng cao sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách rửa tay với 6 bước như sau:
Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch. Bơm từ 3 đến 5ml dung dịch nước rửa tay hoặc chà bánh xà phòng vào lòng bàn tay, sau đó chà hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Chà ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa lại tay bằng nước sạch và lau khô.
Lưu ý: Mỗi động tác chà tay phía trên phải thực hiện ít nhất 5 lần.
Để có thể sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng, mọi người nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép) và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM: