Dịch Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm ngoái và hiện đã lan ra khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch bệnh này đã khiến khoảng 80.000 người nhiễm bệnh, hơn 2.700 người tử vong. Tuy nhiên, hiện nay dịch đang có dấu hiệu suy giảm ở Việt Nam và Trung Quốc.
Số người chết vì Covid-19 ở Trung Quốc giảm kỷ lục
Hiện tại số ca nhiễm mới và số người tử vong vì Covid – 19 đang giảm mạnh ở Trung Quốc.
Báo China Daily dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết, trong ngày 25/2, nước này có thêm 52 người chết vì virus corona chủng mới (Covid-19), thấp nhất trong 3 tuần trở lại đây kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu cập nhật hàng ngày. Toàn bộ 52 ca tử vong này đều ở tâm dịch Hồ Bắc. Như vậy, hiện số người chết vì virus này tại Trung Quốc đại lục lên 2.715 người.
Số ca nhiễm mới toàn Trung Quốc đại lục trong ngày 25/2 tăng 406 ca, trong đó, tâm dịch Hồ Bắc chiếm 401 ca, nâng số người nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc lên 78.064 người.
Cũng theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, số người được chữa khỏi và xuất viện trong ngày hôm qua cũng vượt số ca nhiễm mới ngày thứ 8 liên tiếp. Cụ thể, tổng cộng 2.422 người đã được xuất viện ở Trung Quốc trong ngày hôm qua, nâng tổng số người được chữa khỏi các triệu chứng ở nước này lên gần 29.800 người.
Trên thế giới, số người tử vong vì Covid-19 đã vượt 2.700 người, số ca nhiễm bệnh cũng vượt 80.000 người.
Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới trong tuần này cho rằng, đỉnh dịch ở Trung Quốc đã diễn ra trong thời gian từ 23/1 đến 2/2 và kể từ đó số ca nhiễm mới giảm dần, số người được chữa khỏi các triệu chứng cũng tăng lên. Hiện ít nhất 6 tỉnh cùng với khu vực Nội Mông, Tân Cương đã hạ mức ứng phó dịch Covid-19 sau khi không xuất hiện ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp.
Ở Việt Nam, tất cả các bệnh nhân nhiễm Covid – 19 đã khỏi bệnh
Gần đây, liên tiếp những tin vui đến từ kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đã được chia sẻ trong những ngày qua.
Tính đến ngày hôm nay, Việt Nam có thể tự hào công bố: 16 trường hợp nhiễm dịch COVID - 19 đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Bệnh nhân thứ 16 là ông Nguyễn Văn V. (50 tuổi, trú ở thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có kết quả xét nghiệm 2 lần liên tiếp là âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đồng thời cũng chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm Covid-19.
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, PGS-TS Lương Ngọc Khuê đã khẳng định: “Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19”.
Bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của WHO tại Việt Nam cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã có sự theo dõi dịch này rất chặt chẽ, theo dõi ngay từ những ngày đầu tiên thông báo. Một điểm nữa mà tôi muốn nói Việt Nam đã nâng cao năng lực điều lệ quốc tế trong phòng chống dịch bệnh. Việc đánh giá nguy cơ của Việt Nam cũng tốt, việc đánh giá nguy cơ để biết diễn biến và theo dõi, trao đổi tình hình để đưa ra giải pháp cụ thể."
Tuy vậy, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Việt Nam không được chủ quan khi tiếp tục quá trình đối phó với dịch Covid-19.
Tình hình dịch Covid – 19 ở các nước khác
Hàn Quốc 'huy động mọi nguồn lực' chống dịch
Cập nhật của Hãng tin Yonhap lúc 9h59 (giờ địa phương) cho thấy Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.146 ca.
Đến nay Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Ngày 26-2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực sẵn có để ngăn dịch COVID-19 lây lan nhanh ở Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc.
"Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực và phương tiện để không bỏ lỡ thời điểm quan trọng nhất nhằm ngăn chặn con virus này" - ông nói.
Ông Chung hiện có mặt tại thành phố Daegu để dẫn dắt công tác phòng chống dịch của chính phủ.
Ý tăng vọt lên 322 ca nhiễm, 11 ca tử vong
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đổ lỗi cho việc quản lý kém của một bệnh viện ở phía bắc nước này khi để dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) lây lan nhanh chóng. Cho đến hết ngày 25-2, theo Hãng tin AFP, tại Ý có 11 ca tử vong và 322 ca nhiễm, con số người nhiễm lớn nhất châu Âu.
