Mục lục [Ẩn]
Trong tự nhiên có nhiều loại rắn mang nọc độc rất nguy hiểm. Khi sơ ý bị rắn cắn, bạn không nên chủ quan vì nếu đó là loài rắn độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết! Mời bạn đọc cùng đi tìm hiểu về cách sơ cứu khi bị rắn cắn để bảo vệ bản thân tốt hơn.
Nhiều người nhập viện do bị rắn độc cắn
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện do rắn cắn.
Trung bình, mỗi ngày Trung tâm Chống độc tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện với các mức độ nặng - nhẹ khác nhau. Gần đây nhất là bệnh nhân Nguyễn Thị H. (45 tuổi, ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), khi tỉnh dậy phát hiện đau cơ, sụp mi, nuốt khó, nói ngọng, tê yếu tay chân. Bệnh nhân được gia đình đưa tới bệnh viện địa phương, được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên phải cần 1 tuần nữa mới đánh giá được mức độ hồi phục của bệnh nhân. "Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, nguy cơ tử vong của bệnh nhân này là rất lớn. Đáng lưu ý, gia đình không biết bệnh nhân bị rắn cắn khi nào và loài rắn gì vì không nhìn thấy con rắn và vết cắn trên người bệnh nhân. Chỉ đến khi tới Trung tâm Chống độc, được các bác sĩ giải thích, phân tích, gia đình mới biết bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn" - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nói.
Nhiều người phải nhập viện do bị rắn cắn
Cách nhận biết khi bị rắn độc cắn
Một số loài rắn độc thường gặp ở nước ta hiện nay là:
- Rắn hổ mang: có cổ bạch, phát ra âm thanh đặc trưng khi đe dọa hoặc chuẩn bị tấn công. Loài rắn này thường xuất hiện ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng. Đôi khi rắn sẽ xuất hiện xung quanh khu dân cư.
- Rắn hổ mang chúa: Loài rắn này cũng có cổ bạch nhưng nhỏ hơn loài trên. Đỉnh đầu rắn có hai vảy lớn, kích thước to, nặng gần 10kg và dài khoảng 2,5m.
- Rắn cạp nong/cạp nia: Loài rắn này có thân mình màu đen, trắng hoặc vàng, chia thành từng khúc. Rắn thường sinh sống ở vùng trung du và đồng bằng, đặc biệt là những nơi gần nước.
Rắn cạp nong là loại siêu độc sống phổ biến ở Việt Nam
- Rắn biển: Là loài rắn có nọc độc mạnh. Phần lớn thời gian rắn sống trong môi trường nước biển.
- Rắn lục: Loài rắn này có đầu to hình thoi hoặc hình tam giác, con ngươi mắt hình elip dọc, thân màu xanh lá cây.
Khi bị rắn cắn, bạn hãy thử quan sát vết cắn để nhận biết mình có bị rắn độc cắn hay không.
- Rắn độc: Rắn độc là một loại rắn rất nguy hiểm, thường có hai răng độc lớn. Khi rắn cắn, răng sẽ đồng thời truyền độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng. Người bị rắn độc cắn thường để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng sẽ có 2 vết răng nanh. Khi quan sát sẽ thấy mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.
- Rắn không độc: Khi quan sát vết cắn sẽ thấy dấu vết để lại của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và không có vết răng nanh.
Nhận biết rắn cắn qua vết răng để lại trên da
Những triệu chứng khi bị rắn cắn
- Đau rát rất nghiêm trọng tại vị trí vết thương trong thời gian 15 – 30 phút.
- Xuất hiện tình trạng sưng và bầm tím tại vị trí vết cắn, đôi khi sẽ lan rộng ra khắp tay hoặc chân, gây hoại tử da.
- Nạn nhân có thể có các dấu hiệu như: Buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, đôi khi sẽ cảm nhận mùi vị lạ trong miệng.
- Nạn nhân bị rắn độc cắn thường bị rối loạn đông máu và xuất huyết. Tuy nhiên, khi bị các loài rắn có độc tố mạnh cắn (rắn hổ mang) sẽ gây các triệu chứng về thần kinh như: Ngứa ran da, khó nói, yếu chân tay, liệt toàn thân, suy hô hấp và ngưng thở. Nguyên nhân tử vong do rắn độc cắn thường là liệt các cơ gây khó thở hoặc chảy máu toàn thân, mất nhiều máu.
Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, ở Việt Nam rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp thì mới đến cơ sở y tế. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện nạn nhân bị rắn độc cắn, cần gọi ngay số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Trong thời gian đợi nhân viên y tế giúp đỡ, nên thực hiện sơ cứu khi bị rắn độc cắn để làm chậm và hạn chết nọc độc xâm nhập cơ thể nạn nhân bằng các bước sau:
- Di chuyển nạn nhân ra xa khỏi tầm hoạt động của con rắn.
- Hạn chế cử động của bệnh nhân, giúp nạn nhân bình tĩnh. Tốt nhất bạn nên nẹp cố định chi bị cắn, làm bất động chi đó để giảm sự lây lan của nọc độc.
- Tháo bỏ, nới rộng đồ trang sức và quần áo, tránh gây chèn ép khiến vết thương sưng lên.
- Điều chỉnh tư thế nạn nhân sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn tim, điều này phải làm ngay trong lúc di chuyển đến bệnh viện.
- Làm sạch vết thương bị cắn bằng nước muối sinh lý và xà phòng.
- Dùng miếng gạc khô, sạch để băng kín vùng bị cắn.
Băng nẹp ép bất động chi khi bị rắn cắn.
3 sai lầm khi tiến hành sơ cứu nạn nhân bị rắn cắn
Bạn cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, không chủ động chữa trị bằng kinh nghiệm dân gian. Khi sơ cứu cần tránh một số sai lầm dưới đây:
Rạch vết thương, hút nọc độc: Nhiều người rạch vết thương bị rắn cắn và dùng miệng cố gắng hút nọc độc ra. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm đúng. Bởi lẽ, bạn chỉ có thể hút ra được một lượng rất nhỏ độc chất, trong khi việc rạch hút có thể làm tình trạng nạn nhân xấu hơn. Đa số các trường hợp rắn cắn có nọc độc thì nọc độc chưa đi vào máu ngay mà vẫn nằm dưới da, trong hệ bạch huyết để cơ thể tìm cách xử lý trước. Việc rạch hút vết thương rắn cắn sẽ vô tình khiến nọc độc đi vào máu nhanh hơn, tổn thương rộng hơn.
Quấn garo quá chặt: Khi sơ cứu vết thương rắn cắn, nhiều người quấn garo thật chặt chỗ vết thương để tránh cho nọc độc đi vào máu và di chuyển đến toàn cơ thể. Như thế là sai lầm. Việc băng bó vết thương quá chặt sẽ ngăn dòng máu đến nuôi phần cơ thể bị băng bó, làm tổn thương bộ phận này.
Tìm cách bắt, đánh giết con rắn: Không nên tìm cách bắt con rắn, như thế sẽ càng gây nguy hiểm cho bản thân. Trong đa số trường hợp, rắn không cố tình tấn công hay giết người, rắn chỉ cắn tự vệ để thoát thân, trừ khi bạn đe dọa hoặc tấn công ổ của chúng.
Người bị rắn cắn không nên dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể chụp hình hoặc ghi nhớ hình dạng, đặc điểm bên ngoài của con rắn thì sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng nhận diện chính xác loại rắn để có phương án điều trị.
Cách phòng tránh bị rắn cắn
Để tránh bị rắn cắn, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Tránh xa môi trường có rắn sinh sống, ẩn nấp như bụi rậm,tảng đá, gỗ.
- Khi di chuyển ở những vùng bụi rậm, bạn nên mặc quần áo bảo hộ an toàn, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần dài, mang theo gậy để dò đường phía trước.
- Nếu gặp rắn, bạn nên di chuyển nhẹ nhàng, tránh kích động rắn.
- Rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc nguy hiểm gây chết người, do vậy bạn không nên cố bắt hay giết chết rắn.
- Nếu bạn thường xuyên phải đi lại ở những vùng nguy hiểm, hãy trang bị bẫy rắn.
Một số biện pháp phòng tránh bị rắn cắn
Hy vọng chúng tôi đã giúp các bạn trang bị thêm kiến thức hữu ích về sơ cứu khi bị rắn cắn. Để được tư vấn thêm về các vấn đề sức khỏe khác, mời bạn đọc liên hệ với tổng đài tư vấn sức khỏe 0243.766.2222.
XEM THÊM: