Ung thư xương cùng với các chấn thương nặng hoặc nhiễm trùng phức tạp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất đoạn, khuyết hổng tổ chức xương dài ở bệnh nhân khiến bệnh nhân nhanh chóng dẫn đến tình trạng tàn phế và suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp để cắt bỏ khối ung thư xương chày với sự phối hợp hoàn hảo giữa phẫu thuật ung thư, tạo hình khớp, chuyển vạt che phủ đã thành công. Chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, không chỉ đỡ đau mà đầu gối bệnh nhân còn gấp được 30 độ.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H, 24 tuổi. Khoảng 1 năm nay, bệnh nhân thỉnh thoảng xuất hiện đau âm ỉ vùng cẳng chân trái. Gần đây các cơn đau đến nhiều hơn, cảm giác như kiến bò trong xương rất khó chịu. Bệnh nhân thường xuyên gần như không ngủ được, phải dùng đến nhiều loại giảm đau kết hợp và thuốc ngủ.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) và được chẩn đoán ung thư xương (Chondrosarcoma).
Với loại tổn thương này hóa, xạ trị rất ít tác dụng. Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên mức độ lan rộng tổn thương tại xương chày là rất lớn. Để loại bỏ triệt căn khối u cần phải cắt toàn bộ 2/3 trên xương chày. Do đó bệnh nhân đối diện nguy cơ phải cắt cụt 1/3 dưới xương đùi.
Hình ảnh khối ung thư xương chày trên phim X-quang
Bệnh nhân nam mới 24 tuổi chưa có gia đình, không dễ để chấp nhận việc cắt cụt đùi. Với mong muốn được phẫu thuật đảm bảo triệt căn khối u đồng thời bảo tồn chi thể của bệnh nhân.
PGS Trần Trung Dũng, Đại học Y Hà Nội và các cộng sự lên phương án phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo PGS Dũng, khó khăn mà ekip phẫu thuật đối diện đó là tạo hình lại khuyết hổng xương rất lớn, khuyết 2/3 trên xương chày sau khi cắt bỏ u. Đặc biệt là tạo hình phục hồi lại điểm bám và chức năng gân bánh chè. Khi khâu gân bánh chè vào khớp nhân tạo sẽ không tạo được sự kết dính, sau một thời gian khi đứt chỉ khâu sẽ nhổ toàn bộ diện bám gân bánh chè làm cho khớp gối không duỗi được.
Phương án được đưa ra là chuyển vạt cân cơ sinh đôi trong che phủ diện bám gân bánh chè, giúp gân bánh chè có sự kết dính bền vững, chức năng khớp gối được đảm bảo. Đồng thời xác định chính xác các thông số về kích thước u, đoạn xương cần phải cắt, kích thước khớp gối dưới định dạng 3D.
Nhóm phẫu thuật đã yêu cầu nhà sản xuất tạo được khớp và đoạn kim loại thay thế khuyết xương phù hợp với bệnh nhân. Điều này giúp ca mổ thuận lợi, thành công đảm bảo vừa phẫu thuật triệt căn khối u vừa phục hồi chức năng khớp gối tốt nhất.
Ca phẫu thuật đặc biệt này diễn ra vào ngày 27/2. Ekip phẫu thuật gồm PGS.TS Trần Trung Dũng (Đại Học Y Hà Nội), các bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, Trần Đức Thanh, Trần Tuấn Anh, Hoàng Minh Sâm (Bệnh viện K), Phạm Sơn Tùng, Lê văn Nam (Bệnh viện Xanh Pôn), bác sĩ gây mê TS Trần Đức Thọ…
Ca phẫu thuật đặc biệt diễn ra vào ngày 27/2.
4 ngày sau mổ, bệnh nhân đỡ đau vết mổ, gối gấp 30 độ. Bệnh nhân đang được hướng dẫn phục hồi chức năng và chăm sóc sau mổ.
PGS Dũng đánh giá đây là ca mổ thành công, sẽ khôi phục được chức năng khớp gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại bình thường, sớm xuất viện và quay trở lại cuộc sống.
Với bệnh ung thư xương, vị trí tổn thương của khối u càng xa trung tâm thì tiên lượng có vẻ càng tốt. Lý do vì khả năng loại bỏ khối u về mặt phẫu thuật càng dễ dàng. Ngoài ra, khả năng di căn, đặc biệt đến những cơ quan quan trọng như phổi gây nguy hiểm đến tính mạng có vẻ như chậm hơn, PGS Dũng cho biết.
Trong điều trị, việc loại bỏ khối u có lẽ là giải pháp tối đa thậm chí triệt căn. Tuy nhiên khác với các khối u ở các cơ quan khác của cơ thể, việc loại bỏ một khối u ở chi thể theo nguyên tắc triệt căn là cắt cụt sẽ để lại những hệ luỵ về mặt tâm thần và xã hội không chỉ cho bệnh nhân mà cả cho người thân.
Vì thế, trong phẫu thuật các bác sĩ sẽ phải cân nhắc toàn diện tất cả yếu tố về bệnh học, tâm lý, chất lượng cuộc sống…
Một khối ung thư của xương chày có thể dễ dàng loại bỏ bằng phẫu thuật cắt cụt đảm bảo nguyên tắc triệt căn nhưng sẽ để lại những hệ luỵ sâu sắc về mặt tâm sinh lý của bản thân bệnh nhân và gia đình. Việc bảo tồn chi thể sau khi loại bỏ khối u là một bước tiến quan trọng không chỉ trong điều trị khối u mà là cả cuộc sống của bệnh nhân.
Những bằng chứng thuyết phục về theo dõi từ xa của các nhóm bệnh nhân cắt cụt chi hoặc cắt u rộng rãi và bảo tồn chi thể đảm bảo nguyên tắc cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ tái phát, di căn, thời gian sống thêm.
Mời các bạn tham khảo một số thông tin về bệnh ung thư xương
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương là bệnh hiếm gặp trong các loại ung thư. Bệnh tiến triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường đến viện ở giai đoạn muộn. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa. Nam gặp nhiều hơn nữ.
Ung thư xương là ung thư liên kết từ 3 loại tế bào: tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Bệnh thường biểu hiện ở vị trí xương chày, xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay.
Nguyên nhân bệnh ung thư xương
Ung thư xương thứ phát: Đa số ung thư xương là ung thư thứ phát do di căn từ vị trí khác của cơ thể. (vú, phổi, tuyến giáp…)
Ung thư xương nguyên phát: Chưa rõ nguyên nhân. Một số trường hợp ung thư xương có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc tiền sử phơi nhiễm phóng xạ từ trước.
Triệu chứng bệnh ung thư xương
Ung thư xương là căn bệnh khá hiếm gặp và những triệu chứng rất mờ nhạt ở giai đoạn đầu nên rất khó nhận biết. Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư xương có một số biểu hiện như sau:
-
Đau xương
-
Xương yếu đi
-
Đi lại khó khăn, đau mỏi chân tay với những người qua tuổi 30.
-
Các chi yếu đi, tê liệt hoặc đau nhói các chi có thể là dấu hiệu của việc khối u chèn ép tủy sống hoặc chèn ép rễ thần kinh.
-
Cảm giác có một vùng xương ấm hơn
Đau mỏi chân tay là dấu hiệu của bệnh ung thư xương
Khi bệnh ung thư bắt đầu tiến triển nặng hơn, xuất hiện nhiều triệu chứng rõ ràng hơn như:
-
Mệt mỏi, căng thẳng, nhanh có cảm giác kiệt sức.
-
Toát mồ hôi bất thường, chán ăn, sụt cân, có thể có hạch ngoại vi.
-
Sốt cao dài ngày, sốt không rõ nguyên nhân.
-
Chán ăn, táo bón, nôn ói, thậm chí lú lẫn.
-
Da xanh tái, nhợt nhạt.
-
Dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, vết thương lâu lành.
-
Dễ bị xuất huyết dưới da.
Phòng ngừa bệnh ung thư xương
Hiện tại chưa có phương pháp phòng ngừa ung thư xương đặc hiệu.
Một số biện pháp bao gồm:
-
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khẩu phần bổ sung canxi, magie và stronti; giảm lượng chất béo, tăng cường trái cây, rau xanh, ăn nhiều cá..
-
Duy trì lối sống khỏe mạnh: tránh xa khói thuốc, thường xuyên giải tỏa căng thẳng..
-
Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV trong ánh nắng mặt trời.
-
Tập thể dục thể thao thường xuyên làm tăng khả năng miễn dịch, giúp xương luôn chắc khỏe.
-
Tránh tiếp xúc với hóa trị và xạ trị, tia phóng xạ.
-
Cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh như dấu hiệu, tiền sử bệnh gia đình..
Các biện pháp điều trị bệnh ung thư xương
Có những phương pháp điều trị ung thư xương chính: Phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.
Phẫu thuật:
-
Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp điều trị triệt căn.
-
Nguyên tắc: lấy hết tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị xâm lấn.
-
Trong trường hợp không thể bảo tồn phải cắt cụt chi.
Hóa chất:
-
Là phương pháp sử dụng thuốc đề tiêu diệt các tế bào ung thư.
-
Có thể điều trị trước phẫu thuật làm khối u ngừng phát triển và nhỏ lại.
-
Có thể điều trị sau phẫu thuật làm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại cũng như ngăn chặn bệnh tái phát.
Xạ trị:
-
Sử dụng tia xạ làm tế bào ung thư bị tổn thương và ngừng phát triển.
-
Tuy nhiên hầu hết ung thư xương không đáp ứng với xạ trị.
-
Có thể xạ trị triệu chứng chống đau, chống gãy xương.
Việc bảo tồn chi thể sau khi loại bỏ khối u là một bước tiến quan trọng không chỉ trong điều trị khối u, mà là cả cuộc sống của bệnh nhân. Ca mổ phức tạp lần đầu ở Việt Nam diễn ra thành công không những mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, mà còn là sự động viên ekip phẫu thuật trong việc đồng hành cùng bệnh nhân chống lại bệnh ung thư. Mong rằng qua bài viết, sẽ có nhiều người dân biết hơn nữa được tiếp cận tới kỹ thuật này, để có thể có được cuộc sống tốt hơn, không phải đối mặt với việc bị tàn tật vĩnh viễn nếu không may bị mắc bệnh phải cắt bỏ xương. Hy vọng thông tin hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM:
- Dấu hiệu tích cực diễn biến dịch Covid – 19 tại Việt Nam và Trung Quốc
- Năm 2021 sẽ có vắc xin chống lại HIV/AIDS