Tất cả những bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tại Ý đều là người lớn tuổi hoặc người có tiền sử bệnh tật.
Tuy nhiên, dù số ca nhiễm tại Ý vẫn tiếp tục tăng lên thì các bộ trưởng y tế của các nước láng giềng với Ý, họp tại thành phố Rome (Ý) cùng với ủy viên y tế EU, nói rằng việc đóng cửa biên giới sẽ là một biện pháp "không cân xứng và không hiệu quả".
"Chúng ta đang nói về một chủng virus không quan tâm đến đường biên giới" - Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói.
Hiện đã có 12 nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 .
Hôm nay và hôm qua (25-2), thêm một số quốc gia châu Âu công bố các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, bao gồm: Tây Ban Nha, Croatia, Áo, và Thụy Sỹ.
Tây Ban Nha đã cách ly hàng trăm du khách tại một khách sạn trên quần đảo Canary vì một du khách người Ý nhập viện do nghi nhiễm virus corona. Nước này đã ghi nhận 3 ca nhiễm.
Croatia xác nhận trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở vùng Balkans sau khi một thanh niên trẻ vừa trở về từ Ý và dương tính với virus corona.
Áo, giáp biên giới với Ý, cũng xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên trong ngày 25-2 tại tỉnh Tyrol.
Thụy Sĩ cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, buộc Công ty thực phẩm Nestle của nước này phải tạm hoãn các chuyến công tác cho đến 15-3.
Pháp thông báo 2 ca mới và Đức cũng báo một ca nhiễm COVID-19 mới.
Như vậy, tính đến 6h30 sáng 26-2 (theo giờ Việt Nam), đã có 12 quốc gia châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19, bao gồm: Ý (322), Đức (18), Anh (13), Pháp (14), Nga (2), Tây Ban Nha (3), Áo (2), Bỉ (1), Phần Lan (1), Croatia (1), Thuỵ Điển (1), và Thụy Sỹ (1).
Phương pháp phòng chống dịch bệnh
-
Rửa tay thường xuyên với dung dịch cồn khử trùng hoặc xà phòng và nước giúp loại bỏ virus trong trường hợp virus có trên tay bạn.
-
Giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người đối diện, đặc biệt với những người hắt hơi, ho và có biểu hiện sốt. Khi một người nhiễm các bệnh về hô hấp như virus corona, khi ho hoặc hắt hơi họ sẽ bắn ra nước bọt có chứa virus. Nếu bạn ở quá gần, bạn có thể hít phải virus và nhiễm bệnh.
-
Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bởi tay đã chạm vào nhiều bề mặt có thể bị nhiễm virus. Nếu bạn chạm vào mắt, mũi hay miệng bằng bàn tay đã bị bẩn, virus có thể xâm nhập vào cơ thể bạn.
-
Nếu bị sốt, ho và khó thở, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế. Nói rõ với bác sĩ nếu bạn từng du lịch tại Trung Quốc hoặc từng tiếp xúc gần gũi với người từ Trung Quốc trở về và có các triệu chứng về đường hô hấp.
-
Nếu bạn có các triệu chứng nhẹ về đường hô hấp và không có tiền sử du lịch hoặc ở Trung Quốc, hãy vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp cơ bản và ở nhà cho đến khi phục hồi.
-
Thực hiện các phương pháp vệ sinh chung khi tới những khu chợ tươi sống, ẩm ướt. Đảm bảo việc rửa tay thường xuyên với xà phòng sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật; tránh chạm vào mắt, mũi hay miệng bằng tay; tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc sản phẩm từ động vật bị hỏng. Tránh tiếp xúc hoàn toàn với những loài động vật ở chợ như chó mèo hoang, động vật gặm nhấm, chim, dơi,… Tránh tiếp xúc với chất thải động vật hoặc chất lỏng hay cơ sở vật chất của khu chợ có khả năng bị ô nhiễm.
-
Tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Cẩn thận xử lý thịt, sữa hoặc nội tạng động vật, để tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín.
Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện tốt những biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, tuy nhiên, tình hình dịch trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày một phức tạp. Vì vậy, mong các quý bạn đọc hãy liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình. Hy vọng thông tin trên hữu ích với các bạn đọc.
XEM THÊM: