Vừa qua Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ca ghép tế bào gốc thành công đầu tiên trên trẻ em. Nhờ đó bé đã được cứu sống và hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Bé 4 tuổi được cứu nhờ phương pháp ghép tế bào gốc
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau 32 ngày ghép tế bào gốc, sức khỏe của bé Nguyễn Ánh Hoàng ( 4 tuổi) đã tốt trở lại, các xét nghiệm máu đã phục hồi.
Trước đó bệnh nhi này được chẩn đoán bị ung thư nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Do đó, bệnh nhân cần phải điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân mới có thể duy trì sự sống.
Ca ghép tế bào gốc này được tiến hành dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.HCM. Thành công này một lần nữa khẳng định vị thế của Bệnh viện Trung ương Huế trong nền y học nước nhà.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của y học thế giới. Nhờ đó, nhiều trường hợp bệnh nan y được chữa khỏi hoặc kéo dài sự sống. Ghép tủy tự thân là phương pháp thu hoạch tế bào gốc từ máu ngoại vi hoặc từ tủy xương của chính bản thân bệnh nhân sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất liều cao để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể, sau đó, truyền tế bào gốc đã bảo quản để phục hồi hệ thống tạo máu.
Dự kiến trong thời gian tới, Bệnh viện Trung Ương Huế sẽ tiếp tục triển khai ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh nhi hơn nữa và hướng tới ghép tủy đồng loại để cứu sống và mang lại niềm hi vọng cho các trẻ mắc bệnh ung thư.
Gần 800 ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu thành công
Trước đó ngày 23/4/2019, theo kết quả được tổng kết tại Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc diễn ra tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thì cả nước có 9 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu, số lượng các ca bệnh về máu được tiến hành ghép không ngừng tăng lên với hơn 750 ca đã được thực hiện thành công.
Thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô cũng như các sản phẩm từ tế bào gốc tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Tế bào gốc được đã được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau mà trước đây chưa làm được như: các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh...
Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Hoạt động tế bào gốc tại nước ta đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, ngày càng hoàn thiện, đa dạng về kỹ thuật, phương pháp ghép cũng như nguồn tế bào gốc. Bên cạnh đó, việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường".
Định kỳ 2 năm một lần, Hội nghị khoa học Tế bào gốc toàn quốc được tổ chức. Năm 2019 là năm thứ V diễn ra hội nghị. Với sự tham gia của đại biểu trong và ngoài nước, hội nghị cũng cập nhật nhiều tiến bộ mới về kỹ thuật ghép như: kỹ thuật ghép nửa hòa hợp; kỹ thuật ghép từ nguồn tế bào gốc dây rốn cộng đồng và ghép nửa hòa hợp… Qua đó, mang lại cợ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người dân không may mắc bệnh hiểm nghèo.
>>> Xem thêm: